Vào cuối tháng 2.2024, một quá phụ 93 tuổi tên Ruth Gottesman đã hiến tặng $1 tỷ cho trường Y Học Albert Einstein, nơi bà ấy đang làm giáo sư. Không có mục đích gì, ngoài việc mong muốn miễn học phí cho các sinh viên của trường để thu hút thêm người giỏi làm bác sĩ. Nếu có lợi ích thì có lẽ là vào những ngày cuối cuộc đời, bà ấy chỉ muốn làm gì đó để tên tuổi mình được nhớ đến về sau.
Những trường hợp như trên nghe giống cổ tích nhưng nó không phải là hiếm. Thậm chí, đó là một trong nhiều cách các nhà tư bản trả ơn xã hội sau một sự nghiệp thành công.
Khi nhắc đến “Chủ nghĩa tư bản,” bạn nghĩ gì trong đầu? Nhớ lại, có lẽ bạn đã nghe qua mấy câu như:
- Tư bản làm con người ích kỷ
- Tư bản tăng khoảng cách giàu nghèo
- Tư bản bóc lột lao động
Nhưng liệu có đúng? Chủ nghĩa tư bản là xấu xa hay nó là cỗ máy giúp thúc đẩy thịnh vượng và sự tử tế giữa con người trong xã hội?
Hãy cùng suy luận.
Viện trợ quốc tế
- Chỉ riêng trong năm 2023, Mỹ đã chi hơn $61 tỷ cho các chương trình viện trợ quốc tế. Bao gồm hỗ trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo, và đào tạo nhân lực.
- Còn xét theo tỷ lệ quy mô kinh tế, Mỹ không phải là quốc gia đóng góp lớn nhất, mà là Thụy Điển với 0.88% GNI hoặc $5.5 tỷ.
Học bổng đào tạo
- Top 3 nước cấp nhiều học bổng cho sinh viên quốc tế là Mỹ, Anh, Pháp, và Đức. Có thể bạn đã biết đến Fulbright, chương trình đã giúp đào tạo vô số nhân sự quan trọng từ giáo dục, dân sự, kinh tế, cho đến xã hội. Chỉ riêng trong năm 2023, ngân sách đã là $287 triệu.
- Nếu đạt đủ tiêu chuẩn, bạn có thể đến Đức hay Pháp và học tập gần như miễn phí.
Còn nhiều chỉ số nữa nhưng nếu liệt kê thì sẽ không bao giờ hết. Tuy không muốn so sánh giữa các quốc gia. Nhưng trong các bảng xếp hạng về đóng góp cho viện trợ quốc tế, đào tạo nhân lực, và quyên góp từ thiện – những nước như Bắc Hàn và Cuba đang đứng ở đâu. Bạn sẽ khó mà tìm ra.
Chúng ta có thể tự tin nhận xét là chủ nghĩa tư bản làm con người tử tế hơn. Nhưng, nguyên nhân là gì?
Chủ nghĩa tư bản và xã hội
- Tư bản hoặc capital là vốn. Chủ nghĩa tư bản hay capitalism là hình thức sử dụng vốn. Áp dụng định nghĩa hiện đại, nó là hệ thống kinh tế cho phép con người tự do sử dụng vốn, tài sản, và tài nguyên để trao đổi với nhau.
- Không phải là khái niệm được chế tạo ra bởi một người đàn ông có râu. Đây là một ngộ nhận. Ông ta có lẽ là người phê bình nó nổi tiếng nhất.
- Từ “Tư bản” đã xuất hiện lần đầu trong tự điển Oxford vào năm 1854.
- Tuy có nhiều tranh cãi về nguồn gốc phát triển, nhưng phần lớn nhà phân tích đều đồng ý rằng sự ra đời của cuốn sách “Nguồn gốc của cải của các quốc gia” bởi Adam Smith vào năm 1776 là cột móc quan trọng. Trong cuốn sách đó, tác giả nêu ra quan điểm rằng tư nhân sẽ có động cơ phát triển hiệu quả hơn một cơ chế tập trung.
- Để làm giàu bền vững trong chủ nghĩa tư bản, bạn phải phục vụ người khác chứ không thể xâm chiến hay đánh cắp. Adam Smith lấy ví dụ của ông bán bánh. Ông ta muốn trở nên giàu có, nhưng để làm vậy, ông ta phải làm bánh thật ngon để thuyết phục bạn mua. Khi trao tiền, bạn được ổ bánh, còn ông ta được tiền. Sự cạnh tranh đã vô tình biến lòng ích kỷ thành tử tế, nhưng không phải vì muốn tốt cho người khác, mà vì lợi ích cá nhân.
Cộng với sự ra đời của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, chủ nghĩa tư bản đi từ lý thuyết sang thực thành ở cấp quốc gia. Những phiên bản trước đây ở Châu Âu đều mang tính trọng thương, giai cấp, và phong kiến. Có thể nói, Mỹ là nước tư bản đúng nghĩa đầu tiên khi đã ghi rõ quyền tự do cá nhân vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp. Khi giới hạn quyền lực nhà nước và để cho cá nhân tự do theo đuổi hạnh phúc, họ có thể phát triển dựa trên ý tưởng và làm giàu từ nó.
Đây là động cơ trái ngược hoàn toàn với cách làm giàu của các đế chế trước đây trong lịch sử.
Hy Lạp, La Mã, và Tây Ban Nha làm giàu bằng cách xâm chiếm lãnh thổ khác rồi nô lệ hóa địch thủ. Còn Mỹ, nếu có thể gọi là đế chế, làm giàu từ sự sáng tạo trí óc của con người.
Trong thị trường hiện đại, ngoài việc tạo sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nếu các doanh nghiệp muốn phát triển, họ phải chứng minh cho người khác thấy họ có trách nhiệm vỡi xã hội. Bao gồm trả lương thỏa đáng, cung cấp phúc lợi nhân viên, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường, đào tạo nhân lực, và quyên góp cho cộng đồng. Có thể họ làm vậy chỉ để tạo hình ảnh trước công chúng, nhưng, nó là một phần không thể thiếu vì mang lại điều tích cực và tọa cảm hứng cho xã hội.
Chủ nghĩa tư bản và an sinh xã hội
Ngoài nỗ lực tự nguyện của tư nhân, chủ nghĩa tư bản đã thành công trong việc thiết lập cơ chế an sinh xã hội. Khi có đủ sự thặng dư, xã hội đó bắt đầu tạo sự bình đẳng về cơ hội cho các thành viên.
Bao gồm giáo dục phổ thông miễn phí, y tế trợ cấp, hỗ trợ thất nghiệp, tiền thai sản, và vô số phúc lợi mà các nước đang phát triển coi là cổ tích.
Về mặt lý thuyết, một đứa trẻ dù sinh ra trong gia đình giàu hay nghèo vẫn có thể tiếp cận cơ hội để phát triển. Nó không phục thuộc và cha mẹ nó là ai.
Phú quý sinh lễ nghĩa
Nhưng nói trên chưa giải thích vì sao con người ở các nước tư bản lại hào phóng và tử tế hơn so với phần còn lại của thế giới. Một lần nữa, chúng ta chỉ có thể quan sát và đưa ra nhận định.
Chúng ta cũng có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa.”
Khi con người nghèo đói và thiếu thốn, họ trở nên ích kỷ vì phải cạnh tranh với nhau để tồn tại. Cho dù có lòng tốt, họ cũng không thể giúp đỡ lẫn nhau khi bản thân chưa ổn định. Đây là lẽ tự nhiên ở bất cứ nơi đâu.
Chủ nghĩa tư bản cho phép con người làm giàu. Khi họ đã đạt đến một mức độ thịnh vượng nào đó, họ sẽ cảm thấy dư thừa. Vì không còn bị thiếu thốn hay áp lực sinh tồn, họ có thêm thời gian để làm chuyện khác.
Khi đạt đến sự thành công nhất định, cái họ cần không phải là tiền nữa, mà là cảm giác khi làm điều có ích cho đời. Họ thích được người khác nhớ đến mình là một nhà hảo tâm. Họ cảm thấy vinh dự khi được báo chí khen ngợi là đã giúp đỡ người khác. Đó là vì sao các triệu phú và tỷ phú Mỹ thường xuyên làm từ thiện. Số tiền họ bỏ ra chỉ là một phần nhỏ của tài sản, nhưng nó mang lại danh tiếng và bảo tồn tên tuổi họ.
Nếu nhìn từ khía cạnh của người bình thường sống ở nước đang phát triển, chúng ta luôn hoài nghi và cho rằng họ có âm mưu gì đó. Vì “Ai mà rảnh tới độ đốt tiền để giúp đỡ người lạ?” Nhưng một khi bạn, một vùng đất nào đó, hay một quốc gia đã trở nên giàu có, thì cũng thèm muốn làm điều tương tự.
Ở Sài Gòn, sẽ không hiếm để thấy các thùng trà đá miễn phí hay quán cơm 0 đồng. Tất cả đều đến từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Không phải vì họ thượng đẳng hơn nơi khác, mà đó là di sản kinh tế thị trường để lại. Như nói trên, khi có được sự dư thừa, con người sẽ làm những điều có ích cho cộng đồng ngoài việc có lợi cho bản thân.
Điều này cũng ít nhiều giải thích vì sao Sài Gòn là cục nam châm thu hút người nhập cư từ khắp nơi đến. Con người nơi đây được thúc đẩy bởi tư bản, cái họ muốn là hiệu quả công việc. Vì vậy họ sẽ bỏ qua các định kiến và quản điểm chủ quan cá nhân để hợp tác với người lạ. Bạn là ai hay từ đâu đến không quan trọng bằng việc bạn làm được gì. Khi họ ít định kiến hơn, họ cũng sẽ mở lòng và tôn trọng người khác hơn.
Còn ở những nơi khác, bạn sẽ khó tìm thấy điều này. Không phải vì nơi đó tồi tệ, mà là vì thời gian va chạm với kinh tế thị trường ít hơn Sài Gòn.
Kết luận
Không phải ai sống trong môi trường tư bản cũng hào phóng, nhưng tất cả con người hào phóng đều sống trong môi trường tư bản. Cho nên đừng hoài nghi khi thấy một ai đó làm điều bạn cho là dư thừa. Nhiều lúc họ không có mục đích hay cũng không gắn liền với thuyết âm mưu nào, họ đóng góp vì nó khiến họ vui. Nếu không tin, bạn có thể tham gia dự án thiện nguyện nào đó.
Khác với kỳ vọng của một số nhà phân tích trước đây, chủ nghĩa tư bản không những không suy sụp mà còn tiếp tục phát triển. Vì đó là hướng phát triển tất yếu của xã hội. Con người không trở nên ích kỷ mà lại hiền hòa hơn. Thay vì coi nha là địch thủ, họ coi nhau là cộng sự để cùng phát triển.
Như câu “Phú quý sinh lễ nghĩa,” chủ nghĩa tư bản làm con người tử tế.
Nguyễn Trọng Nhân, 27.3.2024