Cách mạng màu ở Việt Nam? Không thể nào

“Anh kia đang làm cách mạng màu”, “Trường Fulbright đang thực hiện cách mạng màu”, hay “Hãy cẩn thận với cách mạng màu” là vài trong vô số nhận xét bạn đã nghe trong thời gian gần đây.

Những người bị cáo buộc là các nhà bình luận, học giả, hay YouTuber. Đỉnh điểm của sự việc là khi trường Fulbright cũng nhắc đến. Mọi thứ chỉ dịu lại khi người phát ngôn của Bộ Ngoại Việt Nam trả lời như sau.

“Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng các hoạt động của Fulbright Việt Nam tiếp tục đóng góp thiết thực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.

Nghĩa là hoàn toàn không có chuyện trường Fulbright hay bất cứ cá nhân nào làm cách mạng màu. Nỗi sợ đó, hay đúng hơn là sự suy diễn đó, chỉ là nhận xét thiếu căn cứ của một số cá nhân. Khả năng cách mạng màu xảy ra ở Việt Nam là gần không.

Nhưng, cách mạng màu là gì? Đã là cách mạng, thì sao lại có màu?

Nó là thuật ngữ nhằm miêu tả các phong trào phi bao lực nhằm thay thế chính phủ ở một nước nào đó.

Bắt nguồn từ các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Mâu thuẫn xảy ra khi kinh tế trì trệ, người dân cảm thấy không hài lòng, và nhà nước điều hành không hiệu quả. Vì cảm thấy quá bế tắc, nên các cuộc biểu tình diễn ra.

  • Ở Nam Tư cũ vào năm 2000, người dân dùng xe ủi đất.
  • Ở Georgia vào năm 2003, người dân xông vào quốc hội với hoa hồng trong tay.
  • Ở Ukraine vào năm 2004, người dân vẫy cờ màu cam.
  • Ở Kyrgyzstan vào năm 2005, người dân dùng biển hiệu màu hồng.
  • Ở Bangladesh vào năm 2024, dù không dùng màu cụ thể nào, nhưng người dân đã ép thủ tướng phải từ chức.

Tuy khác về địa điểm và thời điểm, nhưng họ đều có điểm chung là dùng màu sắc để dễ nhận diện. Mong muốn lớn nhất của đám đông là nhà nước phải thay đổi chính sách để trở nên cởi mở và giống như các nước Phương Tây hơn.

Cách mạng màu không bao giờ đến từ sự ngẫu hứng hay diễn ra ngẫu nhiên. Theo các nhà phân tính, nó cần các yếu tố như sau.

  1. Tình hình kinh tế và xã hội quá tồi tệ. Bao gồm: tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát cao, tham nhũng tràn lan, và cơ hội làm việc quá ít.
  2. Bất mãn xã hội quá sức chịu đựng. Đó là khi người dân cảm thấy quá chán với nơi mình sống và mất hết niềm tin.
  3. Sự hỗ trợ của thế lực bên ngoài. Bao gồm tổ chức xã hội dân sự và tình báo quốc tế. Mục đích là thay thế người điều hành đất nước với một phiên bản thân thiện hơn.
  4. Sự thờ ơ của nhà nước trong giải quyết các vấn đề.

Khi tất cả cộng lại và xảy ra cùng lúc, nó tạo nền tảng cho cách mạng màu. Nhưng điều tương tự liệu có xảy ra ở Việt Nam? Trả lời ngắn gọn, không và không. Vì Việt Nam không phải là Nam Tư trong giai đoạn hậu Liên Xô, càng không có khủng hoảng kinh tế như Bangladesh.

  • Về kinh tế: Việt Nam đang là một nước có mức tăng trưởng GDP 6%, thuộc tốp đầu thế giới. Có thể là thu nhập và điều kiện sống chưa bao bằng Mỹ Âu, nhưng phần lớn người dân đều không chết đói. Các doanh nghiệp quốc tế coi Việt Nam là thị trường mới nổi và nơi sản xuất lý tưởng. Gần như không có dấu hiệu của khủng hoảng ở phạm vi lớn.
  • Về bất mãn xã hội: Đoạn này hơi nhạy cảm. Chúng ta nên định nghĩa thế nào là “Bất mãn”. Đây cũng chính là điều khiến nhiều người lầm tưởng. Sự bất mãn xã hội ở Việt Nam chỉ là chán nản với giá nhà, lương thấp, ô nhiễm, và quan liêu. Nhưng phần lớn người dân cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Khi có công việc ổn định và vô số kênh giải trí để tìm niềm vui, thì không có lý do gì để họ bất mãn ở quy mô lớn.
  • Về sự hỗ trợ của thế lực bên ngoài: Đây cũng là điều nhiều người hiểu sai. Việt Nam tuy có sự hiện diện của các tổ chức chính phủ nước ngoài, nhưng hình thức luôn là hợp tác song phương và đào tạo nhân lực. Ví dụ tiêu biểu nhất là trường Fulbright, vốn là một thành quả của mối quan hệ Việt-Mỹ. Vô số cán bộ Việt Nam đã được đào tạo thông qua chương trình này và hiện tại là ở trường Fulbright. Nội dung và chương trình giảng dạy đều được kiểm soát chặt chẽ.
  • Về sự thờ ơ của nhà nước: Khác với các nền cộng hòa chuối, Việt Nam vẫn là một đất nước có nhà nước điều hành và luật pháp. Có thể, nhiều người không đồng ý, nhưng phần lớn người dân thì không cảm thấy vấn đề gì.

Trên hết, người Việt Nam hiện nay có quá nhiều lựa chọn trong việc sinh sống. Nếu ở quê thiếu việc, bạn có thể đi làm ở thành phố. Nếu muốn tìm môi trường khác, bạn có thể đi nước ngoài. Không có ai ngăn chặn bạn. Ngược lại, điều đó được khuyến khích vì chúng ta đang sống trong thế giới phẳng. Đến bất cứ thành phố lớn nào như Sài Gòn hay Hà Nội, bạn sẽ thấy ngày càng nhiều người nước ngoài đến sinh sống. Cho thấy sức hút của nền kinh tế.

Dựa trên các yếu tố trên, sẽ là hoang tưởng nếu nghĩ sẽ có cách mạng màu diễn ra ở Việt Nam. Nói vậy không phải để chê hay khen bên ngoài, mà chỉ ra thực tế.

Cho nên, các cáo buộc về cách mạng màu, nhất là đối với trường Fulbright, là vô căn cứ. Khả năng cách mạng màu xảy ra ở Việt Nam là gần không.

Nguyễn Trọng Nhân, 28.8.2024