Có nên dẹp trường chuyên Hanoi-Amsterdam, không | Lại thêm một nỗ lực chỉ trích trường Hà Nội-Amsterdam và hệ thống trường chuyên. Tôi hoàn toàn hiểu ý tác giả. Để tóm tắt coi đúng không nhé.
- Trường chuyên nhận được số vốn đầu tư nhiều hơn trường bình thường.
- Trường chuyên đào tạo nhân tài rồi họ không “phục vụ đất nước” nên coi như lãng phí.
Tôi thì nghĩ anh ta đang hiểu sai khái niệm hoặc chức năng. Mục đích của trường chuyên là tạo môi trường cho những học sinh có năng khiếu hàn lâm để họ có thể nâng cao tư duy và khả năng của mình. Không chỉ ở Việt Nam mới có trường chuyên đâu, đây là mô hình mà nước nào cũng có.
Trong một khu vực thường có một cơ sở đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của những cá nhân tiêu biểu dưới tên gọi khác nhau, như trường năng khiếu hoặc trường tuyển. Họ không phân biệt giàu nghèo, chỉ cần học viên đó thi và đậu là vào. Tất cả đều có cơ hội như nhau.
Nhưng sự khác biệt là đây. Mặc dù có trường chuyên nhưng họ không bỏ quên trường công còn lại. Chính phủ luôn rót vốn công bằng và công khai dựa trên dân số và điều kiện. Người đại diện của trường sẽ đòi hỏi ngân sách phải rót cho trường mỗi năm cho nên không có chuyện dẫn đến phân biệt đối xử. Cho nên cha mẹ không có áp lực phải bắt con mình vào trường chuyên.
Còn ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, nhìn cách các tỉnh và thành phố điều hành sẽ thấy. Nguyên cả tỉnh hoặc quận thì chỉ có một trường chuyên đủ tiêu chuẩn. Các cơ sở khác thì như bị lãng quên. Vốn và nhân sự giỏi thường được tập trung ở một số trường khiến khoảng cách học tập chênh lệch. Nhìn cơ sở vật chất sẽ thấy bất công đến chừng nào.
Trường chuyên thì được xây dựng hoành tráng, còn mấy trường khác thì phòng vệ sinh bước vào đã muốn ói rồi.
Học sinh nghèo cần được quan tâm và đầu tư nhiều hơn để ai cũng có cơ hội tiến thân thoát nghèo. Nhưng đừng nhầm lẫn nó với trường chuyên. Sở dĩ đa số học sinh trường chuyên là con em nhà khá giả là vì họ được đào tạo đầy đủ. Đó đâu có phải là lỗi của họ. Họ có năng khiếu, được giáo dục bài bản thì cần phải được phát huy thêm chứ. Trí tuệ không phân biệt giàu nghèo. Trừ khi bạn là trường tư nhân thì có thể tự quyết định tuyển sinh và học phí. Nhưng đã là trường công, tức nhận kinh phí từ ngân sách thì phải đối xử bình đẳng.
Nhưng không vì thế mà lên án trường chuyên được. Nó là cỗ máy cho học sinh giỏi.
Hãy coi danh sách những sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước ưu tú nhất thì xác suất cao là họ xuất thân từ trường chuyên. Những Hà Nội-Amsterdam, Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa không ngừng sản sinh ra hàng loạt cá nhân tài ba. Họ tốt nghiệp xong đi du học, có người định cư, có người về. Nhưng dù làm gì thì họ vẫn đóng góp cho xã hội và đất nước về mặt vật chất lẫn hình ảnh.
Người Việt Nam đi đâu thì đất nước Việt Nam ở đó chứ không biến mất. Khái niệm phục xã hội cần phải được tái định nghĩa để phù hợp trong môi trường toàn cầu hoá. Hãy để họ đến nơi nào tốt nhất chứ không nên ép họ “cống hiến” cho quê nhà.
Không nên tư nhân hoá, xoá trường chuyên hay lên án mà hãy nhân rộng nó. Tức đầu tư vốn cho các trường để tất cả học sinh có thể học tập trong điều kiện tốt nhất chứ không chỉ riêng một nhóm người. Không thể nào tạo bình đẳng bằng cách lấy đi môi trường cho người giỏi, hãy để nhân tài được phát triển.
Bóc Phốt Tài Chính | 18.2.2021