Bảo hiểm là gì? Công cụ phân chia rủi ro và ổn định xã hội

Bảo hiểm là gì? Công cụ phân chia rủi ro và ổn định xã hội

Bảo hiểm có lẽ là một sản phẩm nhiều người có cái nhìn không thiện cảm, nhưng lại được sử dụng phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định xã hội.

Ở Việt Nam, khi nhắc đến bảo hiểm thì đa số người sẽ nghĩ đến Bảo Hiểm Nhân Thọ. Lý do là họ có đội ngũ sales lớn nhất cũng như được quảng cáo thường xuyên. Nhưng nó chỉ là một phần nhỏ của bảo hiểm.

Chúng ta sử dụng bảo hiểm hằng ngày mà không hề hay biết. Từ lúc ngủ dậy, chạy xe đến công ty, đi học, đi du lịch hay đơn thuần là khi làm việc.

Bạn đã hình dung ra chưa?

Nếu bạn đang đi học thì khả năng cao là đang có bảo hiểm y tế. Nếu đi làm thì đang tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu có xe hơi thì phải mua bảo hiểm xe. Nếu đi du lịch thì sẽ có bảo hiểm tai nạn. Nếu sở hữu nhà thì đa số sẽ có bảo hiểm nhà. Còn nếu bạn muốn đầu tư cho hưu trí thì sẽ mua bảo hiểm nhân thọ.

Gần như ai trong chúng ta cũng dùng. Vậy bảo hiểm là gì? Có nhiều định nghĩa, nhưng chúng ta có thể hiểu như sau.

  1. Bảo hiểm là một cách để chúng ta góp tiền chung với nhau để bảo vệ bản thân trong trường hợp gặp tai nạn.
  2. Bảo hiểm là hình thức phân chia rủi ro sang nhiều mảnh hay nhiều người, để không ai phải gánh tất cả.
  3. Bảo hiểm là hình thức để bảo vệ bản thân trước sự cố nào đó không thể lường trước được.
  4. Bảo hiểm là mình hùn vốn với nhiều người, để khi ai đó bị gì thì sẽ được bồi thường.

Để hiểu cách bảo hiểm vận hành thì chúng ta cần biết một chút về lịch sử của nó.

Vào thời thuộc địa của thế kỷ mười bảy, các thương nhân ở Anh Quốc muốn đưa thuyền đến nhiều nơi giao thương để kiếm tiền. Nhưng có vấn đề là đi thuyền rất rủi ro. Nào là cướp biển, bão cho đến thiệt hại hàng hóa. Nguy cơ mất trắng số vốn bỏ ra là cực cao.

Thế là họ nghĩ ra cách này. Họ họp lại và thành lập một liên doanh để phân chia rủi ro.

  1. Những ai muốn đầu tư đi thuyền để làm thương mại phải góp tiền vào một quỹ.
  2. Nếu chuyến đi đó thành công thì họ sẽ lời từ việc mua bán hàng hóa.
  3. Nhưng nếu chiếc thuyền bị chìm hoặc cướp thì họ sẽ được đền bù bằng tiền của quỹ.
  4. Điều này giúp loại bỏ khả năng mất trắng vốn đầu tư. Dù thành công hay thất bại thì họ vẫn được tiền.
  5. Từ đó, người Anh dám mạo hiểm đi thuyền khắp trái đất để giao thương vì rủi ro đã được loại bỏ.

Đó là sự hình thành nổi tiếng nhất của hình thức bảo hiểm. Bây giờ cái tên Lloyd’s Of London vẫn còn tồn tại ở thủ đô nước Anh như một biểu tượng.

Bạn còn khó hiểu không. Thử áp dụng nó với các mảng khác xem.

Như xe hơi. Bây giờ nếu muốn lái xe hơi thì bạn phải mua bảo hiểm. Để khi bạn lỡ đụng ai đó hay gây ra tai nạn thì không phải đề bù toàn bộ số tiền, vì nó có thể tốn gấp trăm lần thu nhập. Nguy cơ cao là bạn sẽ phá sản. Bạn trả một số tiền nhỏ hàng năm để đóng bảo hiểm, nếu có vấn đề gì thì bảo hiểm sẽ đề bù thiệt hại.

Đó là vì sao ở những nước văn minh, khi đụng xe, họ sẽ hỏi thăm và xin số bảo hiểm chứ không cãi lộn hay đánh nhau. Sự hiện diện của bảo hiểm làm con người tử tế hơn vì nó loại bỏ rủi ro khi tham gia giao thông.

Trong y tế cũng vậy. Chúng ta đóng bảo hiểm y tế để sau này lỡ bệnh thì không phải trả toàn bộ số tiền, vốn có thể lên đến hàng tỷ đồng. Mỗi năm, mỗi người đóng vài triệu đồng, số tiền đóp được quản lý chung trong một cái quỹ, để rồi khi ai đó bị tai nạn thì quỹ đó sẽ đền bù. Vì có bảo hiểm nên chúng ta sống an tâm hơn mà không sợ phá sản nếu bệnh tật.

Bảo hiểm, hay hình thức góp tiền chung và phân chia rủi ro, đã giúp hình thành xã hội hiện đại. Vì nếu không có thì chúng ta sẽ hoang mang, lo sợ và trở nên đánh đá vì phải đối mặt với số tiền đền bù quá lớn.

Nếu nhà bị ngập lụt thì giá trị tài sản được đảm bảo. Nếu thất nghiệp thì không chết đói. Nếu qua đời sớm thì gia đình không mất tiền ăn.

Xét về mặt đạo đức, nó là cách con người gián tiếp giúp đỡ lẫn nhau mà không cần phải biết mặt nhau. Người trẻ phụ người già, người khỏe mạnh giúp người tàn tật, doanh nghiệp ổn định hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn và người xa lạ chia sẻ với nhau.

Con người tử tế vì gắn kết lẫn nhau. Đó là vai trò của bảo hiểm.

Nguyễn Trọng Nhân | Bóc Phốt Tài Chính | 01.3.2022