Trong năm 2023, tỷ lệ sinh đẻ ở Sài Gòn giảm xuống còn 1.27 con cho mỗi người phụ nữ. Đây là mức thấp kỷ lục chưa từng có. Điều này không những thách thức sự tăng trưởng kinh tế, an ninh quốc gia, mà còn tính bền vững của hệ thống xã sinh xã hội.
Hậu quả nghiêm trọng chính là “Việt Nam chưa giàu mà đã già.”
Đó không phải là lời khẳng định, mà chỉ là sự dự đoán nếu tỷ lệ sinh đẻ tiếp tục giảm. Hãy cùng tìm hiểu vì sao.
Trước tiên, sau đây là vài con số để chúng ta hình dung mức độ nghiêm trọng. Xin lưu ý, số liệu có thể không chính xác.
- Tỷ lệ sinh đẻ toàn quốc trong năm 2023 là 1.96 con/phụ nữ. Để so sánh, vào năm 1989, con số là 3.6 con.
- Trong khi đó, tỷ lệ sinh đẻ ở Đông Nam Á là 2 con/phụ nữ. Nghĩa là Việt Nam có mức sinh đẻ thấp nhất khu vực.
- Ở Sài Gòn, tỷ lệ chỉ là 1.27 con/phụ nữ. Thấp nhất ở trong nước.
- Các tỉnh Tây nguyên, miền Trung, và phía Bắc có tỷ lệ sinh cao nhất, 2.43 con.
- Đồng Bằng Sông Hồng hoặc khu vực quanh Hà Nội đứng thứ nhì với 2.35 con.
- Tốc độ tăng dân số cũng đang chậm lại. Trong năm 2022 là 0.98%. Nhưng năm 2023 là 0.84%. Đến năm 2030, dự kiến là dân số sẽ ngừng tăng và có khả năng cao là sẽ bắt đầu giảm.
Già hóa dân số
Đó chỉ là tỷ lệ sinh đẻ. Để hình dung tương lai, chúng ta cần so sánh mức độ già hóa dân số.
Nhưng, như thế nào là một cơ cấu dân số già? Đó là khi:
- Tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% dân số.
- Hoặc tỷ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm 7%.
Vào năm 2019, 11.9% dân số là người 60 tuổi trở lên. Đến năm 2050, con số đó sẽ là 25%. Việt Nam đã qua thời tỷ lệ dân số vàng, khi 75% người dân đang ở độ tuổi lao động. Đỉnh điểm là vào năm 2007. Nhưng kể từ đó, xu hướng đã đổi chiều. Nghĩa là chúng ta là một trong những nước đang già hóa nhanh nhất thế giới.
Tác động đến kinh tế, an ninh, và xã hội
Vậy việc người dân sinh đẻ ít sẽ tác động thế nào đến đất nước và kinh tế. Hãy lấy một gia đình chỉ có một đứa con làm ví dụ.
- Bên nội có 2 ông bà.
- Bên ngoại có 2 ông bà.
- Gia đình có cha, mẹ, và một con.
- Sau này khi 4 ông bà nội ngoại và cha mẹ về hưu, đứa con kia phải gánh một mình.
Nhân rộng lên, chúng ta có một hệ thống hưu trí mất đi sự cân đối. Một người không thể nào đi làm để nuôi sáu người.
Hãy tưởng tượng vào năm 2050, đất nước sẽ ra sao?
- Thuế thu nhập cá nhân tăng lên 50% vì thiếu người lao động để bù đắp.
- Bệnh viện quá tải bệnh nhân nhưng thiếu bác sĩ và y tá.
- Nhiều trường học đóng cửa vì thiếu học sinh.
- Hàng triệu người già sống trong cô đơn vì trước đây không lập gia đình.
- Bộ tư lệnh cảnh báo mối đe dọa đến an ninh quốc gia vì quân đội thiếu binh sĩ.
- Nhà nước thưởng 100 triệu đồng cho mỗi em bé, nhưng không ai chịu đẻ.
- Hệ thống an sinh xã hội vỡ nợ vì chi nhiều hơn thu.
- Kinh tế ngừng tăng trưởng vì thiếu chất xám và nhân sự.
- Tiêu chuẩn sống giảm vì thiếu năng suất lao động.
Sự việc sẽ không nghiêm trọng đến mức đó, nhưng hoàn toàn có thể. Chúng ta có thể nhìn sang những Nhật Bản và Hàn Quốc để hình dung. Nhưng có một điểm khác biệt lớn, đó là họ giàu rồi mới già, còn chúng ta thì chưa giàu mà đã già.
Hiện nay, chúng ta ít khi nào suy ngẫm về điều này cho đến khi đã quá muộn. Sinh con hay không là lựa chọn cá nhân, nhưng tác động của nó là toàn quốc.
Tại sao người dân ngại sinh con?
Điều này khiến mình và nhiều bạn trẻ khác suy ngẫm, “Tại sao giới trẻ lại ngại sinh con?” hay nhìn rộng hơn “Tại sao tỷ lệ sinh đẻ ở Việt Nam thấp kỷ lục?”
Vì quá khó để thực hiện một nghiên cứu, nên ở đây chỉ đưa ra góc nhìn cá nhân.
Áp lực tiền bạc
Cái này là nguyên nhân chính. Trong số danh sách bạn bè của mình, cứ 10 người là chỉ có 3 người đã lập gia đình. Phần còn lại vẫn chưa có ý định và chỉ muốn tập trung cho công việc. Một số bạn nữ còn cực đoan hơn khi nói rằng “Em không muốn sinh con.” Thậm chí, bây giờ tư duy đó đã là một hệ tư tưởng.
Cũng không khó để hiểu vì sao.
- Ước tính, để nuôi một đứa trẻ ở Sài Gòn, cha mẹ phải tốn ít nhất 5 đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, thu nhập bình quân chỉ là 10 triệu đồng. Nếu chọn sinh con, một cặp vợ chồng phải tốn 25% đến 50% thu nhập chung.
- Cộng thêm tiền nhà, sinh hoạt, xăng, và thuế phí, đó sẽ là một gánh nặng quá lớn. Một người bình quân phải tốn 47 năm để mua được nhà, với điều kiện không ăn uống. Khi sinh con, nó sẽ đẩy lùi kế hoạch lập nghiệp.
- Khác với thời bao cấp, sẽ là vô trách nhiệm nếu chỉ sinh con mà không cung cấp đầu đủ vật chất cho nó. Bạn không thể đẻ rồi mặc kệ, mà phải chăm sóc, dạy dỗ, và nuôi dưỡng.
Tiền không phải là duy nhất, nhưng là quan trọng nhất. Không có tiền thì không thể đẻ, chăm sóc con, và cho nó cuộc sống đầy đủ.
Dân trí cao
Nhưng nếu nói vậy thì tại sao trước đây, khi đời sống chưa khá giả bằng bây giờ, người ta vẫn đẻ? Để trả lời, bạn cần phải hiểu giai đoạn của nền kinh tế.
Trước đây, trong nền kinh tế nông nghiệp, nông dân cần càng nhiều lao động càng tốt. Cộng thêm tỷ lệ đứa con mất sớm, nên người ta phải sinh nhiều để bù lại. Họ phải đẻ vì nếu không thì sẽ không còn người làm.
Hơn nữa, trước đây, người ta chưa có khái niệm về an toàn quan hệ và kế hoạch hóa gia đình. Đó là vì sao trước đây nhiều gia đình sinh hơn chục đứa con. Cho nên sẽ là sai lầm nếu so sánh hiện tại với trước đây mà không hiểu bối cảnh lẫn điều kiện kinh tế.
Còn hiện nay, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế tri thức. Số lượng người lao động không còn là yếu tố quyết định nữa. Bạn có bao nhiêu người không quan trọng bằng chất lượng của họ ra sao. Ví dụ tiêu biểu là Ấn Độ với 1.4 tỷ dân, nhưng tổng GDP còn thua Nhật Bản với 125 triệu dân. Còn về GDP đầu người, Ấn Độ với $2,700, chỉ hơn Campuchia và thua Việt Nam.
Khi dân số được ăn học đầy đủ, họ sẽ đẻ ít lại, vì không có lý do gì để đẻ nhiều. Ở trong nước, ví dụ tiêu biểu là Sài Gòn. Tuy không có nghiên cứu cụ thể, nhưng một người bình thường có thể kết luận rằng, đó là vì Sài Gòn thu hút nhiều trí thức hơn.
Nhìn sang các nước khác, chúng ta cũng thấy điều tương tự. Đây là tỷ lệ sinh đẻ ở các nước phát triển:
- Nhật 1.30
- Hàn Quốc 0.81
- Singapore 1.12
- Pháp 1.83
- Đức 1.58
Phụ nữ khi được đào tạo và có sự nghiệp, họ sẽ không còn ưu tiên việc lập gia đình nữa. Nó sẽ làm cản trở kế hoạch cá nhân. Họ muốn đi du học, muốn đi nước ngoài, muốn mua nhà, và muốn thăng tiến. Sinh con sẽ không giúp ích gì cho điều này. Bạn có thể quan sát các cô gái được ăn học và đang có công việc tốt hiện nay, phần lớn đều chưa có con. Xu hướng này sẽ tiếp tục chứ không thay đổi.
Đây là điều đáng mừng. Vì sau hàng trăm năm phấn đấu, phụ nữ Việt Nam đã đạt được sự tự chủ và tìm lối đi cho riêng mình. Họ không còn bị gò bó bởi truyền thống như trước đây.
Nhưng về mặt phát triển kinh tế quốc gia, xu hướng này không khác gì một thảm họa vì các lý do đã nêu trên.
Thiếu niềm tin vào tương lai
Ngoài tiền và công việc, một yếu tố ngầm ít ai nói công khai chính là sự thiếu niềm tin. Ở đâu cũng có vấn đề và không có môi trường nào hoàn hảo. Nhưng vì nhiều lý do, giới trẻ Việt Nam, nhất là các cô gái trẻ, không cho rằng sinh con là điều tốt.
Đừng biến chủ đề này thành một thứ vĩ mô. Hãy đặt bản thân bạn vào vị trí của một cô gái trẻ có học thức. Khi nhìn xung quanh, bạn sẽ tự hỏi “Sinh con để làm gì. Sinh con thì được gì?” Trong khi:
- Học phí không ngừng tăng.
- Môi trường ô nhiễm.
- Thực phẩm bẩn khắp nơi.
- Giá nhà không ngừng tăng.
- Lương không đủ sống.
Sinh con thì phải cho nó một cuộc sống tốt đẹp. Nếu không thì sinh ra để làm gì?
Rất khó để chứng minh vì niềm tin chỉ là khái niệm tồn tại trong suy nghĩ của mỗi người. Nhưng nếu nói chuyện với nhau, bạn sẽ đưa ra câu trả lời tương tự.
Để khuyến khích phụ nữ đẻ
Chúng ta đã thấy vấn đề. Vậy, giải pháp là gì? Các nước phát triển khác đang khuyến khích phụ nữ đẻ bằng những phương pháp như sau.
- Miễn viện phí và học phí.
- Trợ cấp tiền sinh đẻ, tiền nuôi, và tiền sinh hoạt.
- Trợ cấp tiền nhà trẻ hoặc miễn phí.
- Thưởng tiền. Như Singapore thưởng $11,000 và Nhật thưởng $4,900 cho mỗi đứa trẻ.
- Trợ cấp thời gian nghỉ việc có lương để chăm sóc con. Như Thụy Điển cho cha mẹ 480 ngày nghỉ thai sản.
Nhưng bất chấp những khuyến khích đó, các cặp vợ chồng trí thức vẫn ngại đẻ. Đây vẫn là một thách thức cần được giải quyết.
Còn ở Việt Nam, chúng ta có thể làm tương tự. Nhưng e rằng, với GDP đầu người $4,000, rất khó để cung cấp những chương trình an sinh xã hội đủ tốt như Châu Âu.
Ở cấp cá nhân, bạn có thể trở thành những chàng trai tử tế để thuyết phục các cô gái sinh con. Nhưng một lần nữa, với những vụ tai tiếng như anh Jack và Decao, niềm tin đó đã biết mất. Việc này nằm ngoài tầm kiểm soát và quyết định cá nhân.
Đó là vì sao mình rất khâm phục những ai đang làm mẹ. Họ đang đóng góp cho sự sống còn của đất nước.
Suy cho cùng, đẻ hay không vẫn thuộc lựa chọn cá nhân. Mình không thể ép ai đẻ mặc dù rất thích trẻ em. Chỉ là trong tương lai, chúng ta phải đối mặt với hậu quả. Đó là, Việt Nam chưa giàu mà đã già.
Nguyễn Trọng Nhân, 02.8.2024