Bàn về miễn học phí

Trong phiên họp ngày 28 tháng 2 vừa rồi, Bộ Chính Trị đã đưa ra quyết định miễn học phí cho tất cả học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông, trên toàn quốc. Chính sách này sẽ có hiệu lực từ tháng 9 năm 2025, khi năm học mới bắt đầu.

Tuy nhiên, nó có vấn đề. Học phí chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tiền cha mẹ phải trả khi nuôi con ăn học. Nhưng, chúng ta sẽ bàn về điều đó sau.

Bây giờ, hãy vui mừng, bởi vì đây không chỉ là một chính sách, mà là một bước tiến quan trọng. Mục đích là tạo cơ hội cho tất cả, cải thiện chất lượng giáo dục, và bảo đảm sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam cuối cùng cũng đã bắt kịp các nước tiên tiến về tư duy quản lý giáo dục.

Bài viết này nhằm giải thích khái niệm miễn học phí, lịch sử của nó, quá trình dẫn đến quyết định, và thực trạng về học phí.

Tại sao các nước tiên tiến lại miễn học phí?

Trước tiên, không có gì là miễn phí. Tất cả đều được chi trả bằng ngân sách nhà nước và nó đến từ tiền thuế của người dân. Khi chúng ta đi làm hay mua sắm, một phần sẽ được trích để gửi vào ngân sách. Số tiền đó sẽ được dùng để vận hành cơ quan hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, và chi trả cho các phúc lợi xã hội.

“Miễn phí” chỉ là thuật ngữ phổ thông dùng để miêu tả khái niệm. Khi đi học, bạn không cần phải đóng phí, vì chi phí đó đã được chi trả bởi tiền thuế rồi, và làm một phần của quyền lợi công dân.

Nhưng, tại sao lại làm như vậy. Động cơ đằng sau giáo dục miễn phí là gì? Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là để:

  • Tạo công bằng cơ hội.
  • Xây dựng lực lượng lao động thông thái.
  • Không phân biệt giàu nghèo.

Cuộc sống không bao giờ công bằng và xã hội luôn có người giàu và nghèo. Ở chế độ phong kiến, sự khác biệt giữa tầng lớp bần nông và quý tộc là quá rõ ràng. Nếu bạn sinh ra là con nhà nông, cơ hội để bạn vươn mình là gần không.

Vào thế kỷ 19, chính xung đột giai cấp này đã tạo ra khe hở để một hệ tư tưởng cào bằng cực đoan ra đời. Khi tầng lớp bần nông không tìm thấy cơ hội hay niềm tin, họ sẽ cảm thấy bất mãn và nổi dậy.

Ví dụ tiêu biểu của cơn phẫn nộ này là ở Đế Chế Nga vào thế kỷ 19. Theo tài liệu, trong dân số 62 triệu dân, 23 triệu người thuộc tầng lớp nông nô. Họ phải sống tạm trên mảnh đất của mình suốt đời và không có cơ hội nào để thoát nghèo.

Khi sự phẫn nộ đó lên đến đỉnh điểm, kèm với chiến tranh và nạn đói, đám đông ở Nga giao niềm tin cho hệ tư tưởng cực đoan, dẫn đến sự sụp đổ của Đế Chế Nga và bắt đầu của cuộc thí nghiệm xã hội tai hại.

Nhìn thấy rủi ro đó, các nhà lãnh đạo Tây Âu chợt nhận ra rằng, nếu muốn bình ổn xã hội và có được tầng lớp dân chúng thông thái, họ phải bắt đầu với giáo dục miễn phí. Đây cũng là chủ trương mà gần như tất cả lãnh đạo và đảng phái đều đồng ý.

Khi tầng lớp bần nông được ăn học, họ sẽ tự thoát nghèo. Khi các thanh niên có tri thức, đất nước sẽ có lực lượng lao động chất lượng cao. Đổi lại, các nhà cai trị sẽ không còn phải lo sợ về xung đột xã hội vì người dân hài lòng với cuộc sống của mình.

Giáo dục miễn phí chỉ tạo cơ hội cơ bản, chứ không thể nào bảo đảm chất lượng đồng đều cho tất cả. Bạn không thể bảo đảm tất cả sẽ có kết quả giống nhau, nhưng có thể bảo đảm tất cả có sự khởi đầu như nhau.

Phương Tây miễn học phí khi nào?

Với tư duy đó, các nước Phương Tây lần lượt đưa ra chính sách miễn học phí. Sau đây là vài ví dụ.

  • Pháp: Bộ luật Jules Ferry 1881 đã biến giáo dục thành quyền lợi công dân, khi miễn học phí ở các trường công lập. Cho đến bây giờ, chính sách này vẫn còn và được áp dụng trên toàn hệ thống, từ tiểu học cho đến đại học.
  • Mỹ: Sau khi cuộc nội chiến kết thúc vào năm 1865, một số tiểu bang ở Mỹ đã từng bước một thực hiện chính sách miễn học phí và điều này tiếp tục cho đến bây giờ.
  • Úc: Vào năm 1872, chính quyền bang Victoria đã thông qua Bộ Luật Giáo Dục, để thiết lập hệ thống trường công miễn phí cho tất cả. Điều này tiếp tục cho tới tận bây giờ.

Các nước khác như Thụy Điển, Canada, hay Đức đều có chính sách tương tự. Chỉ khác thời điểm bắt đầu. Rộng hơn, một số nước còn có chính sách đại học miễn phí và trợ giá học phí đại học. Đó là chủ đề khác.

Lịch sử học phí Việt Nam

Học phí vào thời phong kiến

Vậy còn Việt Nam thì sao? Chúng ta đã có quá trình gì? Đây là một chủ đề rộng. Có quá ít tư liệu cho nên thông tin không chính xác.

Vào thời phong kiến, nước ta chưa có một hệ thống giáo dục tập trung như bây giờ. Trường công đầu tiên có lẽ là Văn Miếu ở kinh đô Thăng Long, được xây vào năm 1070 vào thời Lý Thánh Tông. Đây là nơi học tập của con cháu tầng lớp quý tộc và quan lại. Sau này, các triều đại khác bắt đầu xây dựng trường công ở cấp địa phương.

Ngoài trường công, các trường tư nhân cũng được phát triển. Gọi đúng hơn là các lớp tư nhân ở cấp làng xã. Mỗi chỗ sẽ có ông giáo để dạy cho con em trong làng. Cha mẹ trả học phí tùy vào lòng hảo tâm. Đôi khi, họ tặng gạo, thịt, và rượu thay cho học phí.

Học phí vào thời Pháp thuộc

Vào thời Pháp thuộc, nước ta trải qua vài lần cải cách giáo dục. Trong giai đoạn 1917 đến 1945, hệ thống được chia thành 3 cấp từ tiểu học đến trung học. Theo tài liệu tham khảo, học phí dao động từ thấp cho đến miễn phí, đúng với tinh thần của người Pháp. Nhiều nhân vật tiêu biểu cũng được đào tạo trong thời này. Bao gồm nhà thơ Nguyên Sa và nhạc sĩ Phạm Duy.

Học phí vào thời chế độ Sài Gòn cũ

Theo các tư liệu, giáo dục vào thời chế độ Sài Gòn cũ, từ năm 1954 đến 1975, là miễn phí. Đây cũng là một tư duy từ nước Pháp, vốn được tiếp tục. Theo lời kể của những người sống qua giai đoạn này, học sinh đi học không phải đóng khoản tiền nào. Không những vậy, họ còn được cung cấp sữa và đồ ăn. Cấp đại học cũng vậy, sinh viên được miễn học phí và nhiều người được nhận trợ cấp học tập. Giai đoạn này đã cho ra đời những tài năng như Trịnh Công Sơn và Nguyễn Ngọc Ngạn. Thậm chí, không ít trí thức Việt Nam có cơ hội ăn học và thành tài nhờ chính sách giáo dục miễn phí.

Học phí Việt Nam hiện nay

Hiện tại, mặc dù một số địa phương đã miễn học phí, nhưng đa số vẫn còn. Đây là mức học phí ở Sài Gòn để tham khảo.

  • Nhà trẻ: 200,000đ/tháng
  • Tiểu học: 60,000đ/tháng.
  • Trung học cơ sở: 60,000đ/tháng.
  • Trung học phổ thông: 120,000đ/tháng.
  • Đại học: vài triệu cho đến trăm triệu đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, từ tháng 9.2025, sẽ không còn học phí ở cấp 1 đến cấp 3 nữa. Như đã nói, Bộ Chính Trị đã ra quyết định miễn học phí trên toàn quốc.

Thực tế về học phí

Tuy nhiên, nếu vậy thì sẽ không còn gì để nói. Mặc dù miễn học phí, nhưng các phụ huynh vẫn cảm thấy lo lắng, bởi vì học phí chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tiền họ phải tốn khi nuôi con ăn học. Miễn học phí ở đây là miễn phần học phí chính thức, mỗi năm khoảng 1 triệu đồng cho mỗi học sinh.

Ngoài phần học phí đó ra, nhiều trường có phụ thu. Bao gồm: tiền học tiếng Anh, tiền máy lạnh, tiền bồi dưỡng, tiền ăn, tiền cơ sở vật chất, tiền trông trẻ, hay tiền nước uống.

Cộng tất cả những khoản phụ thu đó sẽ thành vài triệu đồng mỗi tháng. Việc một cha mẹ ở Sài Gòn chi hơn chục triệu mỗi tháng cho con mình học tập là điều bình thường. Báo chí gọi là “Lạm thu” hoặc “Loạn phụ thu.”

Không những vậy, nhiều gia đình còn phải cho con em đi học thêm và học ở trung tâm, vì thời gian trên lớp quá ít nên không đủ. Nếu không học thêm, con em họ sẽ không thể bắt kịp chương trình. Nỗi lo của các cha mẹ bây giờ là liệu nhà trường có tăng phần phụ thu hay không và tăng bao nhiêu.

Để kết luận, chúng ta nên vui khi đã học hỏi các nước tiên tiến về giáo dục. Dù đi sau các nước tiên tiến cả trăm năm, nhưng thà trễ còn hơn không bao giờ. Cho nên, miễn học phí là điều đáng mừng, nhưng học phí chỉ là một phần nhỏ. Còn những khoản khác thì vẫn phải đóng nhưng không được gọi là học phí.

Nguyễn Trọng Nhân, 12.3.2025

Leave a Comment