Decao, Lâm Minh, và sự im lặng tai hại

Mình không phải là người nhiều chuyện. Nhưng chuyện đã xảy ra rồi, nên xin tóm tắt.

  1. Có 3 nhân vật chính: anh Decao, mẹ của anh Decao, và chị Lâm Minh.
  2. Decao là một người mẫu và Lâm Minh cũng vậy. Cả hai đã có một đứa con nhưng chưa kết hôn.
  3. Trong một buổi ăn, vì lý do nào đó, mẹ của Decao đã “tương tác” Lâm Minh. Vì tức giận nên Lâm Minh “tương tác” lại.
  4. Sau đó, Lâm Minh lên Facebook livestream kể về chuyện “tương tác” đã xảy ra.
  5. Rồi một ngày sau, Decao viết bài giải thích nguyên nhân của việc “tương tác.”

Mình không nói quá nhiều về đời sống riêng tư, vì chỉ người trong cuộc mới có đầy đủ thông tin. Ở đây, mình xin nhìn từ góc độ của người phân tích kinh tế xã hội. Nó có liên quan đến tài chính cá nhân và cơ chế pháp luật, nhưng sẽ nói sau.

Hãy cùng mình suy luận.

Q. Vụ Decao và Lâm Minh là gì mà lại được quan tâm?

A. Nói ngắn gọn, nó là ví dụ của bạo lực gia đình. Decao hay người nhà của Decao đã “tương tác” Lâm Minh. Nhìn rộng hơn, nó cho thấy luật pháp còn lỏng lẻo nên người nữ ít được bảo vệ.

Q. Tại sao công chúng lại quan tâm đến vụ Decao và Lâm Minh?

A. Vì họ là người nổi tiếng nên được để ý đến. Decao, có thể được gọi là một người mẫu nổi tiếng. Instagram của anh ấy có hơn 880,000 người theo dõi. Những chuyện như bạo lực gia đình không phải là hiếm, chỉ là nó ít được quan tâm đến. Nhưng khi nó xảy ra với người nổi tiếng, mức độ lan truyền sẽ mạnh hơn.

Q. Bạo lực gia đình là gì?

A. Đó là những hành vi của các thành viên trong gia đình cố ý gây tổn hại cho thành viên khác. Thông thường, người nữ là nạn nhân và người nam là thủ phạm. Trong trường hợp này thì thủ phạm được cho là gia đình Decao và nạn nhân là Lâm Minh.

Theo lời kể, khi gia đình đang ăn tối thì xảy ra xung đột. Không biết diễn biến như thế nào nhưng sau đó Lâm Minh đã bị tương tác. Sau đó, cô ấy lên mạng xã hội livestream như để kể chuyện và cầu cứu cộng đồng mạng.

Q. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc là gì?

A. Theo lời và thông tin công khai. Các lý do bao gồm: tuy có con nhưng Decao không cưới Lâm Minh, bố của Decao không muốn con sống với mẹ, mẹ của Decao “tương tác” Lâm Minh, và tính gia trưởng của Decao.

Dù lý do là gì đi nữa thì nó thuộc sự riêng tư cá nhân. Theo cộng đồng mạng, đây không phải là lần đầu. Nó đã xảy ra một thời gian.

Q. Có thống kê nào miêu tả bạo lực gia đình ở Việt Nam không?

A. Tuy không có thống kê nào đủ lớn, nhưng sau đây là các thông tin từ báo chí:

  • “Cứ 3 người phụ nữ thì có 1 người bị chồng bạo hành.”
  • “90% phụ nữ bị chồng bạo hành không tìm sự giúp đỡ.”

Đó là thống kê của Bộ Lao Động và Bộ Công An năm 2019. Hiện tại, kết quả có lẽ cũng không quá khác. Bạn cũng không cần thống kê vì ai trong chúng ta cũng biết ít nhất một vụ việc tương tự.

Q. Nếu Lâm Minh là nạn nhân của bạo lực gia đình như lời kể, thì tại sao cô ấy không báo cơ quan chức năng để được bảo vệ?

A. Tuy chưa có ai hỏi cô ấy câu đó, nhưng nếu phải suy đoán thì có lẽ là văn hóa ở Việt Nam, người ta coi đó là chuyện riêng trong gia đình chứ không phải việc chung. Người ta ngại nói ra vì nghĩ rằng người khác sẽ không quan tâm. Nếu có quan tâm thì cũng không giải quyết được gì. Cho nên, đa số chọn im lặng hoặc tự giải quyết bằng cách ra đi hoặc ly hôn. Nhìn rộng hơn, lý do chính có lẽ là sự thiếu vắng của niềm tin.

Q. Việt Nam có luật chống bạo lực gia đình không?

A. Có. Ví dụ tiêu biểu là “Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.” Nhưng như nói trên, vì nhiều lý do nên 90% nạn nhân không cầu cứu cơ quan chức năng hay hiệp hội phụ nữ để được bảo vệ.

Q. Ở các nước phát triển khác như Mỹ, Châu Âu, và Úc có bạo lực gia đình không?

A. Đây là vấn nạn chung và ở đâu cũng có. Nhưng ở những nước phát triển, các nạn nên sẽ chủ động liên hệ cơ quan chức năng để được bảo vệ. Sau đây là vài con số thú vị.

  • Ở Úc, chỉ riêng trong năm 2022, có hơn 33,410 vụ bạo lực gia đình được báo cáo.
  • Ở Mỹ, ước tính là 10 triệu người đã bị tác động bởi bạo lực gia đình.
  • Ở Anh trong năm 2023, đã có 1,453,867 vụ bạo lực gia đình được báo cáo.

Nói vậy không có nghĩa là những nước đó bạo lực hơn. Chỉ là nạn nhân chủ động báo cáo hơn. Lý do là họ có niềm tin nên sẽ không ngần ngại.

Q. Phụ nữ ở các nước phát triển được bảo vệ thế nào?

A. Có rất nhiều nên không thể kể hết được mà chỉ có thể nói chung chung.

  • Nếu bị hành hung hay sàm sỡ, họ có thể gọi số khẩn cấp như 911 để cầu cứu.
  • Nếu cần được tư vấn, luôn có đường dây nóng để gọi. Nhiều địa phương có trung tâm phụ nữ chuyên chăm sóc. Ngoài ra, cơ quan an sinh xã hội luôn khuyến khích nạn nhân báo cáo.
  • Nếu thiếu tiền hay nơi ở, nạn nhân có thể nhận trợ cấp. Đời sống sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
  • Nếu làm mẹ đơn thân, người mẹ có thể được nhận trợ cấp nuôi con.
  • Nếu ly hôn, người chồng sẽ bị ép để trả tiền nuôi con đến tuổi trưởng thành. Số tiền sẽ được trừ tự động khi nhận lương và rất khó thoát.

Cho nên người chồng ít dám bạo hành vì phải trả giá đắt. Cảnh sát cũng không bỏ qua những vụ như vậy. Người vợ vì được bảo vệ từ đầu đến cuối nên không im lặng mà sẽ giải quyết ngay lập tức.

Sau đây là vài ví dụ nổi tiếng:

  • Tom Cruise sau khi ly hôn, phải trả Katie Holmes tầm $400,000 tiền nuôi con mỗi năm.
  • Brad Pitt sau khi ly hôn, phải trả Angelina Jolie tầm $1.3 triệu tiền nuôi con mỗi năm.

Chưa hết. Nếu người chồng trốn tránh trách nhiệm, khả năng cao là sẽ bị cộng đồng tẩy chay. Các hội phụ nữ cũng sẽ không để yên.

Q. Giả sử, nếu cặp đôi Decao và Lâm Minh ở một nước phát triển thì sao?

A. Nếu Lâm Minh là nạn nhân của bạo lực gia đình, thay vì livestream, cô ấy sẽ làm như sau:

  1. Trước tiên, tự giải quyết. Vì đôi lúc, con người mất kiểm soát chứ không cố tình.
  2. Nếu bạo hành tiếp tục xảy ra, gọi số khẩn cấp 911 hay tương tự. Kể tình huống và cầu cứu. Cảnh sát sẽ đến ngay lập tức. Sau khi điều tra và đúng với lời kể, anh chồng sẽ bị phạt.
  3. Chia tay hay ly hôn anh chồng bạo hành đó. Trong khi ổn định lại cuộc sống, cô ấy nhận tiền trợ cấp. Anh chồng sẽ trả tiền nuôi con.
  4. Kể cả không có đám cưới hay đăng ký kết hôn, cô ấy vẫn an tâm nhận tiền trợ cấp.
  5. Nếu là một người có tư duy nữ quyền, cô ấy sẽ làm clip kể lại câu chuyện và khuyến khích các nạn nhân khác lên tiếng.

Tuy đó là giả định, nhưng nếu cô ấy sống ở Mỹ hay Châu Âu, thì sẽ làm như trên. Không có lý do gì để im lặng.

Q. Vậy Lâm Minh livestream để làm gì?

A. Như nói trên, cô ấy cần sự giúp đỡ từ cộng đồng. Không phải về mặt tiền bạc, mà từ áp lực công chúng. Có thể cô ấy suy nghĩ xa, là muốn Decao trả tiền nuôi con. Rộng hơn, cô ấy muốn dùng sức ảnh hưởng của mình để khuyến khích những nạn nhân khác ngừng im lặng. Hoặc, cô ấu không biết phải làm gì ngoài việc livestream để tìm được sự đồng cảm. Dù gì đi nữa, chỉ cô ấy mới trả lời được.

Q. Chúng ta có thể làm gì?

A. Chúng ta có thể chia sẻ và bàn luận để tạo sức ép dư luận. Nếu không thì chuyện này sẽ tiếp tục và “Jack 5 củ” hay “Decao 5 củ” không chỉ là biệt danh hài hước nữa, mà sẽ trở nên phổ biến. Đó sẽ là một điều tai hại cho xã hội.

Kết luận: Nhờ cộng đồng lên tiếng, nên thiệt hại sẽ được giới hạn. Các anh chồng nào bạo hành sẽ phải trả giá và khắc phục hậu quả. Con người chỉ trở nên tử tế khi bị chế tài bằng vũ lực hoặc tài chính. Còn riêng mình, nhéo thôi ma mình còn chưa dám chứ đừng nói gì đến “tương tác.”

Mượn lời của Napoleon:

“Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”.

Nguyễn Trọng Nhân, 27.5.2024