Cú Nhảy Vọt Của Miền Bắc, Miền Bắc Vượt Miền Nam

Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ hai mươi là một thành phố của những chiếc xe đạp. Vào thời điểm đó, Việt Nam chỉ mới bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Xem lại những tấm ảnh cũ, bạn sẽ thấy một thủ đô với đường phố sơ sài và cuộc sống đạm bạc.

Nhưng chỉ hai thập niên sau, mọi thứ thay đổi chóng mặt. Đường phố tràn ngập xe máy và xe hơi. Hai bên đường là các mặt bằng trị giá trăm tỷ đồng. Chung cư cao cấp mọc lên khắp nơi. Ở các tỉnh lân cận, hệ thống đường cao tốc hiện đại giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Trong tốp 10 tỉnh thành có quy mô kinh tế lớn nhất nước, 6 nằm ở khu vực miền Bắc. Đã có thời điểm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh vượt Sài Gòn. Không những vậy, Hà Nội đã vượt lên nhất để trở thành đô thị có lương bình quân cao nhất.

Đó là một sự chuyển mình bất ngờ và khó tin. Mình rất tự tin là vài chục năm nữa, chúng ta sẽ nhìn lại giai đoạn này và gọi nó là “Cú nhảy vọt của miền Bắc.”

Bài viết này được chia theo các phần sau đây.

  1. Cú nhảy vọt của miền Bắc
  2. Miền Bắc trước đây
  3. Samsung và bước ngoặt
  4. Cao tốc và kết nối
  5. Hà Nội và miền Bắc bây giờ
  6. Tại sao người Bắc vẫn Nam tiến?
  7. Miền Bắc vượt miền Nam?

Lưu ý, rất khó để nói tổng quát và chính xác được, vì đây là một chủ đề rộng. Mình mong bạn sẽ tiếp thu với tư duy cởi mở. Xin bắt đầu.

Cú nhảy vọt của miền Bắc

Trước đây khi nhắc đến miền Bắc, mình nghĩ ngay đến sự đạm bạc. Có lẽ vì còn bị ảnh hưởng bởi những tấm ảnh được chụp bởi phóng viên nước ngoài vào thập niên 1990. Không chỉ mình đâu. Mình cá là đa số người khác cũng vậy. Nhưng có lẽ, đó là một ngộ nhận. Sau đây vài con số để chúng ta suy ngẫm về sự tăng trưởng thần kỳ của miền Bắc.

  • Trong 7 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã vượt Sài Gòn về thu ngân sách. Hà Nội thu 337,200 tỷ đồng, còn Sài Gòn thu 308,724 tỷ đồng. Tuy đây chỉ là một thời điểm cho nên không phản ánh chính xác, nhưng nó là một dấu hiệu cho thấy vị thế của hai thành phố lớn nhất nước đã bắt đầu thay đổi. Nếu trong ba mươi năm nay, Sài Gòn là đầu tàu, thì trong thời gian tới, vị trí đó khả năng cao sẽ thuộc về Hà Nội.
  • Miền Bắc chiếm 81% ngành điện tử tại Việt Nam. Trong khi đó, miền Nam chỉ chiếm 17%.
  • Vùng Đồng Bằng Sông Hồng chiếm 30.4% GDP của cả nước.
  • GRDP đầu người của vùng Đồng Bằng Sông Hồng là 131 triệu đồng, chỉ sau 166 triệu của vùng Đông Nam Bộ.
  • Về tổng thu ngân sách, Đồng Bằng Sông Hồng chiếm 43%. Trong khi đó, Đông Nam Bộ chỉ chiếm 38%.
  • Quảng Ninh là địa phương được cho là có cơ sở hạ tầng tốt nhất trong nước. Nếu bạn đã đi cao tốc Hà Nội – Hạ Long thì cũng dễ hiểu vì sao.
  • Bắc Ninh đã trở thành nơi sản xuất sản phẩm của Apple và Samsung thay cho Trung Quốc. Nếu bạn mua điện thoại Galaxy hay AirPods, đằng sau là dòng chữ “Lắp Ráp Ở Việt Nam.” Đó là vì sao Bắc Ninh là địa phương xuất khẩu lớn thứ nhì, 39 tỷ đô trong năm 2023, so với 42 tỷ của Sài Gòn. Nếu quy mô sản xuất này tiếp tục, việc Bắc Ninh dẫn đầu về xuất khẩu là điều hiển nhiên.

Tuy các con số trên không đúng toàn diện, nhưng nó ít nhiều phản ánh một thực tế rằng, miền Bắc trong chục năm trở lại đây đã có sự tiến bộ rõ rệt. Ở một số khía cạnh như cơ sở hạ tầng, họ đã vượt các địa phương khác.

Miền Bắc trước đây

Vài chục năm trước, gần như không ai có thể tin được rằng Miền Bắc có thể biến đổi nhanh như vậy. Hãy coi lại những tấm ảnh cũ hay phim tài liệu, sự khác biệt là quá lớn.

Đây là một bài của báo Vietnamnet trong năm 2005: “Tại Sao Các Tỉnh Phía Bắc Không Tăng Trưởng Nhanh Hơn?”

Mình xin trích.

“Khoảng cách tăng trưởng giữa bốn tỉnh Miền Nam và bảy tỉnh Miền Bắc thực sự đáng giật mình, khi cả hai nhóm tỉnh này đều nằm gần các thành phố và hải cảng chính. Hãy lấy một chỉ số là tốc độ tăng trưởng việc làm từ năm 2000 đến 2002 để so sánh, bốn tỉnh Miền Nam với dân số chỉ bằng một nửa của bảy tỉnh Miền Bắc nhưng đã tạo ra được 209.000 việc làm, gấp ba lần so với con số 70.000 việc làm mới ở bảy tỉnh Miền Bắc.

Như vậy, với bất cứ thước đo hợp lý nào, các tỉnh Miền Bắc đã không tăng trưởng nhanh như mong đợi. Và rõ ràng, các tỉnh phía Bắc này không những chỉ bị tụt lại sau các tỉnh tăng trưởng nhanh ở phía Nam mà xét về một mặt rất quan trọng, họ đang tụt lại sau cả các khu vực có ít ưu thế hơn về vị trí, cơ sở hạ tầng hay khả năng tiếp cận nguồn lao động có đào tạo và các thị trường.”

Hết trích.

Đời sống khó khăn, đến mức “Nam tiến” hay “vào Nam lập nghiệp” trở thành một xu hướng. Hãy hỏi những ai đã từng sống qua thập niên 1990 đến 2000, bạn sẽ rõ hơn. Sau đây là vài ví dụ.

  • Xe đạp là phương tiện đi lại phổ biến nhất.
  • Mì gói được coi là món có giá trị cao.
  • Thịt là một thứ quý hiếm.
  • Bộ áo vest là một món hàng xa xỉ.

Mình lớn lên ở Vũng Tàu, nơi có nhiều người gốc Bắc vào sinh sống. Trong suy nghĩ của họ, Miền Nam là miền đất hứa so với quê nhà.

Samsung và bước ngoặt

Nhưng theo thời gian, điều kiện trở nên tiến bộ hơn. Bước ngoặt lớn nhất là khi Samsung bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất đến đây.

Vào ngày 25.3.2008, Samsung Electronics Việt Nam được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Bắc Ninh. Tổng vốn đầu tư là 670 triệu đô. Tính đến năm 2023, tổng số vốn đã lên đến 20 tỷ đô và dự tính sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Samsung không chỉ là một công ty, họ còn là một cỗ máy sản xuất. Kể từ khi Trung Quốc chuyển mình từ một nước gia công giá rẻ sang nước sản xuất tầm trung, Samsung bắt đầu tìm kiếm địa điểm khác để tối ưu chi phí. Họ chọn Việt Nam, chính xác hơn là khu vực quanh Hà Nội. Với vị trí gần Trung Quốc, lượng lao động trẻ và giá gia công thấp, Việt Nam là một điểm đến lý tưởng.

Sau đây là vài con số của Samsung để bạn hình dung:

  • Trong năm 2022, Samsung đã xuất khẩu 65 tỷ đô, chiếm tầm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và góp 10% đến 30% GDP của cả nước.
  • Samsung đã tạo ra hơn 160,000 việc làm. Còn nếu tính các công việc gián tiếp, con số có thể lên đến vài trăm ngàn.
  • Trong năm 2022, tầm 210 triệu chiếc điện thoại Samsung đã được sản xuất ở Việt Nam.
  • Hơn 50% điện thoại Samsung bán trên thế giới được sản xuất ở Việt Nam. Tính đến nay, hơn 6 tỷ sản phẩm đã được làm chỉ từ tập đoàn Hàn Quốc này.

Có thể nói, Samsung là yếu tố quan trọng nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển ở miền Bắc. Họ kéo theo hàng loạt tập đoàn khác. Tiêu biểu nhất là Foxconn, đối tác gia công của Apple. Tập đoàn Hàn Quốc này đã giúp biến Bắc Ninh từ một tỉnh nhỏ sơ khai, trở thành một trung tâm sản xuất.

Cao tốc và kết nối

Để làm được điều đó, không thể nào thiếu mạng lưới cao tốc. Nếu bạn từ miền khác tới, bạn sẽ ít nhiều cảm thấy bất ngờ khi ra Hà Nội và đi các tỉnh lân cận.

Tính đến năm 2023, Việt Nam có 1,163 km đường cao tốc và 712 km hay 60% nằm ở miền Bắc. Đợt trước, mình đã đi Sapa, Ninh Bình, Hải Phòng, Hạ Long, và Lạng Sơn. Nhận xét công tâm là cao tốc chạy rất êm, không thua gì ở các nước khác. Nếu không nói, bạn sẽ tưởng là đang chạy ở Mã Lai hay Thái Lan.

Chỉ cần làm một chuyến Hà Nội đến Hải Phòng, bạn sẽ hiểu vì sao khu vực miền Bắc đã phát triển quá nhanh trong chục năm qua.

Lấy ví dụ. Nếu bạn phải mất 3 tiếng để đi từ Quận 1 đến Bến Tre, nhưng chỉ cần 1.5 tiếng để đi từ Hoàn Kiếm đến Hải Phòng. Cũng trên dưới 100 km, nhưng một nơi lại đi nhanh hơn. Tuy đó là trường hợp cá nhân, nhưng bạn có thể áp dụng nguyên lý tương tự với các xe chở hàng hay công nghiệp.

Cao tốc không chỉ quyết định tốc độ di chuyển, nó còn là mạng lưới kết nối các khu công nghiệp với nhau. Hơn nữa, nó khiến tài xế có tâm lý lái xe ổn định hơn vì không cần phải canh chừng hay chen lấn. Có thể nói, miền Bắc đang đứng đầu cả nước về số lượng km lẫn chất lượng cao tốc.

Hà Nội và miền Bắc bây giờ

Nếu bây giờ, bạn còn có suy nghĩ là miền Bắc đạm bạc hay đơn sơ, thì có lẽ đang mắc kẹt vào những năm 1990. Chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực này đã bắt kịp vùng Đông Nam Bộ và vượt mặt nhiều nơi khác.

Mình dừng chân ở Bắc Giang và bất ngờ là bây giờ nó là một đô thị phát triển. Từ đó đến giờ, trong suy nghĩ của mình và nhiều người khác, nó là cái vùng quê nào đó. Nhưng sai quá sai, Bắc Giang bây giờ đứng đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Con số có thể sẽ khác nhưng không bác bỏ được sự thay đổi chóng mặt.

Cách đây mười năm, bạn chỉ có thể dùng tiền mặt. Còn bây giờ, gần như cửa hàng nào cũng nhận chuyển khoản hoặc thanh toán điện tử. Mình bất ngờ khi ngay cả một cô bán xôi cũng treo mã QR.

Chất lượng phục vụ ở Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây. Nhiều người sau một thời gian ở trong Nam đã chọn quay lại Hà Nội. Họ mang theo cách phục vụ trong Sài Gòn và áp dụng. Bạn sẽ thấy các quán cơm tấm Sài Gòn, bún bò Huế, hay bánh khọt ở Hà Nội. Một điều cực hiếm cách đây không lâu.

Mình bất ngờ hơn nữa khi nghe nhiều bài nhạc vàng được hát ở các quán nhậu và cà phê. Như bài “Cô Hàng Xóm” và “Mưa Rừng.” Nhiều chỗ còn mở nhạc của Quang Lê, cho thấy văn hóa Sài Gòn cũng ít nhiều ảnh hưởng đến Hà Nội.

Hơn nữa, sự xuất hiện của các chuỗi như Highlands và Starbucks đã giúp phát triển tiêu chuẩn phục vụ. Nếu cách đây hai mươi năm, bún mắng cháo chửi bị lên án, thì bây giờ nó gần như biến mất. Sau khi mình mua món hàng và trả tiền, nhân viên sẽ nói “Cảm ơn anh.”

Góc nhìn của mình là của một du khách nên có thể thiếu chính xác. Mong là sẽ có cơ hội quay lại.

Tại sao người Bắc vẫn Nam tiến?

Có nhiều người hay hỏi khi bàn về sự phát triển của miền Bắc: “Nếu phát triển vậy sao nhiều người vẫn Nam tiến?”

Lại thêm một chủ đề để bàn tán. Mình có hỏi những người bạn gốc Bắc của mình ở Vũng Tàu và Sài Gòn, họ trả lời như sau:

  • “Sài Gòn thoáng và cởi mở hơn.”
  • “Ở Sài Gòn có nhiều công việc trong ngành marketing và lương cũng cao hơn.”
  • “Mình thấy trong miền Nam dễ sống hơn.”

Rất khó để phân tích vì không có thống kê cụ thể. Khi rảnh, mình sẽ tìm hiểu thêm. Nhưng có một thực tế là có nhiều người Nam tiến, nhưng có ít ai Bắc tiến.

Miền Bắc vượt miền Nam?

Xét tổng quát, không thể chối cãi rằng, miền Bắc đã phát triển vượt trội, ngoài sức tưởng tượng trong thời gian qua. Nếu trước đây, người ta hay nói vui, “Chừng nào miền Bắc mới bắt kịp miền Nam,” thì bây giờ nên đổi lại thành, “Chừng nào miền Nam mới bắt kịp miền Bắc?”

Vậy có nghĩa là miền Bắc đã vượt mặt miền Nam? Câu hỏi này quá rộng để trả lời. Nếu vượt về số lượng dân số thì có thể. Vượt về tổng quy mô sản xuất thì dễ hiểu. Vượt về cơ sở hạ tầng thì quá rõ ràng. Vượt về số km cao tốc thì hiển nhiên.

Nhưng vượt về lương bình quân hay tầm quan trọng thì có lẽ không, vì mỗi nơi có thế mạnh riêng. Có nhiều thứ không thể phản ánh qua con số.

Sài Gòn là trung tâm của nghệ thuật, âm nhạc, thời trang, và sáng tạo. Đó là vì sao nhiều ca sĩ miền Bắc chọn vào Sài Gòn để phát triển, như Sơn Tùng MTP, Hoàng Thùy Linh, Hồ Ngọc Hà, Trương Ngọc Ánh… Điều này sẽ tiếp tục chứ không thay đổi trong thời gian ngắn được.

Đừng quá lo. Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Hà Nội vẫn là Hà Nội. So sánh để có cái nhìn tổng quát chứ không phải hơn thua nhau.

Nguyễn Trọng Nhân, 28.10.2024