Buffett không thích vàng, ông ta đúng hay sai

Buffett không thích vàng, ông ta đúng hay sai

Khi nói về đầu tư, khó ai có thể qua mặt được Warren Buffett về sự thành công và mức độ ảnh hưởng. Cho nên khi người đàn ông này trình bày quan điểm cá nhân về bất cứ điều gì, thì rất khó để nói ngược lại. Là một người ngưỡng mộ biểu tượng đầu tư này, tôi cũng vậy.

Buffett không thích vàng. Trong mắt ông ta, vàng là một cái gì đó không có giá trị và không mang lại lợi ích. Đây là nguyên văn.

“Gold gets dug out of the ground in Africa, or someplace. Then we melt it down, dig another hole, bury it again and pay people to stand around guarding it. It has no utility.”

“Vàng được đào lên khỏi mặt đất ở Châu Phi hay một nơi nào đó. Chúng ta nấu chảy nó, rồi đào một cái hố khác, chôn nó xuống, rồi lại trả tiền để ai đó đứng gác giữ. Nó không có tính hữu ích gì.”

Để hiểu vì sao ông ta lại có quan điểm đó thì bạn phải xem xét môi trường và triết lý đầu tư.

MÔI TRƯỜNG | Buffett sinh ra ở Mỹ, một cường quốc kinh tế, nơi có đồng dollar là tiền dự trữ của thế giới. Kể từ sau thế chiến thứ hai, những thỏa thuận trong Hội Nghị Bretton Woods đã gắn kết vàng với dollar Mỹ để rồi đồng tiền này thống trị. Kèm với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, mặc dù Nixon đã bỏ bản vị vàng vào năm 1971, nhưng thế giới vẫn dùng USD để dự trữ và giao thương.

Lớn lên trong thời kỳ siêu thịnh đó, thật không khó để khẳng định rằng đồng dollar Mỹ là bất diệt, còn vàng là vật không cần thiết.

Nhưng điều đó chỉ đúng ở Mỹ Âu chứ không phải toàn thế giới. Ở những quốc gia có nền kinh tế và chính trị bất ổn, thì người dân lại mất niềm tin vào tiền giấy. Trong cơn khủng hoảng thì họ đặt niềm tin vào vàng và dùng nó để giao dịch.

Khác với tiền giấy, chính phủ không thể in được vàng. Chính vì điều đó, nên người ta mới sử dụng thay cho tiền quốc gia. Những quốc gia như Việt Nam, Venezuela, Trung Quốc hay Ấn Độ đều đã trải qua giai đoạn thăng trầm trong lịch sử. Người ta đã chứng kiến tiền của mình trở nên vô dụng khi siêu lạm phát tiêu diệt giá trị. Cho nên họ dùng vàng.

Buffett vì chưa bao giờ có trải nghiệm đó nên không thấy vai trò của vàng là điều dễ hiểu.

TRIẾT LÝ ĐẦU TƯ | Buffett chia các tài sản đầu tư thành ba loại. Đó là tiền, tài sản phi sản xuất nhưng tăng giá và tài sản sản xuất.

  1. Tiền hoặc những thứ dựa trên tiền. Đó là tiết kiệm ngân hàng, cho vay, trái phiếu nhà nước và trái phiếu chính phủ. Những thứ dựa trên tiền quốc gia và bạn có thể quy đổi nhanh chóng.
  2. Tài sản phi sản xuất nhưng có thể tăng giá. Đó là đất nông nghiệp, bạc hay thép. Những thứ không tạo ra gì nhưng có thể tăng giá vì ai đó sẽ mua lại ở mức cao hơn.
  3. Tài sản sản xuất. Đó là những cổ phiếu, đại diện cho cổ phần của doanh nghiệp, hay căn nhà cho thuê. Nó phải tạo ra cái gì đó, như Apple tạo ra iPhone hay Boeing tạo ra máy bay.

Dựa trên những nguyên lý đó, Buffett cho rằng vàng không phải là đầu tư vì nó không tạo ra gì. Khi nắm thì bạn chỉ có thể trông chờ người khác mua lại ở giá cao hơn. Một kg vàng sau chục năm vẫn chỉ là một kg vàng. Nếu là cổ phiếu của công ty đào vàng thì lại khác, vì lúc này nó là cơ sở sản xuất, còn vàng thôi thì không.

KẾT LUẬN | Vậy thì Buffett đúng hay sai khi nói vàng vô dụng?

Nếu Buffett lớn lên ở Việt Nam hay sinh ra ở Châu Phi thì có lẽ sẽ có quan điểm khác về vàng. Khi ông ta thấy người dân dùng vàng để tích lũy và giao dịch thì sẽ nhận ra rằng nó cũng là một loại tiền.

Khi ông ta nghe những câu chuyện của những người giấu vàng dưới đất trong thời chiến tranh thì sẽ hiểu rằng nó có tính năng duy trì giá trị. Vàng là tài sản từ ngàn xưa đến nay không phải vì sự ngẫu nhiên mà là tính hữu dụng của nó.

Khi ông ta chứng kiến siêu lạm phát như ở Venezuela thì sẽ thấy người dân dùng vàng thay cho tiền quốc gia, vì trong lúc đó, vàng chính là tiền.

Môi trường ảnh hưởng đến quan điểm và triết lý. Buffett không sai, nhưng chỉ đúng với môi trường ở Mỹ chứ không phải ở những nơi khác.

Buffett vẫn là một trong những nhà đầu tư vĩ đại, và vàng vẫn là tài sản đối với những ai đang sử dụng nó.

Nguyễn Trọng Nhân | Bóc Phốt Tài Chính, 24.3.2022