Cường quốc thuốc lá, vấn nạn hút thuốc ở Việt Nam

Thời buổi lạm phát nên cái gì cũng đắt đỏ. Nhưng ít ra ở Việt Nam có hai thứ rất rẻ, rau muống và thuốc lá. Dựa theo trang Numbeo, giá một gói thuốc ở Úc tận $29, còn ở Việt Nam chỉ $1.30 hay 30,000đ.

Trong thực tế, có nhiều loại rẻ hơn, chỉ tầm 20,000đ. Nghĩa là chúng ta là nước có giá thuốc lá rẻ nhất thế giới, nếu không thì nằm trong top 3. Nếu không nói quá, chúng ta là cường quốc thuốc lá.

Vấn nạn thuốc lá ở Việt Nam

Hồi năm 2022 mình đi Nha Trang chơi. Thành phố biển này đẹp, nhưng không bằng Vũng Tàu của mình. Khi đang ở Hòn Tằm, mình ngồi trên ghế để nghỉ mệt. Trời lúc đó rất nóng, nhưng mát nhờ cây xanh và gió biển.

Rồi bỗng dưng mình ngửi thấy một mùi khó chịu. Nhìn sang bên phải mình hiểu vì sao. Kế bên mình là một chú đang hút thuốc.  Mặc dù xung quanh có nhiều chỗ trống, nhưng chú ấy lại chọn hút hay kế mình và gần không ít trẻ em.

Mình không hề nghĩ xấu về Nha Trang. Đây là vấn nạn chung. Mình không rõ từ bao giờ, thuốc lá lại trở nên phổ biến ở Việt Nam. Nhiều người lại coi đó là điều bình thường vì nó đã xảy ra từ nhỏ đến lớn. Nhưng nó thực sự là vấn nạn nghiêm trọng.

Đến mức nào? Hãy suy ngẫm về vài con số này.

  • Ước tính mỗi năm, có 15.3 triệu người Việt hút thuốc lá, tiêu thụ hơn 4 tỷ bao, và chi hơn 49,000 tỷ đồng cho việc này. Con số thực tế có thể cao hay thấp hơn vì có nhiều thứ không nằm trong thống kê.
  • Tỷ lệ hút thuốc lá của người trên 15 tuổi ở Việt Nam là 38% vào năm 2023. Đây chưa phải là mức cao nhất, mà là mức giảm, từ 47% vào năm 2010.
  • Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13 đến 17 là 8.1%, đến năm 2023.

Vào các quán cà phê, quán nhậu, hay đi bộ trên vỉa hè, bạn sẽ dễ dàng thấy cảnh hút thuốc. Nó trở nên bình thường như uống cà phê hay ăn cơm. Mặc dù nhiều lúc có trẻ em, nhiều người vẫn tự nhiên hút như không có gì.

Nói công bằng, Việt Nam không phải là nước duy nhất hút thuốc lá.

  • Đứng đầu là Nauru với 48% người trưởng thành hút thuốc. Nhưng so sánh vậy không công bằng vì họ là hòn đảo nhỏ chỉ với 13,000 dân.
  • Đứng thứ hai là Myanmar với 44%.
  • Đứng thứ tám là Indonesia với 38%.

Các nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới đều có chung một điểm, đó là kém phát triển. Khi con người chưa có nhận thức cao về sức khỏe và y tế, họ không nghĩ đến tác hại của thuốc lá.

Nguyên nhân dẫn đến nghiện thuốc lá

Điều này làm mình khó hiểu. Tại sao Việt Nam lại có tỷ lệ hút thuốc lá cao? Tuy không phải là cao nhất, nhưng đủ nhiều để Bộ Y Tế quan ngại.

Xét toàn diện, ở đâu cũng có người hút thuốc lá. Ngay cả những nước phát triển như Mỹ. Chúng ta không thể cấm nó, mà chỉ có thế giới hạn, và cải thiện ý thức. Nhưng riêng ở Việt Nam, lý do có thể là như sau: văn hóa, giá cả, và quản lý.

Thuốc lá trong văn hóa

Trước tiên, bắt đầu với văn hóa. Đây là một trong những bài thơ “Ngập Ngừng” của Hồ Dzếnh.

“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé.

Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân

Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần.

Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?”

Thuốc lá từ lâu đã xuất hiện trong các tác phẩm âm nhạc và văn học. Nổi tiếng nhất có lẽ là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tay trái cầm điếu thuốc. Dần dần, công chúng trở nên quen thuộc với hình ảnh đó. Không ít người sẽ nghĩ rằng, nhờ hút thuốc nên ông ấy mới có thể sáng tác ra nhiều bản tình ca tiêu biểu.

Có nhiều lý do giải thích vì sao. Thuốc lá có chất gây nghiện. Khi con người cô đơn và tâm trạng u sầu, thuốc lá là cách giúp họ giải thoát khỏi thực trạng, chứ không phải vì nó có lợi ích gì.

Còn trong phim ảnh, cảnh hút thuốc lá được coi là cách để miêu tả tâm trạng của nhân vật. Khi điếu thuốc nằm trong bàn tay của một chàng trai, nó cho thấy anh ấy đang buồn rầu. Khi có cảnh một người đàn ông vứt tàn thuốc trên vỉa hè rồi giẫm lên, nó cho thấy ông ấy có nam tính.

Thuốc lá tồn tại trong văn hóa vì từ lâu, nó là một phần của cuộc sống hằng ngày. Nhưng suy nghĩ vậy thì không thuyết phục chút nào vì nó dựa vào cảm tính.

Giá thuốc lá ở Việt Nam và thế giới

Nhìn từ khía cạnh kinh tế, giá thuốc lá giải thích cụ thể hơn. Giá thuốc là càng cao, con người hút càng ít. Còn khi giá thuốc lá càng rẻ, con người hút càng nhiều. Giống như bất cứ hàng hóa nào.

Đây là giá của gói thuốc lá trên thế giới:

  • Đắt nhất là Úc với giá $29
  • New Zealand: $23.
  • Anh Quốc: $17
  • Pháp: $12
  • Mỹ: $10
  • Nhật: $3
  • Việt Nam: $1.30
  • Rẻ nhất là Nigeria với giá $1.20

Vậy còn mức tiêu thụ thì sao?

  • Úc: 11.8% của người trên 15 tuổi hút thuốc.
  • New Zealand: 6,8%
  • Anh Quốc: 11.9%
  • Mỹ: 11.5%
  • Việt Nam: 22%

Đúng là có nhiều yếu tố khác, như văn hóa, thói quen, nhưng không thể chối cãi rằng giá cả có tác động nhất định. Khi giá cả của một sản phẩm nào đó càng rẻ, con người sẽ mua càng nhiều. Với thuốc lá cũng không khác, giá thuốc lá càng rẻ, người ta hút càng nhiều.

Thuế thuốc lá ở Việt Nam so với thế giới

Nắm bắt được nguyên lý đó, các nước phát triển luôn đánh thuế cao những sản phẩm gây hại. Một phần để con người mất động cơ tiêu thụ, vì khi đánh vào túi tiền, họ sẽ bị tác động trực tiếp.

Đây là vài con số về thuế thuốc lá để suy ngẫm.

  • Nước áp thuế thuốc lá cao nhất là Bosnia, chiếm 86% giá bán lẻ.
  • Ở Úc, nơi có giá bán thuốc lá cao nhất thế giới, thuế chiếm 65% giá bán lẻ. Nghĩa là một gói thuốc có giá $29, $19 trong đó là thuế.
  • Còn ở Việt Nam, thuế thuốc giá chiếm 38% giá bán lẻ, nằm trong top 15 nước có mức thấp nhất.
  • Trong khi đó, mức thuế thuốc lá trung bình trên toàn cầu là 62% và mức khuyến nghị của WHO là 75%.

Dựa theo hành vi tiêu thụ bình thường, người Việt hút thuốc lá nhiều vì giá rẻ và mức thuế vẫn còn quá thấp.

Nghịch lý giá sữa và thuốc lá

Điều này khiến mình không hiểu về nghịch lý sau đây. Trong khi chúng ta có giá thuốc lá rẻ, thì giá sữa lại rất cao.

  • Ở Úc, nơi có giá thuốc lá cao nhất, giá 1 lít sữa chỉ tầm $1.
  • Còn ở Việt Nam, giá bán lẻ cho 1 lít sữa là 35,000đ hoặc $1.45.
  • Còn nếu xét về sức mua, 1 giờ làm việc ở Úc có thể mua được 25 lít sữa. Còn 1 giờ làm việc ở Việt Nam chỉ mua được 1 lít.

Nghịch lý ở đây là: thứ độc hại thì rẻ, còn thứ bổ dưỡng thì lại đắt. Nhưng đừng quá lo, các cơ quan chức năng đang xem xét để tăng thuế lên thuốc lá và kêu gọi đầu tư để có thêm cạnh tranh ở thị trường sữa.

Quản lý hút thuốc

Ngoài văn hóa và giá cả, cách quản lý cũng tác động không ít. Ở những nước phát triển, bạn không thể tự nhiên hút thuốc ở nơi công cộng vì luôn có biển cấm, nhất là ở công viên, thư viện, trung tâm thương mại, và quán ăn. Bạn chỉ được hút ở nơi cho phép hoặc nơi không cấm.

Đây là mức phạt ở một số nước, áp dụng cho cá nhân và doanh nghiệp:

  • Úc: $300 đến $2,200.
  • Anh Quốc: £200 đến £2,500.
  • Singapore: $200 đến $1,000.
  • Mỹ: $100 đến $1,000.

Còn ở Việt Nam, mức phạt là từ 200,000đ đến 500,000đ. Nhưng trong thực tế, bạn sẽ thấy nhiều người hút thuốc nơi công cộng, từ ngoài đường đến trong quán. Đây là ý thức cộng đồng, bạn không cần phải bị xử phạt để không hút thuốc. Đó là cách để bảo vệ sức khỏe của bạn và cho gia đình.

Thêm nữa, cách mua thuốc lá cũng quá dễ. Việc trẻ em mua thuốc lá giùm người lớn là điều bình thường và chủ tiệm không thấy vấn đề gì. Chính vì sự lỏng lẻo đó nên tạo ra môi trường để thuốc lá phát triển.

Tác hại của thuốc lá

Thuốc lá không có gì tốt, điều này quá rõ. Ngoài ra, nó còn dẫn đến tác hại như sau.

  • Thiệt hại kinh tế lên đến 108,000 tỷ đồng, tương đương với 1.114% GDP trong năm 2022. Tổn thất đó đến từ giảm năng suất lao động và sức khỏe.
  • Mỗi năm ở Việt Nam, có hơn 100,000 người tử vong vì thuốc lá. Đó là sự tổn thất không cần có. Trong số đó, 18,800 là các ca do hít khói thuốc lá. Nghĩa là khi hút, bạn không chỉ gây hại đến bản thân mà còn đến người khác.

Còn những thứ khác như gây ung thư, bệnh tim mạch và hôi miệng, nhưng có lẽ chúng ta không cần nói thêm.

Đừng thành cường quốc thuốc lá

Vấn nạn thuốc lá tưởng chừng như chỉ là lựa chọn cá nhân, nhưng xét tổng quát, nó là kết quả của sự quản lý và giá cả. Đây là bài học cơ bản của thương mại. Giá thuốc lá càng rẻ, con người càng hút. Đúng, ở đâu cũng có người hút, nhưng ít ra họ tìm cách hạn chế bằng cách đánh trực tiếp vào túi tiền của người hút.

Là nước có giá thuốc lá rẻ nhất không có gì để tự hào. Có lẽ sẽ có một ngày nào đó, số người lên án hút thuốc lá sẽ đủ nhiều để tạo áp lực cho người hút phải hạn chế hay từ bỏ. Nhưng đó là chuyện của sau này. Mình tin là nhà nước đang có kế hoạch để thực hiện. Còn ở cấp cá nhân, bạn có thể không hút và kêu người khác không hút. Nếu không, chúng ta sẽ trở thành cường quốc thuốc lá.

Nguyễn Trọng Nhân, 15.11.2024