Gần nửa thế kỷ trước, sau những chuỗi ngày dài chiến tranh, cái tên thành phố Sài Gòn đã bị thay thế và không còn trên bản đồ nữa. Nhưng, không có nghĩa là nó biến mất. Người ta vẫn gọi là Sài Gòn. Dù là một người địa phương, một người từ phương xa, hay một du khách. Cái tên Sài Gòn vẫn tồn tại xuyên thời gian.
Tại sao?
Có nhiều lý do. Nhưng nếu mình phải giải thích, thì đó là vì Sài Gòn cuốn hút con người bằng những di sản để lại như văn hóa, lời ca, thơ, và năng lượng. Họ tìm cách xóa bỏ Sài Gòn, nhưng Sài Gòn lại chinh phục họ.
Bài viết này nhằm giải thích vì sao.
Hoài niệm Sài Gòn xưa
Sự tò mò của mình bắt đầu khi vào đầu năm, mình thấy những tấm ảnh về Sài Gòn xưa được chia sẻ cuồng nhiệt. Từ Facebook, YouTube, cho đến TikTok, Sài Gòn xưa luôn cuốn hút người khác.
Sài Gòn của thập niên 1950 trong các tấm ảnh là một thành phố có nhiều cây, yên bình, với nét kiến trúc cổ điển của Pháp. Cũng dễ hiểu vì sao lại có biệt danh ‘Hòn Ngọc Viễn Đông.’
Nhưng tại sao những thứ xa xưa đó lại khiến người ta phải hoài niệm? Nguyên nhân có lẽ là như sau:
- Sài Gòn bây giờ quá xô bồ và chật chội, nơi kẹt xe từ sáng tới tối. Gần như không có một giây phút nào có sự yên tĩnh. Thời gian hiếm hoi không ồn có lẽ là từ nửa đêm cho đến sáng.
- Sài Gòn bây giờ quy hoạch quá lộn xộn. Khi nhìn từ trên cao, đường phố không khác gì một ma trận. Từ đường lớn, đường nhỏ, cho tới các con hẻm. Bạn sẽ dễ dàng bị lạc nếu không sống ở đây đủ lâu.
- Sài Gòn bây giờ có quá nhiều vấn đề, từ trộm cắp tới ô nhiễm. Thật khó để tìm được một nơi có không khí trong lành.
Khi người ta nhìn những tấm ảnh về Sài Gòn xưa, họ tự hỏi là: sẽ ra sao nếu Sài Gòn trở thành một Hòn Ngọc Viễn Đông đúng nghĩa. Lúc đó, họ có thể đi bộ trên vỉa hè. Họ có thể để xe mà không sợ bị mất. Họ có thể tìm thấy sự yên bình trên khắp con đường. Sài Gòn sẽ có nhiều xây xanh và mát mẻ. Giống như trước đây.
Nhà thơ Nguyên Sa, trong bối cảnh đó, đã miêu tả cảm xúc qua câu thơ:
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát.
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.”
Khi chạy qua đường Phạm Ngọc Thạch, người ta nhớ lại con đường Duy Tân và bài hát ‘Trả lại em yêu’ **của Phạm Duy. Thành phố này đã chứng kiến những cuộc chia ly và những mất mát. Người ta hoài niệm giống như một ai đó nhớ về quá khứ. Chứ họ không hề muốn thay thế cái hiện tại bằng phiên bản cũ. Nơi nào rồi cũng phải thay đổi. Sài Gòn cũng vậy.
Những di sản của Sài Gòn
Sài Gòn không chỉ là một cái tên, mà nó còn là biểu tượng của những thứ tươi đẹp nhất và cuốn hút nhất. Mình gọi đó là di sản của Sài Gòn.
Thành phố của người nhập cư
Sài Gòn từ những ngày đầu, là một thành phố của những người từ xa tới. Từ người Chăm Pa, Hoa, Ấn, Chà Và, Việt, cho đến Pháp. Họ đến đây để tìm cơ hội. Giống như một New York ở Đông Dương. Đó là vì sao Sài Gòn không có khái niệm người Sài Gòn gốc hay người nhập cư, vì ranh giới rất mờ nhạt. Trong khi một nhóm người ở thành phố nào đó tranh cãi về khái niệm người gốc ba đời, Sài Gòn đón nhận tất cả.
Sự phát triển của Sài Gòn không dựa vào nỗ lực của một nhóm riêng lẻ nào, mà là kết quả của tất cả cộng lại. Bạn có thể nhận ra điều này qua giọng nói và ẩm thực trên đường phố. Nếu ở nơi khác, giọng nói của bạn sẽ cho người ta biết bạn từ xa tới, thì ở Sài Gòn, đó là điều bình thường. Gọi vui là Hiệp Chủng Quốc Sài Gòn. Bất cứ ai, đến từ bất cứ nơi đâu, khi ở Sài Gòn, vẫn có thể gọi mình là người Sài Gòn. Cho đến bây giờ vẫn vậy. Sài Gòn luôn thu hút người nhập cư tới.
Kinh tế tư bản
Sự pha trộn đó là nền tảng cho kinh tế tư bản phát triển. Khi người Pháp bắt đầu cai quản, họ xây nền móng để các thương gia tư nhân đến sinh sống và làm việc. Có thể bạn đã nghe qua những cái tên như Xà Bông Cô Ba, Bia Sài Gòn, hay Công Tử Bạc Liêu. Tất cả đều có dấu ấn ở Sài Gòn.
Quyền tư hữu cho phép con người có động lực để làm giàu. Họ được quyền giao thương và sở hữu thành quả của mình. Khi nhìn lại, các sử gia đều đồng ý rằng đây là cơ sở của chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường ở Việt Nam. Bây giờ vẫn vậy, Sài Gòn vẫn là trung tâm kinh tế.
Kiến trúc Pháp
Ngoài kinh tế ra, Sài Gòn còn là nơi sở hữu và giữ gìn nét kiến trúc cổ điển của Pháp. Vì quá nhiều để có thể nói hết. Mình có thể bắt đầu với Nhà thờ Đức Bà, được xây vào năm 1880. Sau đó là Bưu Điện Sài Gòn, được xây vào năm 1891. Hay Tòa Đô Chính, bây giờ là trụ sở ủy ban nhân dân thành phố, được xây vào năm 1909. Tất cả đều sở hữu nét kiến trúc Pháp độc đáo, và là nơi thu hút du khách. Nhắc tới Sài Gòn, người ta sẽ nhắc tới những công trình đó.
Hãy nhìn bằng Google Map, bạn sẽ thấy kiến trúc Pháp vẫn còn cho tới bây giờ, nhất là ở khu quận 3 và quận 1. Khu Bàn Cờ với hai hàng cây xanh khiến bạn quên đi cái nóng. Để rồi chúng ta ít nhiều ao ước rằng các nơi khác ở Sài Gòn cũng nên được quy hoạch như vậy. Sài Gòn bây giờ có nhiều tòa nhà cao chọc trời, nhưng không có cái nào thu hút con người bằng những công trình thời Pháp.
Ẩm thực Sài Gòn
Nếu kiến trúc là thứ bạn thấy, thì ẩm thực là thứ bạn cảm nhận. Bắt đầu với cơm tấm. Có rất nhiều giả thuyết giải thích sự ra đời của món ăn này, nhưng cơ bản là như sau.
Vào thời Pháp thuộc, các nông dân ở miền Tây đã sử dụng những hạt gạo vụn, gọi là tấm. Họ đem lên Sài Gòn để làm món ăn tạm cho những người lao động. Theo thời gian, người ta bắt đầu pha trộn với bì của người Hoa, sườn nướng của người Pháp, và nước mắm của người Việt để trở thành cơm tấm như bây giờ. Từ đó có cái tên cơm tấm Sài Gòn, mà không phải là cơm tấm của thành phố khác.
Những món khác như phở cuốn, bún bò tuy vẫn là biểu tượng nhưng nó không đặc trưng bằng cơm tấm. Nếu có một món ăn nên được dùng để làm biểu tượng, thì đó chính là cơm tấm, vì nó là thành quả kết hợp của nhiều nền văn hóa.
Khi bạn đi tới những thành phố khác, như Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, người ta vẫn gọi là cơm tấm Sài Gòn. Bởi vì chỉ Sài Gòn với những con người từ khắp nơi tới, cộng với sự kết hợp tình cờ, mới có thể tạo ra cơm tấm Sài Gòn.
Nhạc vàng
Từ giữa thập niên 1950, làn sóng người nhập cư từ miền Bắc đã giúp hình thành một nét văn hóa đặc trưng. Trong đó bao gồm văn thơ và âm nhạc. Cái mà chúng ta hay gọi là nhạc vàng. Có rất nhiều lý giải tại sao lại có hiện tượng này. Nhưng lý do chính và thuyết phục nhất chính là sự kết hợp giữa các ca nhạc sỹ từ miền Bắc và miền Nam, tập trung vào một thành phố, kèm theo những sự kiện của thời thế và cảm xúc của con người vào thời điểm đó. Khi những cái đó được phát triển trong một môi trường tự do sáng tác, văn học và âm nhạc được nảy nở.
Có thể bạn đã nghe qua những câu hát như sau.
- “Mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi, tình xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi.” – ‘Hai mùa mưa của Lê Minh Bằng.
- “Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh. Có hoa thơm trái hiền.” – ‘Căn nhà ngoại ô’ của Anh Bằng.
- “Phố đêm đèn mờ giăng giăng. Màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên.” – ‘Phố đêm’ của Tâm Anh.
- “Trả lại em yêu, khung trời Ðại Học. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát.” – ‘Trả lại em yêu’ của Phạm Duy.
- “Trời ươm nắng cho mây hồng. Mây qua mau em nghiêng sầu.” – ‘Mưa hồng’ của Trịnh Công Sơn.
- “Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời.” – ‘Niệm khúc cuối’ của Ngô Thụy Miên.
- “Thành phố nào, nhớ không em, nơi chúng mình tìm phút êm đêm.” – ‘Thành phố buồn’ của Lam Phương.
Tất cả nhạc sỹ đó đều sinh ra và lớn lên ở nhiều nơi khác nhau, nhưng họ đều quy tụ và thành công ở Sài Gòn. Bây giờ thế hệ nhạc sỹ trẻ vẫn không thể nào thay thế được. Mặc dù có những dụng cụ hiện đại, nhưng họ không thể nào viết ra những bài tiêu biểu như thế hệ nhạc vàng.
Nếu những bài nhạc thị trường nổi lên rồi trôi vào quên lãng chỉ sau vài tuần, thì những bài nhạc vàng cho đến bây giờ vẫn được hát và nhớ đến. Người ta vẫn còn thuộc lòng những câu của Nguyên Sa, Trầm Tử Thiêng, Trịnh Công Sơn, Lam Phương, hay Phạm Duy.
Không ít ca sỹ bây giờ được nổi lên nhờ những bài nhạc vàng, như Lệ Quyên và Phương Anh. Ngoài ra, nếu bạn để ý, những ca sỹ đường phố chọn nhạc vàng để hát bởi vì nó có sức hút sẵn. Cho thấy di sản nhạc vàng vẫn sống bất chấp rào cản hay thời gian. Đến mức, khi ra Hà Nội và miền Bắc, bạn cũng nghe nhạc vàng.
Nơi nương tựa
Sau cuộc chiến, nhiều địa phương đã bị tàn phá. May mắn thay, Sài Gòn là nơi gánh ít thiệt hại nhất. Đó là vì sao con người từ khắp vùng miền hướng tới Sài Gòn để làm nơi nương tựa. Mặc dù thành phố này không có gì ngoài bê tông, nhưng nó đã giúp nuôi sống hàng triệu con người. Nếu ở nơi khác, khi tìm việc, bạn phải quen biết một ai đó, hay tốn chi phí, thì ở Sài Gòn, bạn chỉ cần năng lực.
Người từ miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống, họ đã học hỏi cách làm ăn, buôn bán, để rồi trở về quê nhà và áp dụng. Nếu trước đây Hà Nội bị tai tiếng bởi những hàng bún mắng cháo chửi, thì bây giờ, bạn sẽ nghe câu “Xin cảm ơn”.
Văn hóa phục vụ ở Sài Gòn đã giúp cải thiện hình ảnh của nhiều địa phương một cách âm thầm. Để rồi bây giờ, không ít thành phố đã vượt mặt Sài Gòn. Nhưng không sao, Sài Gòn vẫn vui. Bây giờ, làn sóng nhập cư vào Sài Gòn đã giảm, bởi vì những địa phương khác đã phát triển. Các sinh viên sau khi học tập ở Sài Gòn, họ lựa chọn về quê nhà để làm việc. Sau hơn nửa thế kỷ gánh vác, Sài Gòn có thể bắt đầu nghỉ ngơi.
Sài Gòn chinh phục con người
Tuy Sài Gòn không còn là một cái tên của một thành phố, nhưng những địa danh vẫn còn mang tên nó. Như: Bưu điện Sài Gòn, cầu Sài Gòn, Cơm Tấm Sài Gòn, nhà hát Sài Gòn, bánh mì Sài Gòn, bia Sài Gòn, hay Saigon Center.
Sài Gòn vẫn tồn tại, bất chấp các vấn đề. Như Nah đã miêu tả trong lời rap:
“Sài Gòn không bao giờ ngủ, bởi vì tiền không bao giờ đủ. Tao, hít cả bầu không khí của đất Sài Gòn vào cuống phổi. Bao nhiêu khói xám và bụi đều bị nước miếng tao cuốn trôi. Nhắm mắt lại dựa ra sau, rồi khi thở toàn ra flow. Rong ruổi giữa trưa trời nắng, da vàng đã trở thành da nâu.”
Sắp tới, cái tên Sài Gòn sẽ trở lại trên bản đồ. Nhưng không phải là tên của một thành phố, mà là một cái phường. Đây được coi là một bước tiến nhỏ nhưng quan trọng, sau nửa thế kỷ. Sài Gòn đã cuốn hút con người bằng văn hóa, tư duy, và giá trị nhân văn. Đó là di sản của Sài Gòn.
Nhiều người từ xa đến muốn thay thế Sài Gòn. Họ muốn xóa bỏ Sài Gòn, nhưng Sài Gòn đã chinh phục họ.
Nguyễn Trọng Nhân, 22.4.2025