Học sinh Triều Tiên bỏ trốn ở Hong Kong

Li Jong-yol vào năm 2016 là một học sinh ưu tú, một thành viên của đội tuyển Olympic Toán của Triều Tiên. Trong dịp tham dự giải ở Hong Kong, cậu ấy đã tận dụng thời cơ để đào tẩu. Gia đình cậu ấy thừa biết quyết định đó nhưng vẫn ủng hộ. [hook]

Chúng ta thường nghe các câu chuyện về người Triều Tiên bỏ trốn sang Hàn Quốc. Họ bất chấp rủi ro về tính mạng. Để làm gì?

Viết lại từ báo South China Morning Post.

Kể từ khi Hong Kong được giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997, không có một người Triều Tiên nào đã bỏ trốn thành công ở thành phố này. Theo luật của Trung Quốc, tất cả người Triều Tiên nhập cảnh trái phép sẽ bị trục xuất về lại quê nhà. Li Jong-yol là trường hợp đầu tiên với hành động mạo hiểm và táo bạo của mình vào ngày 17 tháng 7, năm 2016.

Li là một thành viên của đội tuyển Olympic Toán Triều Tiên, đến Hong Kong tham dự giải Olympic Toán Quốc Tế [IMO]. Vào ngày 17.7.2016, sau khi cuộc thi kết thúc, tận dụng sự quản lý lỏng lẻo từ người giám sát, anh đã lén ra khỏi ký túc xá ở Đại Học Khoa Học và Công Nghệ Hong Kong. Sau đó, anh bắt chiếc taxi đến sân bay quốc tế Hong Kong với hy vọng sẽ tìm được một người Hàn Quốc để được giúp đỡ.

Khi đến sân bay, Li đi thẳng đến quầy của một hãng hàng không Hàn Quốc, nói rằng anh là một người Triều Tiên muốn xin tỵ nạn. Không chần chừ, nhân viên đã gọi ngay cho lãnh sự quán Hàn Quốc ở Hong Kong. Vì quy định ngoại giao không cho phép lãnh sự quán trực tiếp hỗ trợ người Triều Tiên bỏ trốn, nên Li đã được chỉ dẫn để tự đi đến lãnh sự quán Hàn Quốc ở trung tâm Hong Kong.

Khi đến nơi, anh phải chờ thêm 2 tháng để chính quyền Trung Quốc cấp giấy phép xuất cảnh. Trong tháng đầu tiên, Li không nói chuyện với ai, mà chỉ chơi điện tử và chạy bộ trong căn phòng nhỏ ở lãnh sự quán. Nhưng dần dần, anh cũng bắt đầu mở lòng với nhân viên của lãnh sự quán. Vào ngày 24.9, anh đã được nhận hộ chiếu kèm visa mới, và sang Hàn Quốc để bắt đầu cuộc sống mới.

Đối với chàng thanh niên 18 tuổi đó, cuộc thi toán ở Hong Kong là cơ hội duy nhất và cuối cùng để anh bỏ trốn, vì sau này anh sẽ không còn tham gia bất cứ kỳ thi nào nữa.

Trong suốt cuộc hành trình, anh luôn bị viên chức của Triều Tiên giám sát và giữ hộ chiếu. Anh cũng không được sử dụng điện thoại để liên lạc. Theo luật của Triều Tiên, nếu một người bị bắt bỏ trốn, họ và cả gia đình sẽ bị trừng phạt nặng nề, bao gồm bị bỏ tù và án tử hình. Nhưng bất chấp những rủi ro đó, Li vẫn bỏ trốn.

Đây không phải là quyết định ngẫu hứng. Trong những lần tham gia giải ở Nam Phi và Thái Lan trước đó, Li đã thấy thế giới bên ngoài Triều Tiên ra sao. Trước khi đến Hong Kong, anh đã xác định kế hoạch.

Anh cũng đã bàn với cha của mình, một giáo viên toán trung học ở Triều Tiên. Khi nghe xong ý nguyện của cậu con trai, cha của Li đưa anh ấy 200 USD kèm với lời dặn: “Con đừng lo. Hãy đi đi.” Ông ấy thừa biết hậu quả sẽ là gì nhưng vẫn chấp nhận để con mình có tương lai tốt đẹp hơn.

Kế hoạch bỏ trốn của anh ở Hong Kong diễn ra suôn sẻ. Sau khi đến Hàn Quốc, anh đã bắt đầu cuộc sống mới và đi học các khóa về ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, và quan hệ quốc tế. Dự tính, anh sẽ học đại học trong thời gian tới.

Còn gia đình của anh hiện tại ra sao? Tuy Li không nói, nhưng hậu quả của việc bỏ trốn ở Triều Tiên là cả gia đình sẽ bị bỏ tù hoặc nhận án tử hình.

Ước tính, sau chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953, hơn 31,000 người Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc.

Nguyễn Trọng Nhân, viết lại dựa theo ‘How North Korean maths-whizz defector escaped through Hong Kong’, South China Morning Post, 26.2.2017

Leave a Comment