Ga Đà Lạt tăng giá vé, tận thu và tầm nhìn

Ga Đà Lạt sẽ tăng giá vé, từ 5,000đ lên 50,000đ mỗi người. Nếu không có gì thay đổi, điều này sẽ bắt đầu từ ngày 1 tháng 10. Ngay khi đề xuất được công bố, không ít đọc giả đã vô cùng sốc.

Là một người yêu cảnh đẹp và thích khám phá Việt Nam, mình vô cùng đau lòng. Thật đáng tiếc, chúng ta không thiếu thiên nhiên, di sản, và lịch sử. Nhưng không hiểu tại sao, du lịch nước nhà vẫn chưa được phát triển đúng với tiềm năng.

Du lịch Việt Nam từ lâu bị chê là tận thu, chặt chém, và đắt đỏ. Điều này khiến nhiều du khách nội địa quay lưng với du lịch trong nước. Thay vào đó, họ chọn đi sang những Thái, Đài Loan, hay Mã Lai.

Tuy đã được nhắc đến nhiều lần, nhưng chưa được giải quyết. Trong clip lần này, hãy cùng mình bình luận và chia sẻ.

Đây là vấn đề mang tên “Thu phí và tầm nhìn.”

Ga Đà Lạt tăng giá vé

Ga Đà Lạt là một trong những công trình tiêu biểu ở Đà Lạt và cả Đông Dương. Không những vậy, nó được coi là một di sản thời Pháp.

Được xây vào năm 1932, hoàn thành vào năm 1938, nó đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Đà Lạt với các thành phố lớn khác ở Đông Dương bằng đường sắt. Khi còn hoạt động, du khách có thể bắt tuyến Tháp Chàm-Đà Lạt.

Bây giờ, ga Đà Lạt chỉ là một điểm tham quan du lịch.

  • Trong năm 2023, hơn 6 triệu du khách đã đến Đà Lạt.
  • Ước tính, tầm 500,000 du khách đã ghé ga Đà Lạt. Nghĩa là 8 đến 10% du khách đến Đà Lạt sẽ tham quan nhà ga cũ. Họ đến để chụp ảnh, coi lại di sản. Sau đó đi chuyến ga Đà Lạt – Trại Mát.

Mình cũng đã đến đây vài lần.  Ấn tượng của mình là nó có thể được khai thác tốt hơn. Bây giờ khi vào, bạn chỉ có thể mua nước, chụp ảnh, và đi tuyến cố định. Rất là đáng tiếc vì không còn được đi tuyến Đà Lạt-Tháp Chàm nữa.

Quyết định tăng giá vé vào cổng là một điều gây bất ngờ. Từ 5,000đ lên 50,000đ là khoản tăng gấp 10 lần. Số tiền không nhiều, bất cứ ai cũng có thể trả. Khi bạn đã tốn vài triệu để lên Đà Lạt rồi, thì 50,000đ là số tiền không quá lớn.

Tại sao phải tăng giá vé?

Chúng ta nên công bằng và nhìn nhận đa chiều. Tại sao phải tăng giá vé? Có rất nhiều lý do chính đáng.

  • Ga Đà Lạt là một công trình cổ và đang xuống cấp trầm trọng. Giá vé tăng doanh thu sẽ tăng. Số Tiền sẽ được dùng để sửa chữa và nâng cấp dịch vụ.
  • Giá vé cao sẽ hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp, và nâng vị thế sản phẩm.

Phản ứng của du khách

Nhưng cảm giác chung của đa số du khách là sự khó chịu. Họ cảm thấy mình đang bị tận thu. Sau đây là phản ứng của một số độc giả:

  • Đến Đà Lạt vài lần nhưng trải nghiệm vẫn tệ. Cách làm du lịch không khác nhiều so với vài chục năm trước. Đa số vẫn chặt chém, chèo kéo khách. So với Đà Nẵng, cách bảo vệ khách du lịch còn kém. Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi quá nhiều. Nhưng nếu không gìn giữ, sẽ kg còn là điểm đến hấp dẫn nữa.
  • Đà Lạt chặt chém hơn cả Hà Nội. Đi vào mấy chỗ như Langbiang, vé đắt rồi lại phải thuê xe dịch vụ lên đỉnh. Lên chả có cái gì. Nói chung mấy chỗ điểm đến nổi tiếng của Đà Lạt giờ quá chán lại còn đắt. Tự mình giết mình thôi
  • Riết rồi cái gì cũng thu tiền. Vô đây người ta chủ yếu chụp vài tấm hình, chứ có gì đâu mà thu dữ vậy? Tiền vé đi xe lửa tham quan là riêng rồi . Vé vào cổng thì phải nới hơn chứ? Đâu phải khu du lịch quy mô lớn đâu mà thu cao?
  • Tôi rất hối hận khi bỏ tiền mua vé tàu đến Trại mát. Không xứng đáng với số tiền bỏ ra. Ngay cả nhân viên bán hàng và giữ xe cũng nói giá vé quá mắc.
  • Hoàn toàn không đáng để bỏ 50k chỉ để vào cổng ga. Chúng tôi đã đi thử tuyến Đà Lạt – Trại Mát. Những tưởng chuyến tàu sẽ có điều gì đó cho khách nhìn ngắm. Nhưng khi đến ga Trại Mát, không có bất kì quang cảnh nào. Ga không được sửa chữa, không sạch sẽ, mùi hôi hám. Thời gian dừng tại ga cũng không đủ để khách di chuyển tham quan xung quanh. Không có bất kì chỉ dẫn gì cho khách du lịch. Giá vé tàu cho chặng Đà Lạt đi Trại Mát khá cao, mặc dù đã được giảm giá. Chúng tôi phải chi trả 74k/lượt, khứ hồi là 148k, chỉ để đi và quay lại nhà ga. Đà Lạt cần điều chỉnh giá để khách du lịch có ý định quay lại.
  • Muốn coi 2 đầu máy cổ nhất thế giới thì qua Thụy Sỹ mà coi. Đà Lạt đã bán nó cho Thụy Sỹ rồi.

Còn rất nhiều bình luận khác với lời lẽ chế nhạo nặng nề hơn. Xét tổng quát, phản ứng của đa số người là không hề hài lòng. Họ không hiểu vì sao giá vé lại cao đến vậy. Trên hết, du khách không cảm thấy xứng đáng với số tiền.

Tác động của tăng giá vé

Đây là lúc gây tranh cãi. Tác động của việc tăng giá vé là gì? Có lẽ, chúng ta không cần một nghiên cứu nào cũng biết. Là khi bạn tăng giá một cái gì đó, số lượng người mua sẽ giảm. Đây là kinh tế học cơ bản.

Trong năm 2023, ước tính là 500,000 người đã đến Ga Đà Lạt khi giá vé là 5,000đ. Sắp tới, khi giá vé tăng lên 50,000đ, thì bao nhiêu người sẽ tới? Có vài tình huống.

  • Số du khách vẫn vậy. Tầm 10% du khách đến Đà Lạt sẽ đến ga Đà Lạt. Một phần vì muốn tham quan, vì đã lỡ đến đây rồi thì phải tận dụng cơ hội. Tác động sẽ không quá nhiều.
  • Số du khách sẽ giảm ít. Khi bạn tăng giá gấp 10 lần, người ta sẽ đi nơi khác. Có thể, nếu là khách đoàn thì ga Đà Lạt sẽ nằm trong gói tour. Nhưng với khách cá nhân và độc lập, họ sẽ cảm thấy khó chịu.
  • Còn không, đây là tình huống tồi tệ nhất. Số du khách sẽ giảm mạnh. Bao nhiêu? Giảm 20%, 50%? Cái đó thì không ai biết.
  • Nhưng chúng ta có thể nhìn rộng hơn. Xét về tác hại tàng hình, đó là số du khách sẽ không tăng như mong đợi. Ví dụ, với cảnh đẹp và tiềm năng sẵn có, Đà Lạt có thể đón 10 triệu du khách và ga Đà Lạt có thể đón 1 triệu du khách. Nhưng vì giá vé quá cao, số lượng du khách không thể nào đạt đến mức đó. Đó là doanh thu tiềm năng.

Lần trước mình đến Đà Lạt, dù rất muốn đi hết các địa điểm nhưng cũng không thể. Một trong những lý do là chỗ nào cũng thu phí, và nó không hề thấp. Đây là vài ví dụ.

  • Thung lũng tình yêu: 250k/người.
  • Đồi mộng mơ: 50k/người.
  • Dinh Bảo Đại: 90k/người.

Đó là chưa tính tiền gửi xe và ăn uống. Khi các khoản tiền nhỏ lẻ cộng lại thì sẽ thành khoản chi phí lớn. Ước tính, nếu bạn muốn đi hết các địa điểm tham quan ở Đà Lạt, tổng chi phí sẽ không dưới 1 triệu đồng/người. Đà Lạt đẹp và mát, nhưng không hề rẻ nhưng nhiều người nghĩ. Nếu muốn có trải nghiệm tốt, bạn cần không ít tiền.

Nói công bằng, đây không phải là lỗi của người Đà Lạt. Người Đà Lạt siêu dễ thương và mến khách. Sẽ là sai lầm nếu chúng ta bực bội với nạn tận thu rồi đổ lỗi lên người Đà Lạt.

Nhưng, cũng chính vì điều này, thương hiệu Đà Lạt đã gánh chịu không ít tai tiếng. Đừng hiểu sai ý mình, Đà Lạt vẫn là một địa điểm du lịch hàng đầu ở Việt Nam. Có thể nói là đứng đầu. Rất hiếm nơi nào sở hữu nét đẹp thiên nhiên của rừng thông, khí hậu mát, kiến trúc Pháp, và những tác phẩm để đời.

Khi nhắc đến Đà Lạt, mình nghĩ đến nhà thơ Hàn Mặc Tử, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, và Lam Phương. Những bài hát như “Thành phố buồn” hay “Bài thánh ca đó” vẫn còn được hát lại.

Nhưng, một lần nữa, việc tăng phí gấp 10 lần sẽ ít nhiều làm du khách có cảm giác khó chịu. Kết quả là họ đánh đồng nạn tận thu với cả Đà Lạt, trong khi hai cái không liên quan gì.

Thu phí và tầm nhìn

Chúng ta thảo luận, không phải để chê bai, mà để tìm tiếng nói chung. Việc thu phí vé vào cổng là vấn đề “Thu phí và tầm nhìn.” Trong một bài trên báo VNExpress, một doanh nhân tên Lương Hoài Nam đã có ý kiến như sau, trong bài mang tên “Visa và tầm nhìn.”

Chuyện là vì vài lý do, chúng ta thu phí visa khi du khách muốn đến Việt Nam du lịch. Số tiền dao động từ 18 đô đến 52 đô. Nó không lớn, nhưng không nhỏ. Trong khi nhiều nước đã miễn phí visa để thu hút du khách.

Ông Lương Hoài Nam chia sẻ góc nhìn như sau.

“Lo mất 11 triệu USD thu phí visa một năm là rất thiển cận. Chúng tôi tính rằng nếu Việt Nam bỏ cấp visa với một số nước như Thái Lan, Singapore đã làm, chỉ với lượng khách tăng 160.000 người mỗi năm thôi thì đã giúp Việt Nam tăng thu khoảng 200 triệu USD mỗi năm.”

Cái tư duy ở đây là, việc thu phí visa đã giúp Việt Nam thu 11 triệu đô. Nhưng nếu bỏ phí visa, sẽ có nhiều du khách đến chơi hơn, và chúng ta sẽ kiếm gấp ngàn lần khoản tiền lẻ đó.

Vậy suy nghĩ này liên quan gì đến việc ga Đà Lạt tăng phí? Chúng ta có thể làm bài toán nhỏ.

  • Hiện tại, với 500k lượt khách, nhân cho 5,000đ là 2.5 tỷ đồng.
  • Nếu tăng lên 50,000đ, cũng với 500k lượt khách, doanh thu sẽ là 25 tỷ đồng.
  • Nhưng nếu không thu phí hoặc giảm xuống 1k, tuy Ga Đà Lạt không thu trực tiếp được đồng nào, nhưng sẽ thu gián tiếp. Đó là bán hàng ở quầy lưu niệm, dịch vụ chụp ảnh, kinh doanh quán cà phê, và nâng vị thế tuyến Trại Mát. Kết quả là Đà Lạt sẽ có nhiều du khách đến chơi hơn. Doanh thu sẽ tăng gấp chục lần. Bỏ một nhưng được mười.

Từ góc nhìn marketing, đây là cái phễu. Mục đích của bạn là lôi kéo càng nhiều du khách đến càng tốt. Lúc đó muốn khai thác gì cũng dễ hơn. Còn khi bạn tạo rào cản về phí, số lượng khách hàng sẽ tự nhiên giảm lại.

Chúng ta có thể nhìn sang Singapore để học hỏi. Singapore miễn phí visa cho tất cả, trừ một số nước như Bắc Hàn, Nga, hay Ukraine. Bạn có thể đến Singapore hoặc quá cảnh nửa ngày.

Tuy chỉ là quốc đảo với diện tích nhỏ hơn Sài Gòn, nhưng trong năm 2023, Singapore đã thu hút hơn 13 triệu lượt du khách. Họ không chỉ đến, mà còn mua sắm và ăn uống. Kết quả là họ thu 27 tỷ đô chỉ từ du khách.

Công thức đơn giản. Mở cửa để du khách vào. Du khách cảm thấy thoải mái, họ chi tiền, và Singapore hưởng lợi.

Giả sử, nếu Singapore thu phí thì sẽ có được khoản thu trước mặt, nhưng nó chỉ là tiền lẻ. Cho thấy họ quá biết cách phục vụ và có tầm nhìn dài hạn.

Suy ngẫm về tận thu

Nói vậy không phải là tâng bốc Singapore rồi chê bai ai hết. Nhưng chúng ta phải thừa nhận một điều, tận thu chưa bao giờ là cách tốt. Trong dài hạn, nó không hề tăng doanh thu, mà còn làm giảm hình ảnh thương hiệu.

Ga Đà Lạt tuy rất đẹp, nhưng còn nhiều ga khác đẹp hơn. Họ lại không hề thu phí chút nào. Như ga Central ở Sydney, ga Grand Central ở New York, hay ga Paris. So sánh vậy thì hơi khập khiễng, vì bản chất mỗi nơi khác nhau, nhưng sẽ việc thu phí sẽ không giúp ích ga Đà Lạt chút nào trong dài hạn.

Mình là một người yêu Đà Lạt. Nếu không, mình đã mặc kệ, không quan tâm, và không để ý đến. Mình sẽ quay lại. Nhưng, khi nhắc đến việc tăng giá vé, chúng ta phải suy ngẫm. Đây là bài học về tư duy và tầm nhìn.

Mong mọi người đừng vì điều này mà có ác cảm với Đà Lạt. Cảm ơn rất nhiều. Từ một người yêu Đà Lạt.

Nguyễn Trọng Nhân, 26.9.2024