“Ich bin ein Berliner” hay “Tôi là công dân Berlin” là một trong những câu nói nổi tiếng nhất của tổng thống John F. Kennedy. Được phát biểu vào ngày 26.6.1963, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhằm khẳng định ranh giới và bảo vệ thế giới tự do. Hàng chục năm đã trôi qua, các thế hệ sau nhìn lại, mới thấy được tầm quan trọng của bài diễn văn này. Dù ngắn gọn, nhưng nó chứa đầy đủ giá trị mà Mỹ muốn lan rộng. Khi đi kèm với giọng đọc quyến rũ của Kennedy, nó trở thành một tác phẩm.
Nhưng để hiểu ý nghĩa của nó, chúng ta phải nhìn lại bối cảnh.
Vào năm 1963, Châu Âu bị chia cắt bởi một “Bức màn sắt,” như lời miêu tả của Winston Churchill. Ranh giới rõ rệt nhất được thấy ở thành phố Berlin. Ở bên phía Tây là nền kinh tế thị trường và sự đa nguyên. Còn ở bên phía Đông là nền kinh tế bao cấp và sự tập trung.
Sau thế chiến thứ hai, phe Đồng Minh và Liên Xô chia cắt nước Đức thành 4 khu cai quản: Mỹ, Anh, và Pháp cai quản bên phía Tây, và sau này trở thành Tây Đức. Còn Liên Xô cai quản phía Đông, và sau này trở thành Đông Đức.
Xung đột bắt đầu vào năm 1961, khi chính quyền Đông Đức, xây bức tường để ngăn chặn người dân di cư qua bên Tây Đức, và bác bỏ tất cả những thỏa thuận về quyền tự do đi lại đã cam kết trước đây.
Đến năm 1963, khi cuộc chiến tranh lạnh đang leo thang, tổng thống John F. Kennedy có chuyến viếng thăm Tây Đức để khẳng định lập trường của Mỹ và Tây Âu. Thay vì mặc kệ Tây Berlin, thay vì dùng thành phố nhỏ bé này để làm công cụ trao đổi lợi ích, Kennedy coi đây là khoảnh khắc để viết nên lịch sử. Mặc dù chỉ là thành phố nhỏ bị cô lập, nhưng Tây Berlin được coi là biểu tượng, và phải được bảo vệ cho đến cùng. Nếu không, niềm tin của con người sẽ sụp đổ.
Đây là phiên bản chuyển ngữ. Lưu ý, một số từ ngữ đã được thay thế.
Hai ngàn năm trước, câu nói tự hào nhất là ‘Civis Romanus sum’, tôi là công dân La Mã. Ngày nay, trong thế giới tự do, câu nói tự hào nhất chính là ‘Ich bin ein Berliner’, tôi là công dân Berlin.
Có rất nhiều người trên thế giới không hiểu, hay giả vờ không hiểu, sự khác biệt lớn nhất giữa thế giới tự do và Liên Xô là gì. Hãy kêu họ đến Berlin.
Có một số người cho rằng, kinh tế bao cấp là xu hướng của tương lai. Hãy kêu họ đến Berlin.
Và có một số người nói rằng ở Châu Âu và nơi khác, chúng ta có thể bắt tay với Liên Xô. Hãy kêu họ đến Berlin.
Và có một số người tin rằng hệ thống của Liên Xô dù có tồi tệ, nhưng nó vẫn giúp con người phát triển. Lass’ sie nach Berlin kommen. Hãy kêu họ đến Berlin.
Tự do có nhiều vấn đề và đa nguyên không hề hoàn hảo. Nhưng chúng ta chưa bao giờ phải xây bức tường để giam cầm người dân, để ngăn chặn họ rời bỏ chúng ta.
Tôi muốn nói thay mặt cho đồng bào của tôi, những người đang sống ở bên kia Đại Tây Dương, những người ở cách xa các bạn, rằng họ vô cùng tự hào khi đã có thể chia sẻ cùng các bạn, điều kỳ diệu trong suốt 18 năm qua.
Tôi không hề biết một thị trấn nào, một thành phố nào, đã bị bao vây suốt 18 năm, mà vẫn có thể tồn tại với sức sống, nghị lực, niềm tin, và sự kiên quyết như Tây Berlin.
Mặc dù bức tường là minh chứng cho sự thất bại của hệ thống Liên Xô, cho cả thế giới thấy, nhưng chúng tôi không cảm thấy vui một chút nào. Vì như lời của thị trưởng của các bạn, nó không chỉ là sự xúc phạm đến lịch sử, mà còn là tội ác với nhân loại. Nó chia cắt gia đình, chia rẽ vợ chồng và anh em, và còn chia rẽ một dân tộc muốn thống nhất.
Những gì xảy ra ở Berlin cũng xảy ra trên cả nước Đức. Hòa bình lâu dài ở Châu Âu không thể nào được bảo đảm, khi một trong bốn người Đức bị tước đi quyền của công dân tự do, và đó là quyền để tự lựa chọn.
Trong suốt 18 năm hòa bình, thế hệ người Đức hiện tại đã chứng minh họ xứng đáng để hưởng tự do, bao gồm quyền đoàn tụ với gia đình và đất nước trong hòa bình, cùng thiện chí với tất cả các dân tộc khác.
Các bạn sống trong một thành trì tự do bị bao vây, nhưng vẫn gắn kết với thế giới.
Cho nên, tôi kêu gọi các bạn, hãy nhìn xa hơn những mối nguy hiểm của hiện tại, để hướng đến những hứa hẹn trong tương lai, vượt xa sự tự do của thành phố Berlin, hay nước Đức, để thúc đẩy tự do ở khắp nơi, vượt qua bức tường này để hướng đến hòa bình và công lý, vượt qua chính bản thân mình để hướng đến cả nhân loại.
Tự do không thể bị chia cắt, và khi một người bị giam cầm, tất cả đều mất tự do. Khi tất cả được tự do, chúng ta có thể hướng đến cái ngày khi thành phố bị chia đôi này trở lại thành một, và trở thành một phần của đất nước này, châu lục này, thế giới này, trong hòa bình.
Khi cái ngày đó đến, và nó sẽ đến, người dân Tây Berlin, có thể hãnh diện rằng họ đã sống ở tuyến đầu trong suốt hai thập niên qua.
Tất cả con người tự do, dù sống ở bất cứ nơi đâu, đều là công dân Berlin. Cho nên, là một người tự do, tôi tự hào khi nói ‘Ich bin ein Berliner,’ tôi là công dân Berlin.
Khi Kennedy phát biểu xong, hơn 100,000 công dân Tây Berlin đã vỡ òa, biết rằng số phận của họ sẽ không bị như đồng bào bên phía Đông. “Ich bin ein Berliner” trở thành một câu nói nổi tiếng. Cho đến bây giờ, nó vẫn được dạy trong sách giáo khoa để các thế hệ sau không quên quá khứ.
Đây là một lý do vì sao nước Mỹ vĩ đại, vì họ đã từng có một tổng thống không dùng sức mạnh để cưỡng ép nước khác phải từ bỏ chủ quyền của mình, mà dùng vị thế của một cường quốc để bảo vệ thế giới tự do.
Đó ý nghĩa của câu “Ich bin ein Berliner.”
Nguyễn Trọng Nhân, 19.3.2025