Làm nội dung chuyên nghiệp, bạn yêu nó đến mức nào | Đây là tóm tắt của cuộc nói chuyện giữa tôi và một người bạn khác đang làm về nội dung và muốn chuyên nghiệp hóa, tức làm toàn thời gian và coi đây là một cái nghề.
Bạn ấy muốn tạo cái blog chuyên về ẩm thực Việt Nam với tầm nhìn là sẽ Anh Ngữ hóa nó để phát triển ra ngoài nước. Bài viết sẽ có nguyên liệu và cách làm. Nó không khác gì các trang web khác về nấu ăn cả.
Về chuyên môn thì tôi không rành nhưng đọc sơ qua thì thấy không có gì khác biệt cho lắm. Nếu có thì đó chính là người thực hiện, thành công hay không nằm ở yếu tố đó chứ không đâu khác. Cuộc nói chuyện diễn ra bình thường cho đến khi bạn đó đề cập đến chuyện bỏ tiền để thuê người viết nội dung.
Đó cũng là lúc tôi ngừng lại và chia sẻ góc nhìn của mình.
Đừng bao giờ thuê người khác viết bài cho mình và nghĩ rằng đó là phát triển nội dung. Trước đây mình cũng viết thuê nên hiểu cảm giác đó và thành thật thú nhận rằng đa số sẽ không ra gì. Khi bạn thuê người khác thực hiện, vấn đề chính sẽ là họ không hiểu bạn thực sự muốn gì. Trên hết, họ làm rất tệ vì lợi ích của họ là số lượng chứ không phải là chuyên tâm cho dài hạn.
Thảm họa ngành xuất bản Việt Nam hiện tại chính là người đầu tư tập trung cho số lượng vì ham câu view rồi rơi vào cái bẫy “Tầm thường.” Nó giống như một ca sĩ hát không có hồn, một nhà văn viết không tâm hay một anh barista không dốc hết tim mình vào cốc cà phê. Kết quả là sự nhạt nhẽo. Phần lớn trang web được thực hiện theo công thức trên để rồi trôi vào quên lãng sau một thời gian bởi không một ai thích đọc những thứ sáo rỗng bao giờ cả.
Nếu các bạn muốn thực sự muốn phát triển nội dung và chuyên nghiệp hóa nó thì đừng bao giờ đi tắt như vậy. Đó là tư duy đánh nhanh rút gọn, khôn vặt và thất bại. Bạn làm vì điều gì, viết để làm gì hay đọc vì mục đích gì. Nếu là để kiếm tiền thì cũng chẳng sao, nhưng thành công về mặt tài chính chỉ là kết quả chứ không phải mục đích.
Mình không nói mình tài giỏi hay hơn người nhưng nếu đọc nội dung trên mạng thì đa số đều rất tệ, như một cái xác không hồn. Vì chữ mang ý nghĩa, nó đại diện cho suy nghĩ trong đầu bạn và người đọc sẽ nhận ra ngay là nó có thật hay không.
Bạn thích marketing, yêu nội dung và đam mê với viết lách. Bạn muốn dùng tài năng của mình để quảng bá cho một lập trường, tư duy hay sản phẩm nào đó. Vậy bạn có yêu nó không và đến mức nào?
- Bạn làm về ẩm thực, bạn có yêu nó đến mức có thể nói liên tục về các món ăn. Có thể so sánh ẩm thực của các vùng miền mà không biết chán?
- Bạn làm về du lịch, bạn có đam mê đến mức có thể chia sẻ trải nghiệm của mình liên tục trong các diễn đàn một cách tự nhiên và coi đó là niềm vui?
- Bạn làm về chứng khoán tài chính, bạn có hứng thú với nó đến mức khi nói chuyện, mặt bạn sẽ sáng lên và bàn tán không ngừng nghỉ?
- Bạn làm về kinh tế, bạn có sẵn sàng đọc hàng trăm cuốn sách khác nhau để phân tích rồi tranh luận ở mọi nơi?
- Bạn làm về đời sống, bạn có thực hiện và hiểu những gì mình nói hay chỉ sao chép từ các nguồn khác trên mạng?
Theo kinh nghiệm của tôi thì không. Các bạn chỉ thích nó ở mức nói cho vui vài lần. Có thể sẽ viết về nó nhưng rồi ngừng. Có thể sẽ bàn tán về nó nhưng rồi thôi. Bạn chưa đủ say mê để bình luận liên tục hay dốc hết tâm sức không phải để câu view mà để đạt đến đỉnh mới trong hiểu biết.
Vậy thì đừng làm nội dung về nó vì sẽ chẳng đi đến đâu. Không phải vì bạn bất tài mà vì không đủ nhiệt huyết để duy trì đủ lâu. Làm nội dung chuyên nghiệp không khác gì đầu tư mạo hiểm, đừng kỳ vọng sẽ có thu nhập gì trong một hai năm đầu tiên. Hãy để hồn của bạn và từng chữ, chỉ khi bạn là vậy thì nội dung mới có ý nghĩa được. Còn không thì nó chỉ là món ăn vô vị.
Còn về tôi thì không coi mình là người làm nội dung mà là một người giải quyết vấn đề trong một lĩnh vực, cho một đối tượng để hướng họ đến lập trường nhất định. Còn có thành công hay không thì sẽ là kết quả trong tương lai chứ không phải là mục đích ban đầu.
Bạn thì sao, có yêu nội dung của mình đủ nhiều để tiếp tục không?
Bóc Phốt Tài Chính | 01.2.2021