Bàn tay vô hình của Adam Smith ở Việt Nam

Vào ngày chín tháng tám năm hai không hai mươi hai vừa rồi, mình bắt chuyến GoJek từ đường Nguyễn Tri Phương đến Vạn Hạnh Mall. Khi thấy xe đến, mình bước ra ngoài.

Anh tài xế, điển trai như một tài tử xứ Hương Cảng trong cái khẩu trang màu xanh nhạt, bất ngờ hỏi:

  • “Anh Trọng Nhân hả. Em có theo dõi anh trên Facebook. Không ngờ gặp anh ở đây, tưởng anh đang ở miền Trung.”

Hơi sốc nhưng mình vẫn giữ bình tĩnh để trả lời:

  • “Anh mới về tuần trước. Miền Trung nắng cháy người. Đi đâu thì cũng quay lại Sài Gòn thôi.”

Sau bảy phút thì xe đến Vạn Hạnh, mình tháo nón đưa lại cho anh ta và chụp tấm lưu kỷ niệm. Tiền thì được trừ tự động trên app.

Mình với chàng trai đó là hai người xa lạ, không ai quen biết nhau. Nhưng bằng một phép màu nào đó, cả hai đều hưởng lợi ích bằng cách phục vụ lẫn nhau. Mình cần được di chuyển nhưng không có xe, còn anh ta có xe và cần khách.

Có thể chúng ta đã quá quen với một giao dịch thương mại như vậy hằng ngày nên ít khi nào nghĩ đến. Nhưng khi suy ngẫm, đó thực sự là một điều kỳ diệu của kinh tế thị trường.

Năm 1776, Adam Smith cho ra đời cuốn “Sự thịnh vượng của các quốc gia.” Một trong những khái niệm trong tuyệt tác đó được quảng bá nhiều nhất là thuyết “Bàn tay vô hình.”

Nó không phải là bàn tay bạn dùng mỗi ngày để viết hay cầm đồ, mà nó đại diện cho động cơ để làm giàu của mỗi cá nhân và tư lợi.

Thực tế, khái niệm đó bắt đầu trong cuốn “Thuyết về tình cảm đạo đức.” Nó như sau.

“Những cá nhân giàu có theo đuổi mục đích riêng, thuê người khác để làm việc cho mình, được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình để chia sẻ những lợi ích một cách công bằng.”

Nguyên văn thì dài hơn và được viết bằng tiếng Anh của thế kỷ mười tám, nó hơi khó hiểu nhưng ý nghĩa thì không thể xa lạ.

Nếu dịch sang tiếng Việt thì có thể sẽ là:

“Những ai đang theo đuổi mục đích riêng trong nền kinh tế, đang được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình để phục vụ người khác và cùng chia sẻ lợi ích chung.”

Nghĩa là nếu bạn muốn làm giàu trong nền kinh tế thị trường, thì bạn phải là người phục vụ bằng cách cung cấp dịch vụ hay sản phẩm cho người khác. Dù là ổ bánh mì, tô bún, buổi học tiếng Anh hay cuốc xe từ đầu đến cuối phố.

Chủ quán phở bán phở không phải vì lòng thương, ông ta còn thậm chí không quan tâm đến sự tồn tại của bạn trên đời, bạn còn sống hay không thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Mục đích của ông ta là kiếm thật nhiều tiền. Nhưng không thể bằng cách cướp hay cưỡng chế người khác. Ông ta phải thức khuya dậy sớm để nấu nồi nước lèo, mua thịt bò, lặt rau và đưa hết tâm huyết của mình vào một tô Tái hay Nạm.

Còn bạn thì cũng không cần biết quán kia từ đâu ra, người nấu từ đâu đến và mục đích của chủ là gì. Bạn chỉ muốn ăn một tô phở cho no bụng để có năng lượng để bắt đầu buổi sáng làm việc.

Từ xa lạ, con người vô tình trở thành đối tác và cộng sự của nhau thông qua những giao dịch kinh tế. Từ sự ích kỷ chỉ muốn lo cho bản thân, con người được thúc đẩy để phục vụ lẫn nhau để tồn tại và làm giàu.

Chúng ta có thể ghét nhau vì bất đồng quan điểm, nhưng quá bận nên không ai rảnh để hỏi coi ở chỗ nào. Bạn cuồng ca sĩ nào đó, còn người kia lại dị ứng. Nhưng không sao, điều đó không ngăn chặn sự ích kỷ biến thành tử tế.

Bây giờ bạn nhận ra chưa? Mỗi lần bạn muốn kiếm tiền chân chính thì đang được thúc đẩy bởi một động cơ nhân hậu nào đó. Trừ kẻ cướp ra thì tất cả đều phải trở thành người hầu của nhau.

Nếu còn sống, Adam Smith sẽ phì cười khi thấy thuyết của mình được áp dụng khi sáng ăn tô phở tái, rồi bắt chuyến xe công nghệ quanh Sài Gòn, và tối đi ăn ốc vỉa hè. Tất cả được thiết lập bởi hàng triệu cá nhân xa lạ từ khắp nơi kéo đến, ai cũng theo đuổi lợi ích riêng nhưng vô tình giúp đỡ nhau.

Để rồi từ đó, con người dần trở nên bao dung và rộng lượng. Không phải vì bị một sắc lệnh thép nào đó ép buộc, mà vì tư lợi được thúc đẩy bởi bàn tay vô hình.

Nguyễn Trọng Nhân, 12.8.2022