Công việc nhảm nhí của David Graeber và quy luật thị trường | Tác giả David Graeber muốn con người làm những công việc có ích hơn, thay vì những việc “Nhảm Nhí” [Bullsh*t] của hiện tại. Triết lý của ông ta bắt đầu với cái nhìn tiêu cực về cơ chế kinh tế của thế giới hiện đại, vốn vận hành dựa trên sự phối hợp giữa cơ bắp và trí tuệ con người.
Trong vài năm gần đây khi cái gọi là AI đang phát triển mạnh thì hàng loạt nhà phân tích dự đoán rằng trong tương lai, hàng loạt công việc sẽ bị thay thế. Điều này đúng nhưng chỉ một phần.
Máy móc trong trường hợp này là sản phẩm do con người tạo ra để tiết kiệm thời gian lẫn công sức. Nhưng nó sẽ không thể nào thay thế được bản năng của con người. Tất cả những thiết bị đều là vật vô cảm, nó chỉ có thể tuân theo người tạo hoặc sử dụng chứ không thể nào tự giác. Đó chính là mấu chốt của vấn đề mà tác giả đang nhầm lẫn.
Không hề có cái gọi là “Công việc nhảm” vì tất cả đều có vai trò nhất định. Bạn có thể không đồng ý với sự tồn tại nhưng nó sẽ tiếp tục cho đến khi ai đó không cần đến nữa. Đó không phải là quyết định của riêng cá nhân nào mà là của thị trường lao động phán quyết chung.
Tại sao chúng ta cần người viết báo khi đã có các phần mềm có thể tự tạo nội dung. Đó là vì nó không có cảm xúc cho nên không thể nào hiểu được ngữ cảnh. Tại sao chúng ta cần những người làm trong ngành luật khi chỉ cần tìm kiếm là ra giải đáp. Bởi vì cái máy sẽ không hiểu được tình huống và đàm phán với một sinh vật biến động mang tên con người.
Tôi có thể áp dụng logic này với bất cứ công việc nào. Từ quảng cáo, dọn vệ sinh cho đến nhân viên môi giới. Bạn có thể thay thế nó bằng máy móc nhưng khi thiếu trí tuệ của con người thì những đồ điện tử sẽ trở nên vô dụng. Vì máy móc không phải tạo ra để thay thế người chế ra nó mà là trợ giúp họ.
Chẳng hề có công việc nào là vô ích cả, trừ những hành vi phạm pháp hoặc gây thiệt hại không cần có cho xã hội. Nó tồn tại vì đang phục vụ nhu cầu của ai đó, trực tiếp hoặc gián tiếp, trong cộng đồng.
Nếu có một cái việc nào đó đáng gọi là “Nhảm nhí” thì nên là một nhà phê bình, vốn chỉ đứng quan sát mà không trực tiếp tạo ra sản phẩm hay dịch vụ gì.
Khi xã hội thiếu người dọn vệ sinh, chúng ta sẽ thấy nhớ vì đường phố sẽ trở nên bẩn. Khi không có nhân viên kế toán, công ty sẽ cảm thấy rối vì không ai kiểm soát tài chính. Khi vắng kỹ sư, chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi vì phải tận dụng tay chân. Khi thiếu nhân viên marketing, những sản phẩm sẽ không được ai biết đến.
Nhưng nếu một ngày nào đó, một tác giả phê bình dựa trên giả thuyết tự phát biến mất, thì tôi cá rằng sẽ chẳng ai quan tâm. Đó mới là công việc Bullsh*t duy nhất không cần tồn tại.
Bóc Phốt Tài Chính | 28.3.2021