Cứ mỗi lần thị trường bất động sản tăng giá, trên mạng xã hội sẽ tràn ngập tấm ảnh chế như sau.
- Trước đây cha mẹ bán miếng đất 200 triệu cho con học đại học. Sau 4 năm, con ra trường và đi làm lương 5 triệu. Còn miếng đất thì lên 10 tỷ.
- Cha mẹ bán miếng đất 5 tỷ cho con đi du học. Sau khi tốt nghiệp, con về nước đi làm. Còn miếng đất bây giờ trị giá triệu đô.
Có vài phiên bản khác nhau nhưng thông điệp như một. Đó là lương của cử nhân không đủ bù cho lô đất, nếu cha mẹ không bán thì đã là triệu phú đô la và đứa con đi làm cả đời cũng không thể mua lại.
Tuy chỉ là nội dung giải trí nhưng nó ít nhiều phản ánh thực tế xã hội hiện tại và mặc dù khó tin, ở ngoài đời cũng không khác tình huống miêu tả. Giá đất ngày càng tăng chóng mặt còn lương thì vẫn bèo bọt. Vậy bán đất để đi học làm gì trong khi chỉ cần ngồi không là có tiền.
Mình hoàn toàn hiểu vì sao nhiều người lại có quan điểm đó. Vì từ góc nhìn tài chính, việc học không khác gì một khoản đầu tư, cha mẹ là người cấp vốn, người học phải hoàn lại vốn và kiếm thêm lời. Theo quy luật tự nhiên, tiền sẽ chạy đến nơi có lãi cao nhất và nếu lỗ thì không đáng làm. Thậm chí, đó là sự lãng phí về tiền bạc và thời gian.
Nhưng sẽ là sai lầm tai hại nếu chúng ta suy nghĩ như vậy. Bởi vì tuy bạn coi nó là khoản đầu tư thu lời, nhưng cha mẹ thì không, họ có lý do khác.
Cách đây mười năm, gia đình của một người bạn của mình đã bán miếng đất trị giá 5 tỷ ở Sài Gòn để có tiền cho cô ta du học. Hành trình đó kéo dài nhiều năm từ Anh sang Mỹ và học phí không hề rẻ chút nào. Nhưng bà mẹ vẫn nhất quyết thực hiện để cô con gái của mình được đi đó đây và tìm kiếm cơ hội. Dù tốn rất nhiều tiền, nhưng đó chưa bao giờ là vấn đề, vì gia đình coi đây là khoản đầu tư để nuôi dưỡng một con người.
Mười năm sau, giá đất ở Sài Gòn như được bơm năng lượng nên bay vượt đỉnh. Lô đất kia bây giờ ước tính có giá ít nhất là 20 tỷ hay trên dưới tầm một triệu đô. Đừng ngạc nhiên hay nghĩ là phịa, bạn hãy tự tra mức tăng trưởng của nhà đất và tính coi có đúng không.
Gia đình đã bỏ lỡ cơ hội để sở hữu tài sản triệu đô để cô con gái được ăn học. Nếu nhìn từ bên ngoài thì sẽ có người trách thầm:
- “Phải chi để miếng đất đó thì giờ sướng rồi, ngồi không cũng có tiền.”
- “Ăn học gì cho phí tiền, lương còn thua lô đất.”
Nhưng nếu hỏi cha mẹ của cô bạn gái đó là “Có tiếc không?” thì câu trả lời là không bao giờ.
Vì sinh ra trong thời đất nước khó khăn nên họ hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của tri thức. Thiếu đi học thức, con người chỉ là cái xác khô vô hồn. Không có chữ nghĩa, một cá nhân sẽ không khác gì con vật chỉ biết sống qua ngày và không biết làm gì hơn.
Thay vì đắm chìm vào dĩ vãng thì hãy hỏi ngược lại. “Nếu cha mẹ không đầu tư cho con cái ăn học thì sao?”
Bạn sẽ có cuộc sống như con cún, chỉ chạy lòng vòng quanh nhà. Bạn sẽ không có kiến thức để tiến xa trong cuộc sống. Bạn sẽ trở thành bức tượng vô danh trong thế giới này. Bạn sẽ không thể tiến thân, không thể tiếp cận, không thể phát triển và không thể tự tìm hướng đi cho bản thân mình.
Nếu đưa cho một cọc tiền thì bạn cũng không biết làm gì với nó. Thay vì tìm cách để làm cho tiền đẻ ra tiền, bạn sẽ chỉ biết tiêu. Đến một lúc nào đó, tất cả sẽ trở về cát bụi.
Tiền chỉ có giá trị trong một xã hội của những con người biết dùng tài nguyên để biến ý tưởng thành sản phẩm. Vì nếu không, tiền chỉ là giấy và bạn là kẻ mắc kẹt trong khu ổ chuột tư tưởng.
Cái giá để đào tạo một con người là vô tận. Cho nên hai trăm triệu đồng, năm trăm triệu đồng hay một triệu đô là số tiền quá nhỏ.
Cha mẹ đã hy sinh để trao cơ hội và biến bạn thành cỗ máy sáng tạo. Điều tối thiểu bạn cần làm là tận dụng để góp ích không phải cho họ, cho xã hội mà là cho chính bạn.
Hãy cảm ơn họ. Vì đứa con là di sản của cha mẹ khi họ không còn tồn tại. Đó là khoản lời giá trị nhất từ khoản đầu tư vào con người.
Nguyễn Trọng Nhân | 17.5.2022