Trong năm 2023, Việt Nam tiêu thụ 8.1 tỷ gói mì ăn liền. Tính bình quân, một người Việt Nam ăn 83 gói mì mỗi năm. Điều này có nghĩa là Việt Nam mới đạt một danh hiệu, cường quốc mì gói.
Chúng ta có nên vui hay tự hào khi đứng đầu thế giới về mảng này không?
Việc ăn mì gói là lựa chọn cá nhân. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, mì gói nói lên ít nhiều về lương bình quân, sức mua, lạm phát, và giá cả thực phẩm.
Có vài góc nhìn như sau:
- “Nước nghèo hay ăn mì gói vì nó rẻ.”
- “Nước giàu ít ăn vì sức mua của họ cao. Họ thà mua đồ ăn tươi.”
- “Ăn mì gói nhiều cho thấy thu nhập bình quân còn thấp.”
Mình xin giải thích, theo các phần như sau:
- Mức tiêu thụ mì gói, Việt Nam so với thế giới.
- Mì gói trong văn hóa và ẩm thực.
- Nhà sản xuất mì gói ở Việt Nam.
- Tác hại của mì gói.
- Tại sao nhiều người Việt ăn mì gói.
- Giá cả thực phẩm hiện nay.
- Có nên tự hào về mì gói?
Xin bắt đầu.
Mức tiêu thụ mì gói, Việt Nam so với thế giới
Việt Nam tiêu thụ 8.1 tỷ gói mì, bình quân mỗi người ăn 83 gói mỗi năm, hoặc mỗi tuần 1.5 gói. Tuy nghe không nhiều, nhưng bình quân là chia đều cho tổng dân số, bao gồm trẻ em và người giàu.
Nếu chỉ tính 66 triệu người đang trong độ tuổi lao động, bình quân mỗi người ăn 125 gói mì mỗi năm, hoặc 2.4 gói mỗi tuần. Bây giờ, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Đừng hiểu sai. Mì gói rất ngon, mình cũng ăn. Ở đây chỉ phân tích tại sao.
Để hình dung, chúng ta có thể so sánh với các nước khác. Dựa theo biểu đồ của Visual Capitalist, đây là tốp 10 nước về tiêu thụ mì gói. Lưu ý, số hơi khác một chút.
- Trung Quốc và Hồng Kông, 42 tỷ
- Indonesia, 14.5 tỷ
- Ấn Độ, 8.7 tỷ
- Việt Nam, 8.1 tỷ
- Nhật Bản, 5.8 tỷ
- Mỹ, 5.1 tỷ
- Philippines, 4.4 tỷ
- Hàn Quốc, 4.0 tỷ
- Thái Lan, 4.0 tỷ
- Nigeria, 3.0 tỷ
Về tổng số lượng, Việt Nam không phải là nước ăn nhiều mì gói nhất. Nhưng đây là vài điều chúng ta nên suy ngẫm.
- Nhật Bản có 125 triệu dân, nhưng chỉ ăn 5.8 tỷ gói.
- Mỹ có dân số 343 triệu, gấp 3 lần Việt Nam, nhưng chỉ ăn 5.1 tỷ gói.
Nghĩa là Việt Nam chúng ta tuy có dân số thấp hơn Nhật và Mỹ, nhưng lại ăn mì gói nhiều gấp đôi họ.
Mì gói trong văn hóa và ẩm thực
Mì gói trở nên phổ biến đến mức, gần như ai trong chúng ta cũng có tầm chục gói để sẵn ở nhà. Bước vào siêu thị, bạn sẽ thấy một dãy dành riêng cho mì gói.
Tại sao lại như vậy?
Từ góc độ văn hóa, đồ ăn có nước như phở và mì đã có chỗ đứng trong ẩm thực Đông Á. Riêng ở Việt Nam, nó trở thành món ăn không thể thiếu. Chúng ta ăn mì gói một cách vô giác mà ít khi nào nghĩ đến. Bạn cũng không tìm thấy một nghiên cứu nào nói về điều này, mà chỉ là quan sát cá nhân.
Vào những năm bao cấp, khi thực phẩm khan hiếm, mì gói là món ăn ước mơ của nhiều người. Vào thời đó, nếu bạn đi ăn mì gói, thì có nghĩa là bạn là gia đình có điều kiện. Hình ảnh gói mì Hai Con Tôm gắn liền với hàng triệu người trong thời kỳ khó khăn. Còn bây giờ, mì gói đã trở nên phong phú hơn phiên bản Miliket. Hiện tại, đứng đầu là Mì Hảo Hảo và phiên bản cao cấp là mì gói Hàn Quốc.
Chúng ta không chỉ đổ nước nóng vào tô mì gói, mà còn nấu và chế biến thêm. Như xào, hấp, hay ăn lẩu. Mì gói được dùng vì sự tiện lợi và giá cả phải chăng. Bạn không cần lo sợ về việc nó bị hư hay hết hạn. Vì được bán ở khắp nơi, nên bất cứ ai cũng có thể mua.
Nếu nhìn tích cực, chúng ta có thể nói rằng, người Việt ăn nhiều mì gói bởi vì nó là một phẩm của văn hóa và ẩm thực. Còn người Mỹ ăn mì gói ít vì họ ăn đồ ăn nhanh như McDonald’s và KFC.
Còn nếu nói tiêu cực, thì là người Mỹ có lương cao hơn nên có nhiều lựa chọn hơn. Họ không chọn ăn mì gói vì ẩm thực quá rẻ so với thu nhập. Thay vào đó, họ đồ ăn tươi hay đông lạnh. Phần lớn người dân Mỹ Âu biết rõ tác hại của mì gói nên họ hạn chế.
Nhà sản xuất mì gói ở Việt Nam
Thói quen ăn mì gói ở Việt Nam chưa bao giờ ngừng. Không những vậy, nó được thúc đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Đứng đầu là công ty Acecook. Có lẽ không cần giới thiệu nhiều vì chỉ cần bạn bước vào siêu thị là thấy logo của họ. Sau đây là vài điều thú vị.
- Trong năm 2023, Acecook đã hơn 3.3 tỷ gói mì ở Việt Nam, chiếm 40% thị phần.
- Nổi tiếng nhất là Hảo Hảo với hơn 30 tỷ gói đã được bán.
Hiện nay, đang có nhiều công ty đối thủ muốn giành thị phần. Như Masan với gói Omachi và hàng loạt mì gói nhập từ Hàn Quốc. Gần như không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy mì gói sẽ suy giảm, mà chỉ tăng ổn định theo năm tháng.
Tác hại của mì gói
Điều này sẽ khiến không ít người lo lắng. Tác hại của việc ăn quá nhiều mì gói là gì? Ở đây không có ý làm mọi người lo sợ hay chê bai mì gói. Nhưng sự thật khó chối cãi.
Lạm dụng mì gói sẽ dẫn đến:
- Gây béo phì
- Gia tăng quá trình lão hóa
- Gây sỏi thận
- Loãng xương
- Tăng nguy cơ ung thư
- Gây hại đến dạ dày
- Dễ nổi mụn
- Khó tiêu hóa hoặc khó đi vệ sinh.
Giờ mình hiểu vì sao người Mỹ hay Châu Âu hạn chế ăn mì gói, không phải vì họ không thể, mà vì họ có ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe hơn. Nói vậy không có nghĩa là mì gói xấu, chỉ là đừng quá lạm dụng. Nó không phải là thức ăn như cơm hay bánh mì, mà chỉ là lựa chọn tạm thời. Lâu lâu ăn thì được, còn nếu ăn mỗi ngày thì tiền viện phí sẽ gấp trăm lần gói mì 4,000đ bạn đã mua.
Tại sao nhiều người Việt ăn mì gói
Nhưng phải hỏi lại một lần nữa. Tại sao nhiều người Việt ăn mì gói?
Theo bộ Lao Động, lương bình quân ở Sài Gòn trong năm 2023 là 10.4 triệu đồng mỗi tháng. Còn nếu là một sinh viên từ tỉnh lẻ lên thành phố học, thu nhập sẽ thấp hơn. Tuy không có thống kê, nhưng các quán ăn trả sinh viên làm phục vụ tầm 25,000đ mỗi giờ làm việc. Nếu mỗi ngày làm 8 tiếng, 30 ngày mỗi tháng không ngừng nghỉ, thu nhập sẽ tầm 6 triệu.
Nói vậy không phải là để chê bai. Mỗi người sẽ có điều kiện sống khác nhau. Nhưng một trong những lý do khiến nhiều người chọn mì gói, là vì khi thu nhập chưa cao, nó là lựa chọn tốt nhất. Với mỗi gói mì tầm 5,000đ, thì đó là số tiền quá rẻ để no bụng. Nếu cho thêm chút thịt và rau, một phần ăn mì gói sẽ có giá 10,000đ, vẫn quá rẻ.
Đây là nhận xét của tổng giám đốc Acecook Việt Nam, ông Hiroki Kaneda:
“Do lạm phát, mì ăn liền trở thành một lựa chọn vừa túi tiền lại vừa đảm bảo được bữa ăn ngon miệng.”
Ý của ông ta là trong thời buổi kinh tế khó khăn, lương bình quân chưa cao, giá cả lại đắt đỏ, cho nên mì gói là món ăn phù hợp nhất. “Ngon, bổ, rẻ” là nguyên tắc để sinh tồn qua ngày.
Giá nhà đất ngày càng tăng đã ép nhiều người phải ở ghép trong căn phòng trọ. Các công nhân và bạn sinh viên tỉnh lẻ sẽ hiểu điều này.
Một căn phòng 20m2 đến 30m2 nhưng có đến 5 người ở. Hãy tưởng tượng, khi tất cả đều chen nhau nấu ăn thì sẽ ra sao? Để tiết kiệm thời gian, chi phí, và không gian, họ chọn nấu mì gói. Khỏi cần mở bếp lửa hay chế biến cầu kỳ. Với gói mì, bạn chỉ cần nấu nước nóng rồi chế vô tô. Để thêm rau, trứng, và thịt, thì sẽ có một phần ăn no bụng.
Đó không phải là nhận xét chủ quan, mà là lời kể của người bạn của mình.
Nhìn rộng hơn, chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng, giá cả ẩm thực ở Việt Nam quá đắt đỏ so với thu nhập. Như nói trên, với lương bình quân 10 triệu mỗi tháng, bạn có thể mua được gì?
Hãy đặt bản thân bạn vào vị trí của một sinh viên tỉnh lẻ hay công nhân xa quê. Lương bình quân 30,000đ/giờ. Bạn bước vào siêu thị, đây là giá cả thực phẩm. Lưu ý, mình lấy giá ở Bách Hóa Xanh làm thí dụ.
- Thịt bò: từ 239,000đ/ký.
- Thịt gà: từ 96,000đ đến 152,000đ/ký
- Thịt heo: 180,000đ/ký.
- Gạo: Rẻ nhất là túi 95,000đ/5 kg.
- Rau muống: 27,000đ/ký
- Tôm sú: 332,000đ/ký
- Cá điêu hồng: 82,000đ/ký
- Táo Gala mini: 75,000đ/ký.
Với lương của một giờ làm việc, bạn có thể mua vài cọng rau muống, chút xíu thịt theo, và một chút gạo. Bây giờ, bạn đã hiểu vì sao mì gói lên ngôi.
Tuy đã nói nhiều lần, nhưng cần phải nói lại. Việt Nam bây giờ không có rẻ nữa. Nếu bạn đã đi Đài Loan, Thái, hay Mã Lai, thì sẽ thấy nghịch lý này. Đó là giá cả thực phẩm và hàng hóa của họ ngang với Việt Nam. Nhưng thu nhập lại nhiều gấp vài đến chục lần.
Nhiều cô chú Việt Kiều và du học sinh khi quay trở về sau một thời gian sẽ vô cùng sốc. Một câu châm biếm phổ biến là “Việt Nam có giá cả của nước phát triển, nhưng có thu nhập của nước đang phát triển.”
Tuy không muốn so sánh, nhưng chúng ta nên so sánh. Ở Úc, Châu Âu, Thái, hay Mỹ, thực phẩm quá rẻ so với thu nhập.
Một công nhân bình thường có thể dùng một ngày lương để mua đồ ăn cả tuần cho gia đình. Với mức lương $20 một tiếng, những thứ giá cao ở Việt Nam trở thành hàng bình dân.
- Ly latte Starbucks, $5, một giờ làm việc mua được 4 ly.
- Con gà nướng ở Costco, $4.99, một giờ làm việc mua được 4 con.
Còn những thực phẩm như mì Ý, gạo, nước ngọt, hay thịt bò, thì quá rẻ. Cho nên không có lý do gì để ăn mì gói trong khi có quá nhiều lựa chọn tốt hơn.
Kết luận
Đây không phải là chê bai. Mỗi nước có ẩm thực khác nhau. Mỗi cá nhân có lựa chọn ăn uống riêng. Nhưng, khi suy ngẫm, chúng ta có thể tạm kết luận rằng:
- Ăn nhiều mì gói không hề tốt cho sức khỏe.
- Việc đứng đầu bảng tiêu thụ mì gói, không có gì để vui.
- Mì gói nên là thức ăn tạm thời.
Khi thu nhập tăng, mỗi người sẽ bớt ăn mì gói lại. Thay vào đó, họ sẽ ăn gà nướng, phở, cơm, hay mỳ Ý nhiều hơn. Trong tương lai, mong vị trí cường quốc mì gói sẽ thuộc về một nước khác.
Nguyễn Trọng Nhân, 24.9.2024