Giải cứu bong bóng Phú Quốc

Nếu một nơi nào đó xứng đáng có riêng một bộ phim bom tấn tương tự như “Cuộc bán khống vĩ đại” của Hollywood, thì Phú Quốc sẽ đứng đầu.

Nơi đây có gần như tất cả yếu tố để làm nên một kịch bản phim kinh tế tài chính hấp dẫn. Rừng xanh, cát trắng, nét hoang sơ của một hòn đảo nhỏ, làn sóng bơm thổi của giá đất, cơn sốt bất động sản, và sự suy giảm.

Trong dịp lễ 30 tháng 4 năm 2024 vừa rồi, tầm 125,000 du khách đã đến Phú Quốc. Thấp hơn con số 127,000 của năm 2022. Nổi lên như một điểm đến hứa hẹn trong vài năm qua, nhưng hiện nay, lại bị du khách nội địa quay lưng.

Điều này khiến chúng ta tự hỏi: “Vì sao du lịch Phú Quốc ế?”

Nói vậy thì hơi quá vì không nghiêm trọng đến mức độ đó, nhưng cũng không phải là thiếu chính xác. Nếu so sánh với các nơi khác có cùng tiềm năng, Phú Quốc đang không thành công như mong đợi.

Hãy cùng suy luận theo từng phần.

  1. Hiện tượng Phú Quốc
  2. Bong bóng Phú Quốc
  3. Vé máy bay cao
  4. Chi phí du lịch đắt đỏ
  5. Thành phố biển nhưng thiếu đường biển
  6. Thiên nhiên bị thay thế bởi công trình giả tạo
  7. Du khách có nhiều lựa chọn khác
  8. Tư duy du lịch Trạng Quỳnh
  9. Phú Quốc cần là Phú Quốc

Hiện tượng Phú Quốc

Vào năm 1671, một người Hoa tên Mạc Cửu, đã cùng đoàn binh 400 người rời Phúc Kiến. Sau nhiều ngày trên biển, đoàn của ông ấy đặt chân lên một hòn đảo trong vịnh Thái Lan.

Vào thời điểm đó, nó được gọi là Kol Tral, nghĩa là “Hòn đảo hình con voi.” Sau đó, Mạc Cửu đổi tên cho hòn đảo này thành Phú Quốc. Phú là giàu có, quốc là đất nước, và Phú Quốc có nghĩa là vùng đất giàu có. Vào năm 1708, Mạc Cửu liên lạc với Chúa Nguyễn Phúc Chu để làm thuộc hạ. Rồi vào năm 1724, ông ấy dâng toàn bộ đất cho Chúa Nguyễn và vùng đất này trở thành lãnh thổ Việt Nam.

Tách biệt khỏi đất liền nên mất đi lợi thế, nhưng qua năm tháng, Phú Quốc vẫn tiếp tục phát triển. Trong chục năm trở lại đây, Phú Quốc nổi lên như một hiện tượng.

Những ai đã từng đến Phú Quốc cũng dễ hiểu vì sao. Hiếm nơi nào sở hữu nét đẹp tự nhiên của rừng và biển. Nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn, nên hòn đảo này sở hữu sự yên bình và không khí trong lành. Cho đến năm 2022, 63% diện tích toàn đảo là rừng.

Cộng tất cả yếu tố lại, đây là nơi lý tưởng để nghĩ dưỡng. Nhưng cũng vì sức hút đó, nên đã dẫn đến “Bóng bóng phú quốc.”

Bong bóng Phú Quốc

Tuy không có thời điểm chính xác, nhưng báo chí đều đồng ý rằng kể từ năm 2012, nơi đây bắt đầu cơn sốt bất động sản. Vì sao lại là 2012? Vì đó là năm Sân Bay Quốc Tế Phú Quốc bắt đầu hoạt động. Sau đó là các tập đoàn lớn rót vốn vào và kéo theo các nhà đầu tư khác.

Dựa theo các nguồn tư liệu, trước năm 2012, Phú Quốc vẫn còn là hòn đảo chưa phát triển. Giá đất vì vậy vô cùng rẻ. 1000m2 vào thời điểm đó chỉ có giá tầm 500 triệu đồng, tức là khoảng 0.5 triệu/m2. Để so sánh, vào năm 2024, 1 m2 đất sẽ có giá dao động 20 triệu đến 90 triệu/m2, và 1000 m2 năm xưa giờ có giá vài chục tỷ. Giá đất đã tăng tới vài chục lần trong 10 năm.

Kể từ khi nhà nước ký quyết định 80, “Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang,” giá đất ở nơi đây bắt đầu cơn sốt. Hàng loạt nhà đầu tư lớn nhỏ bắt đầu nhìn thấy cơ hội và tận dụng.

Đến mức, khi nhắc đến Phú Quốc, người ta chỉ nghĩ đến đầu cơ đất. Theo thống kê, 80% nhà đầu tư đến từ Hà Nội. Người dân Phú Quốc nào may mắn sở hữu đất đã trở nên siêu giàu chỉ trong khoảng thời gian ngắn.

Giá đất bay nhảy điên rồ đến mức một nhà đầu tư chỉ cần xuống tiền, để đó một năm, khi quay lại thì lô đất đó đã tăng giá gấp đôi.

Nhưng kể từ năm 2018, giá đất bắt đầu tăng chậm lại và đi ngang. Cho đến năm 2024, tuy vẫn còn sôi nổi nhưng cơn sốt Phú Quốc đã không còn nữa. Hậu quả để lại là hàng loạt dự án chưa xây xong và các bãi đất hoang. Vì lý do tế nhị, ở đây xin không nhắc đến.

Cũng chính vì cơn sốt đất này, nên đã ít nhiều trở thành nguyên nhân vì sao du lịch Phú Quốc trở nên đắt đỏ và thiếu cạnh tranh. Bắt đầu với giá vé máy bay cao.

Vé máy bay cao

Vì là hòn đảo nên Phú Quốc không thể liên kết với đất liền bằng đường bộ. Muốn đến, bạn phải đi phà hoặc máy bay. Đó cũng là vấn đề. Chúng ta có thể so sánh. Đây là giá vé một chiều vào tháng 6 năm 2024.

  • Sài Gòn đi Phú Quốc: 1 triệu
  • Sài Gòn đi Đà Nẵng: 1 triệu
  • Sài Gòn đi Quy Nhơn: 1.3 triệu
  • Hà Nội đi Phú Quốc: 1.8 triệu
  • Hà Nội đi Đà Nẵng: 1 triệu
  • Hà Nội đi Quy Nhơn: 1.7 triệu

Giá cả khác nhau vì nhiều lý do như khoảng cách và số lượng chuyến bay. Nhưng từ góc nhìn của du khách ở Sài Gòn và Hà Nội, giá vé đi Phú Quốc không rẻ hơn, và vào lúc cao điểm, nó cao hơn.

Nếu là một người đang lựa chọn nơi để đi du lịch, họ sẽ cân nhắc kỹ, và Phú Quốc không có lợi thế gì để cạnh tranh. Đó chỉ là giá vé chưa chứ chưa phải là tổng chi phí.

Chi phí du lịch đắt đỏ

Đây là giá tour du lịch đến Phú Quốc so với những nơi khác:

  • Sài Gòn đi Phú Quốc 3 ngày 2 đêm: 5.7 triệu hoặc 1.9 triệu/ngày.
  • Sài Gòn đi Quy Nhơn, 4 ngày 3 đêm: 6.8 triệu hoặc 1.7 triệu/ngày.
  • Sài Gòn đi Thái Lan 5 ngày 4 đêm: 7.7 triệu hoặc 1.5 triệu/ngày.

Đó chỉ là giá tour chứ chưa tính chi phí bên ngoài. Nếu một gia đình tự đi riêng, chi phí sẽ cao hơn rất nhiều. Về mặt giá cả, Phú Quốc đắt đỏ hơn Quy Nhơn và Thái Lan. Về mặt đa dạng và dịch vụ, Phú Quốc càng không thể nào so sánh được với Đà Nẵng. Cho nên không khó hiểu vì sao khách nội địa lại quay lưng.

Thành phố biển nhưng thiếu đường biển

Đi đến các thành phố biển như Vũng Tàu, Quy Nhơn, hay Đà Nẵng, một trong các điểm nhấn là con đường biển. Đó là nơi bạn có thể vừa đi bộ hoặc lái xe và vừa ngắm biển.

  • Vũng Tàu có đường Hạ Long và Thùy Vân.
  • Đà Nẵng có đường Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, và Trường Sa.
  • Quy Nhơn có đường An Dương Vương và Xuân Diệu.

Còn ở Phú Quốc, đường ven biểnn đã bị các resort, bãi tắm tư nhân, và khách sạn 5 sao che khuất. Hãy mở Google Map, bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối khi không có cảm giác vừa lái xe vừa ngắm biển như ở Đà Nẵng hay Quy Nhơn. Đây là một điểm thiếu sót và hiện tại đang được khắc phục.

Thiên nhiên bị thay thế bởi công trình giả tạo

Để hiểu vì sao Phú Quốc bỗng dưng trở thành điểm du lịch nhưng bây giờ lại bị chê, bạn cần hỏi vì sao nhiều người ban đầu lại đến đây.

Lấy ví dụ, một người ở Sài Gòn hay Hà Nội. Họ sống quanh năm suốt tháng trong đô thị chật kín người. Nơi không có gì ngoài bê tông, xe, khói bụi, tiếng ồn, và sự xô bồ. Chính nhịp sống hối hả đó đã khiến họ phải tìm đến những nơi yên tĩnh. Nói theo phong cách của các bạn trẻ hiện đại, “Tìm nơi để chữa lành hay đi healing.” Nghĩa là tạm xa đô thị để về lại với thiên nhiên.

Trước đây là Đà Lạt, nơi có khí hậu mát lạnh quanh năm. Người Sài Gòn lên đó không để làm gì nhiều, ngoài việc trốn nóng và thư giãn trong yên bình.

Với Phú Quốc cũng vậy, các yếu tố cuốn hút con người khắp nơi đến hòn đảo này chính là thiên nhiên. Nếu đến Phú Quốc khoảng 20 năm trước và quay lại trong vài năm gần đây thì sẽ thấy rõ sự khác biệt. Những cánh rừng nguyên sinh vốn là tài sản của hòn đảo đã gần như biến mất.

Theo thông tin từ Vườn Quốc Gia Phú Quốc, diện tích rừng phòng hộ trên đảo vốn có 11,939ha, nay giảm còn 6,666ha, và tập trung ở khu vực phía nam đảo. Lý do được đưa ra là đất rộng, nhân lực ít, khó giảm sát chặt chẽ, nên lâm tặc lợi dụng và đất rừng bị lấn chiếm.

Dù với lý do gì, những mảng xanh của đảo đang ngày càng thu nhỏ lại. Thay vào đó là các công trình bê tông nhân tạo được dựng lên ngày càng nhiều.

Đặc biệt tại các khu vực bờ biển đẹp, hàng loạt các công trình mọc lên. Những nhà hàng, khách sạn, resort lấn biển, đường đi bộ quanh bờ biển và thậm chí cả đường đi bộ dưới đáy biển đã chiếm hết không gian ven biển.

Tuy ở đây không nhắc riêng tên của dự án nào, nhưng cũng không cần, vì bạn chỉ cần tìm trên mạng xã hội là thấy.

Thay vì lấy thế mạnh thiên nhiên để làm nền tảng, người ta lại xây lên những Venice thu nhỏ với màu sắc tổng hợp. Sẽ là không có gì nếu nó giống Venice, nhưng ngay cả du khách Châu Âu cũng không thấy nét Địa Trung Hải ở đâu.

Có thể họ suy nghĩ trong đầu: “Tại sao mình lại bỏ Châu Âu để đến một phiên bản sao chép?”

Còn khách nội địa cũng nhận xét: “Nếu đến Phú Quốc để thấy bê tông, thì thà ở lại Sài Gòn hay Hà Nội.”

Tại sao họ phải đến Phú Quốc khi nét đẹp tự nhiên đã bị thay thế và du khách có nhiều lựa chọn khác?

Du khách có nhiều lựa chọn khác

Với kinh phí 10 triệu đồng, một người ở Sài Gòn có thể đi tour du lịch đến những nơi sau đây.

  • Vũng Tàu: 3 triệu.
  • Đà Nẵng: 7.7 triệu
  • Phú Yên: 6.8 triệu
  • Quy Nhơn: 7 triệu
  • Thái Lan: 7.5 triệu
  • Mã Lai: 10.5 triệu
  • Campuchia: 8 triệu

Đó là những thành phố có đồ ăn ngon hơn, dịch vụ rẻ hơn, chi phí thấp hơn, và cảnh đẹp phong phú hơn. Trong mắt du khách, du lịch Phú Quốc chỉ là một sản phẩm và họ có quá nhiều lựa chọn khác.

Với những khách sạn 5 sao và resort cao cấp ở mức giá 2 triệu đồng/đêm, thì ngay từ đầu, du lịch Phú Quốc chỉ nhắm vào khách hàng cao cấp. Để tận hưởng các bãi tắm thì bạn phải ở các khu đang khai thác.

Nhưng vấn đề là thu nhập bình quân của người Việt Nam trong năm 2024 chỉ là 10 triệu đồng/tháng. So với các chỗ khác, Phú Quốc trở thành lựa chọn xa xỉ.

Đó không phải là lỗi của người Phú Quốc, mà là kết quả của tư duy du lịch Trạng Quỳnh.

Tư duy du lịch Trạng Quỳnh

Đó là cách làm du lịch chụp giật và không có tầm nhìn xa. Các nhà phát triển như chỉ muốn tận dụng mọi cơ hội để lấy lợi nhuận trong ngắn hạn và mặc kệ hậu quả trong tương lai.

Bạn không cần phải là chuyên gia kinh tế để thấy vấn đề. Báo chí cũng đã đề cập nhiều lần. Sau đây là vài tiêu đề của các tờ báo lớn.

  1. “Phải mạnh tay để cứu rừng và biển Phú Quốc” – Báo Tuổi Trẻ.
  2. “Hơn 5.200 m2 đất rừng quốc gia ở Phú Quốc bị tàn phá” – VTV
  3. “Giải cứu du lịch Phú Quốc: Lời xin lỗi là cần thiết” – VOV
  4. “Phú Quốc nên nhìn lại mình để cứu du lịch” – Báo Phụ Nữ

Tàn phá thiên nhiên để xây những công trình giả tạo, chưa bao giờ là cách để phát triển du lịch bền vững. Thay vì cố sao chép nơi nào đó, Phú Quốc cần là Phú Quốc

Phú Quốc cần là Phú Quốc

Những thứ làm nên thương hiệu Phú Quốc là rừng nguyên sinh trong lành, biển trong xanh, cát trắng mịn, và hoàng hôn trên bãi Trường, điều mà các địa phương khác như Sài Gòn không có.

Người ta đến Phú Quốc vì mệt mỏi với bê tông hóa và muốn hòa mình vào thiên nhiên. Nhưng khi đến với đây, người ta lại gặp thêm một khu du lịch bê tông hóa.

Tại sao du khách châu Âu phải đi đến một thành phố Châu Âu giả tạo? Tại sao một người Sài Gòn lại phải ngắm một Sài Gòn trên đảo?

Du lịch là phải có xây dựng và vốn đầu tư để tạo công ăn việc làm. Nhưng việc xây dựng cần có sự hài hòa với thiên nhiên và gìn giữ được thế mạnh tự nhiên của địa phương.

Phú Quốc ế khi cố bắt chước nơi khác. Nếu có kế hoạch giải cứu, thì có lẽ là giải cứu hòn đảo này khỏi những thứ đang lấy đi sức hút tự nhiên. Hãy để Phú Quốc là Phú Quốc.

Nguyễn Trọng Nhân, 03.6.2024