Abraham Lincoln và bài học về hòa hợp hòa giải

Đây là bài học về hòa hợp hào giải dân tộc tiêu biểu nhất, được gắn liền với tên tuổi của cố tổng thống Mỹ, Abraham Lincoln. Nước Mỹ hiện này là một siêu cường quốc. Nhưng ít ai biết rằng cách đây gần hai thế kỷ, Mỹ đã bị chia đôi bởi một cuộc nội chiến.

Lý do cho mâu thuẫn này rất dễ hiểu:

  • Miền Bắc, hay phe Union, cho rằng tất cả con người đều bình đẳng và nô lệ không thể có chỗ đứng trong xã hội hiện đại.
  • Ngược lại, phe miền Nam, hay Confederate, cho rằng một nhóm người thượng đẳng hơn và nô lệ là lẽ tự nhiên.

Vì bất đồng, một số bang miền Nam đã ly khai, còn miền Bắc không thể chấp nhận, và cuộc chiến bắt đầu. Sau hơn 4 năm tương tàn, 600,000 binh sĩ nằm xuống, và một lý tưởng xém bị tiêu diệt, nước Mỹ đã tìm hòa bình trở lại.

Vào ngày 9 tháng 4, năm 1865, tướng Robert E. Lee thay mặt cho phe Liên Minh Miền Nam, đã đầu hàng. Chấm dứt chuỗi ngày đau thương. Mặc dù chỉ là một cuộc nội chiến, nhưng di sản Lincoln để lại là một bài học về đối nhân xử thế cho tất cả.

Vào thời điểm đó, khi một bên đầu hàng, họ sẽ bị trả thù bởi phe chiến thắng. Napoleon sau khi đánh bại đối thủ, ông đã biến các lãnh thổ thua cuộc thành chư hầu. Các đế quốc Châu Âu khác sau khi đánh bại đối thủ, đều ít nhiều nô lệ hóa dân chúng và khai thác tài nguyên. Đó gần như là quy luật từ ngàn xưa. Mạnh thắng yếu thua và bên thua sẽ bị khuất phục.

Thay vì đàn áp các binh sĩ đã buông súng, thay vì làm nhục các tướng tá đã đầu hàng, và thay vì bóc lột tài nguyên của lãnh thổ thua cuộc, thì không có chuyện gì xảy ra. Một số lãnh đạo cực đoan đã lên án Lincoln: “Tại sao chúng ta không trừng phạt họ sau tất cả những gì họ đã gây ra?”

Nhưng Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ không phải là một đế quốc và Lincoln không phải là một hoàng đế. Các vị tướng tá miền Nam đến đầu hàng được chào đón trong danh dự. Họ bắt đầu với cái bắt tay và hai bên ngồi xuống, không phải với tư cách là bên thắng hay thua cuộc, mà là các công dân chung một nước. Các tướng tá thua cuộc được giữ chức vụ, giữ súng, và ra về. Từ đó, Mỹ bắt đầu hòa hợp hòa giải dân tộc bằng cách tái sáp nhập các tiểu bang và xây dựng lại đất nước.

Với Lincoln, làm nhục phe thuộc cuộc chưa bao giờ là cách để xây dựng hòa bình, và đàn áp không thể nào là cách để chinh phục lòng người. Trong mắt ông, không có người miền Bắc hay miền Nam, bởi vì khi một người lính nằm xuống, có một người mẹ ở đâu đó đang than khóc. Hay khi một công dân bị làm nhục, nó là nỗi xấu hổ cho một quốc gia.

Ông đã nói rõ điều này trong lời phát biểu tại Gettysburg vào ngày 19 tháng 11, năm 1863. Sau trận đánh mang tính quyết định tại vùng đất cùng tên. Ông ấy đã để lại một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất trong lịch sử. Bây giờ, chúng ta gọi là bài diễn văn Gettysburg. Nó như sau:

“Tám mươi bảy năm trước, ông cha ta đã thiết lập trên châu lục này, một quốc gia mới, tạo ra trong tự do, và trên lý tưởng rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng.

Bây giờ, chúng ta có một cuộc nội chiến đau thương, thử thách liệu rằng quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được xây trên lý tưởng tương tự, có thể tồn tại hay không. Chúng ta đứng trên một bãi chiến trường đẫm máu của cuộc chiến đó. Chúng ta đến đây để biến một phần của bãi chiến trường này, trở thành nơi yên nghỉ cuối cùng cho những ai đã hy sinh để cho quốc gia này có thể tồn tại. Đây là điều đúng đắn chúng ta cần phải làm.

Nhưng, nhìn rộng hơn, chúng ta không thể dâng hiến, chúng ta không thể thánh hiến mảnh đất này. Chính những chiến sĩ dũng cảm, dù đang sống hay đã chết, những người đã chiến đấu ở đây, mới mang lại ý nghĩa cho nó, hơn hẳn những gì chúng ta có thể làm được.

Thế giới sẽ không quan tâm, cũng không nhớ chúng ta nói gì ở đây, nhưng sẽ không bao giờ quên được họ đã làm được gì. Việc của chúng ta, những người đang sống, là tiếp tục sứ mệnh mà họ đã hy sinh để thúc đẩy.

Bây giờ việc của chúng ta là tiếp nối, những điều mà các chiến sĩ đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng, mong muốn rằng cái chết của họ sẽ không vô nghĩa, rằng quốc gia này, dưới Tạo Hóa, sẽ tạo ra một kỷ nguyên tự do mới, rằng một chính quyền của người dân, bởi người dân, và cho người dân, sẽ không lụi tàn khỏi mặt đất.”

— Abraham Lincoln

Vài năm sau, khi phe Liên Minh Miền Nam đầu hàng, Lincoln và chính quyền Mỹ đã làm đúng với những lời trong bài Gettysburg. Nơi đó biến thành nghĩa trang cho tất cả những người lính chứ không phân biệt phe phái. Để rồi sau đó, nước Mỹ thống nhất, phục hồi, và trở thành cường quốc như hiện nay.

Khi nhìn lại cuộc đời của Lincoln, chúng ta cũng dễ hiểu vì sao. Sinh ra vào năm 1809 trong một gia đình nghèo, Lincoln không có cơ hội để đến trường, mà phải tự học luật từ sách, để dự thi làm luật sư. Ông ấy đã thất bại vài lần trong cuộc tranh cử vào quốc hội, để rồi thắng cử chức tổng thống vào năm 1860.

Sự thăng tiến của ông giống như được sắp đặt bởi một bàn tay vô hình, bởi vì một năm sau đó, cuộc nội chiến Mỹ bắt đầu. Nhưng sẽ ra sao nếu ngày ấy không phải là Lincoln mà là một ai đó. Có lẽ kết quả sau cuộc nội chiến đã rất khác.

Bài diễn văn Gettysburg không có từ ngữ ăn mừng. Nó đúng hơn là một lời kêu gọi giải hòa để đôi bên quay lại, cùng xây dựng một quốc gia theo lý tưởng ban đầu.

Chục năm sau cuộc chiến được các sử gia gọi là “Giai đoạn tái xây dựng.” Chính quyền Mỹ đã hòa hợp hòa giải dân tộc như sau:

  • Không đàn áp hay trả thù phe thua cuộc, mà đối xử công bằng.
  • Các tướng tá được giữ chức vụ và tái tham gia quân đội Mỹ.
  • Thi hành luật 10%, cho phép các tiểu bang ly khai tái nhập liên bang nếu 10% cử tri đồng ý.
  • Thi hành chính sách tái xây dựng, bằng cách dùng ngân sách quốc gia để trợ giúp miền Nam.
  • Thông qua tu chính án 13, 14, và 15 để bãi bỏ nô lệ, trao quyền công dân và quyền bầu cử cho tất cả.

Lincoln không phải là người quyền lực nhất. Người ta không nhớ quân của ông đã thắng bao nhiêu trận. Sách sử chỉ nhớ đến ông về chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc. Di sản đó không ngừng lại chỉ ở Mỹ.

Sau thế chiến thứ nhất, tổng thống Wilson đã phản đối chính sách trả thù của Pháp và Anh lên phe thua cuộc Đức. Mặc dù Mỹ đã đóng góp không nhỏ cho chiến thắng, nhưng vào thời điểm đó, Mỹ chưa phải là siêu cường. Đức phải gánh chịu hậu quả của sự trả thù qua việc mất lãnh thổ, đền bù thiệt hại, và chịu lỗi cho cuộc chiến.

Đó chỉ là hòa bình tạm thời. Trong nỗi nhục nhã đó, người Đức đã trao niềm tin cho một tổ chức phát xít và một gã điên. Để rồi hai mươi năm sau, thế chiến thứ hai bắt đầu. Đến năm 1945, phe Đồng Minh đã toàn thắng. Nhưng lần này, Mỹ và lý tưởng của Mỹ với bài học của Lincoln mới thực sự chiến thắng.

Sau thế chiến thứ hai, Mỹ trở thành siêu cường quốc duy nhất với vũ khí hạt nhân. Nếu muốn, họ đã có thể trừng phạt phe phát xít, và xâm chiếm thế giới. không ai có thể ngăn cản. Nhưng thay vì đàn áp, thay vì trừng phạt, thay vì làm nhục phe thua cuộc, nước Mỹ vị tha. Tổng thống Truman đã có thể trở thành hoàng đế, nhưng ông ấy chọn làm lãnh đạo của thế giới tự do.

Mỹ bắt đầu chính sách tái xây dựng Đức, Châu Âu, và Nhật. Mặc dù đã thả hai trái bom hạt nhân lên Hiroshima và Nagasaki, nhưng Mỹ đã giúp Nhật hồi phục kinh tế. Chỉ các lãnh đạo tội đồ bị xét xử. Còn lại thì trở thành công dân bình thường. Để sau đó, Đức và Nhật trở thành hai cường quốc kinh tế cho đến ngày nay. Từ kẻ thù, họ trở thành đồng minh.

Để đánh bại một ai đó bằng vũ lực thì dễ vì mạnh thắng yếu thua. Nhưng để chinh phục thì khó. Lincoln có thể đã bị ám sát, nhưng ông ấy vẫn sống. Bởi vì nước Mỹ luôn có những Wilson, Truman, Kennedy, Reagan, và Bush.

Tinh thần hòa hợp hòa giải của Lincoln cho đến nay không chỉ là vài trang sách lịch sử, mà còn là bài học về đối nhân xử thế, không chỉ cho riêng Mỹ, mà cho tất cả.

Nguyễn Trọng Nhân, 29.4.2025