Cường quốc hoa hậu, cơn sốt sắc đẹp ở Việt Nam

Chúng ta bắt đầu với câu hỏi, “Hoa hậu Việt Nam là ai?” Nếu Google, bạn cũng không biết. Không phải vì không có, mà là có quá nhiều để trả lời chính xác. Chương trình Táo Quân cũng từng châm biếm, “Họ đã nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu mỗi gia đình có một đến hai hoa hậu.”

Vào đầu tháng 8 năm 2024, Việt Nam có thêm 2 hoa hậu và 6 á hậu chỉ trong một đêm. Có một câu nói vui hay được chia sẻ trên mạng xã hội, đó là “Hiện nay, ngoài có lạm phát giá cả và điểm số, Việt Nam còn có nạn lạm phát hoa hậu.”

Để hình dung vấn đề, sau đây là vài con số thú vị.

  • Mỗi năm, Việt Nam có tầm 60 cuộc thi hoa hậu. Con số này không chính xác, vì tầm phân nửa là các cuộc thi tự phát. Nhưng nó cho thấy sự phổ biến của hoa hậu.
  • Chỉ trong năm 2023, có hơn 30 cuộc thi hoa hậu toàn quốc được tổ chức. Như hoa hậu thế giới Việt Nam, hoa hậu hoàn vũ Việt Nam, hoa hậu hòa bình Việt Nam, hoa hậu trái đất Việt Nam, hay hoa hậu chuyển giới Việt Nam.
  • Trên cả nước, tổng số cuộc thi sắc đẹp được tổ chức mỗi năm có lẽ lên đến vài trăm hoặc cả ngàn. Từ cuộc thi hoa hậu toàn quốc, hoa hậu tỉnh, hoa hậu học đường, sắc đẹp sinh viên, và hoa khôi trường học.

Nếu bạn cảm thấy rối thì đó là điều bình thường vì ngay cả báo chí cũng không biết chính xác. Nó vô tình tạo ra góc nhìn tiêu cực về chức danh hoa hậu. Độc giả trên mạng hay chia sẻ với nhau là:

  • “Mấy cuộc thi này tuyển vợ cho đại gia.”
  • “Thi hoa hậu để làm giá.”
  • “Chỉ cần có cái mác hoa hậu, giá sẽ nâng lên chục lần.”

Còn nhiều bình luận tiêu cực khác nhưng chúng ta không cần nhắc đến vì quá nhạy cảm. Điều này khiến chúng ta tự hỏi, tại sao lại có hiện tượng này?

Tại sao lại có quá nhiều hoa hậu?

Câu hỏi nghe đơn giản nhưng khó trả lời. Chúng ta có thể quan sát và tự kết luận. Câu trả lời phù hợp nhất có lẽ là, sử dụng nhan sắc là cách để kiếm tiền nhanh và hiệu quả nhất. Ở đâu cũng có người đẹp, nhưng ở Việt Nam, nó đã bị công nghiệp hóa và thương mại hóa. Bởi vì ai cũng thích cái đẹp.

Ai cũng thích cái đẹp

Cái này có lẽ không cần bằng chứng khoa học. Sắc đẹp luôn thu hút sự chú ý. Bây giờ chỉ cần lướt Facebook, đọc báo, hay coi truyền hình, đập vào mắt bạn là sắc đẹp. Độc giả không cần biết nội dung là gì, họ chỉ cần thấy một cô gái xinh nào đó là nhấn vào đọc. Điều này tạo một vòng lặp trong sản xuất nội dung.

Sau đây là vài tiêu đề:

  • Hoa hậu A chia tay người yêu
  • Hoa hậu B bay qua Úc nhập học
  • Hoa hậu C chia sẻ cuộc sống ở Mỹ

Độc giả thích nhan sắc, nhà xuất bản cần tiền, và một số cô gái đẹp khao khát được nổi tiếng. Kết quả là cả ba tìm đến nhau. Chúng ta vô tình góp phần tạo nên cơn sốt này thông qua thương mại hóa nhan sắc.

Thương mại hóa nhan sắc

Nắm bắt xu hướng truyền thông, các công ty tận dụng triệt để. Ở đây xin không nêu tên tổ chức nào mà chỉ miêu tả hình thức hoạt động. Nó như sau.

  1. Công ty A làm về truyền thông. Họ kiếm tiền bằng cách xây dựng thần tượng, sản xuất nội dung, và bán quảng cáo.
  2. Họ tổ chức các cuộc thi hoa hậu và sắc đẹp. Mục đích là để hợp thức hóa nhan sắc và để tạo sự chú ý. Người thắng luôn luôn là các nhân viên do họ đào tạo. Đó là vì sao nhiều người làm trong các agency hay châm biếm là, “Khỏi cần thi cũng biết ai thắng.”
  3. Sau khi đăng quang hoa hậu, công ty đó sẽ bơm thổi tên tuổi và chạy bài trên báo chí. Bạn không biết hoa hậu đó là ai và cũng không quan tâm. Nhưng khi chạy chiến dịch truyền thông đủ nhiều, bạn sẽ nghĩ rằng cô hoa hậu đó là người nổi tiếng.
  4. Công ty đó sẽ khai thác hình ảnh, quảng cáo sản phẩm, và sản xuất nội dung xoay quanh hoa hậu.

Đây là mô hình phổ biến như ca sĩ, diễn viên, idol, hay KOC. Khác ở chỗ, họ khai thác hoa hậu. Người đẹp luôn mang lại lợi ích cho các nhãn hàng và công ty giải trí. Hoa hậu có thể được coi là cái mác trên một sản phẩm để khai thác thương mại. Vì ngoài ra, giá trị thật là gần không.

Nước nghèo cuồng hoa hậu, nước giàu thì không

Cuồng hoa hậu là một nét đặc trưng ở các nước đang phát triển. Việt Nam không phải là đứng đầu về hoa hậu, mà là Venezuela. Tính đến năm 2021, Venezuela có 23 hoa hậu trong 4 giải lớn nhất. Vượt cả Mỹ, Pháp, Anh, hay Đức.

Vậy có nghĩa là Venezuela có nhiều người đẹp hơn Mỹ Âu? Không hẳn. Chỉ là họ ưu tiên và đào tạo nhiều hơn. Thuật ngữ bình dân là “Nhà máy sản xuất hoa hậu.” Mô hình cũng tương tự như ở Việt Nam.

  1. Các công ty tìm kiếm các cô gái đẹp. Ngược lại, các cô ấy và gia đình sẽ tự tìm đến các công ty. Nguyên nhân là các nước Nam Mỹ đang rơi vào khủng hoảng kinh tế quá lâu và quá nặng. Nhiều nước vẫn đang gánh chịu nạn siêu lạm phát. Chính vì điều đó, cơ hội để phát triển bằng học vấn hay thương mại là gần không. Cách để thăng tiến là dùng nhan sắc. Các gia đình nào có con gái xinh đẹp sẽ tận dụng để nó có cơ hội đổi đời.
  2. Các công ty sau đó sẽ đào tạo. Từ cách đi đứng, ăn nói, cho đến diễn xuất. Họ đào tạo ra người mẫu và hoa hậu theo đúng tiêu chuẩn.
  3. Sau đó, họ sẽ đề cử tham gia các cuộc thi về nhan sắc. Còn không, các cô ấy sẽ làm người mẫu. Số tiền kiếm được sẽ được chia theo tỷ lệ.

Điều này giải thích vì sao các nước Nam Mỹ luôn thống trị các cuộc thi hoa hậu và nằm trong top danh sách người đẹp. Nói vậy không phải là chê bai, mà chỉ miêu tả cách hoạt động.

Còn các nước giàu như ở Mỹ Âu thì chúng ta ít thấy hiện tượng này. Lý do như sau.

Nền kinh tế đã phát triển nên các cô gái có nhiều cơ hội phát triển hơn. Họ có thể đi học đại học, học nghề, hay tự kinh doanh. Nên không có lý do gì để tham gia các cuộc thi sắc đẹp. Để hình dung, cuộc thi Miss USA 2024 chỉ thu hút 1 triệu người coi, một con số quá thấp so với dân số 334 triệu. Nó cho thấy người dân gần như không quan tâm. Nếu bạn hỏi ngẫu nhiên một người Mỹ hay Pháp, họ cũng không biết hoa hậu nước họ là ai.

Sự phát triển của nữ giới đã thay đổi góc nhìn của công chúng về cuộc thi sắc đẹp. Họ coi nó là cuộc chơi lợi dụng thân thể phụ nữ. thậm chí, một số người đã tẩy chay vì cho rằng giá trị đã không còn phù hợp đời sống hiện đại.

Nếu có tổ chức, cuộc thi hoa hậu ở Phương Tây được dùng để làm nền tảng để thúc đẩy các chủ trương về xã hội.

Hoa hậu để thúc đẩy chủ trương xã hội

Hãy Google hình ảnh của các hoa hậu Mỹ Âu, bạn sẽ thấy một xu hướng rõ rệt. Đó là xét về nhan sắc, họ gần như không có gì nổi bật. Nhiều cô gái Hà Nội hay Sài Gòn còn xinh hơn nhiều. Đó là vì từ lâu, các nước phát triển không còn coi trọng ngoại hình của hoa hậu nữa. Thay vào đó, hoa hậu được coi là cá nhân phù hợp nhất để thúc đẩy cải tiến xã hội.

Gần đây, vài giá trị được quan tâm chính là:

  1. Môi trường: làm sao để kêu gọi các nước hạn chế rác thải và giảm thiểu ô nhiễm.
  2. Hòa bình: làm sao để ngăn chặn chiến tranh xảy ra.
  3. Quyền lợi lao động: làm sao để bảo vệ người lao động ở các nước nghèo.
  4. Bình đẳng giới tính: làm sao để khuyến khích phụ nữ ở các nước nghèo phát triển hơn.

Cho nên sắc đẹp được xếp sau cùng. Ngược lại, độc giả ở các nước đang phát triển khi nhìn hoa hậu Mỹ Âu lại đưa ra bình luận như:

  • “Ôi hoa hậu gì mà không xinh chút nào.”
  • “Cô này mà cũng là hoa hậu?”
  • “Xinh chỗ nào nhỉ?”

Nó cho thấy sự đối nghịch của hai hệ giá trị. Một bên coi sắc đẹp là cái gì đó quan trọng, còn một bên coi sắc đẹp là yếu tố phụ.

Nguồn gốc và ý nghĩa của cuộc thi hoa hậu

Nếu hoa hậu không phải là cuộc thi về nhan sắc, vậy nó được tổ chức làm gì? Để hiểu, chúng ta cần coi lại nguồn gốc ban đầu.

Trước tiên, cần phải hiểu là con người luôn coi trọng sắc đẹp. Gần như không có sự đồng nhất về việc nơi nào tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên. Nhưng nếu tìm hiểu, cuộc thi hoa hậu trong thời hiện đại được tổ chức lần đầu vào năm 1839 ở Scotland. Người thắng là nữ công tước xứ Somerset, tức vợ của công tước Somerset. Nghĩa là nó mang ý nghĩa chính trị và quảng bá nhiều hơn là sắc đẹp.

Đến thế kỷ 20, Mỹ bắt đầu thương mại hóa cuộc thi sắc đẹp như một phần của ngành giải trí. Cũng như trên, sắc đẹp chỉ là yếu tố phụ.

Đây là câu hỏi trong cuộc thi Miss United States 2023: “Là đại sứ Miss USA, bạn sẽ đóng góp gì cho tổ chức?”

Cô thí sinh trả lời: “Tôi muốn gắn kết mọi người với nhau bất kể chủng tộc, sắc tộc, hay nguồn gốc của họ là gì.”

Còn nếu bạn nhìn sang Pháp hay Đức, hoa hậu của họ gần như không liên quan gì tới nhan sắc. Nếu họ thi ở các nước Nam Mỹ, thì có lẽ sẽ rớt từ vòng nộp hồ sơ. Nhưng điều đó không quan trọng, vì hoa hậu và nhan sắc là hai thứ riêng biệt.

Tác hại của lạm phát hoa hậu

Hoa hậu chưa bao giờ là đại diện cho phái nữ và nhan sắc. Người thắng chỉ có nghĩa là họ đại diện cho chủ trương nào đó. Còn thực tế, họ là một nhân viên của công ty giải trí nào đó. Sẽ là sai lầm nếu chúng ta lấy hoa hậu làm tiêu chuẩn.

Hậu quả của cơn sốt nhan sắc là:

  • Nó ảnh hưởng đến tư duy của giới trẻ.
  • Nó vô tình gợi ý rằng bạn chỉ cần đẹp, còn tri thức thì không quan trọng.
  • Nó biến phụ nữ thành công cụ kiếm tiền và hạ thấp giá trị nữ giới.

Vậy còn những cô gái sinh ra không có ngoại hình thì họ làm gì? Thất nghiệp, thất bại, hay không có giá trị? Nếu hoa hậu là thước đo của thành công, thì có lẽ Venezuela là cường quốc, còn Đức là quốc gia lạc hậu.

Khi cộng thêm các yếu tố giải trí của show-biz, nó vô tình khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực về các cô gái. Đây là một phát ngôn gần đây của một cô hoa hậu: “Em hiện tại đã ở một cương vị mới, thật sự là một bước nhảy vọt so với em của 2 – 3 tháng trước.”

Có thể, nó chỉ là lời được soạn sẵn để thu hút sự chú ý. Nhưng trong mắt công chúng, hoa hậu không khác gì diễn viên hài. Việc một quốc gia quá coi trọng hoa hậu, không chứng minh gì ngoài việc nơi đó thiếu cơ hội phát triển và dân trí chưa cao. Đó là một điều không có gì để tự hào.

Khi tri thức được phổ cập, công chúng cũng bắt đầu thay đổi quan điểm. Họ ít coi trọng hoa hậu hơn, vì hoa hậu không đại diện cho phái nữ, chứ đừng nói gì quốc gia.

Nguyễn Trọng Nhân, 08.8.2024