Bàn về bong bóng quán cà phê ở Việt Nam

Lướt mạng xã hội, mình thấy câu hỏi này.

  • Tại sao khi khởi nghiệp, nhiều bạn nghĩ đến mở quán cà phê?
  • Tại sao người Việt vẫn đi cà phê, dù kinh tế khó khăn?

Ban đầu, mình chỉ nghĩ đó là mấy câu hỏi để câu view. Nhưng khi suy nghĩ lại, nó miêu tả một thực trạng hiện nay. Từ tư duy phát triển, quy hoạch đô thị, cho đến văn hóa tiêu thụ.

Bây giờ, khi bạn chạy vòng vòng đường phố, có một thứ xuất hiện liên tục. Đó là quán cà phê, nếu không, thì là quán trà sữa. Có thể nói, Việt Nam là một vương quốc cà phê, hay nói đúng hơn, một vương quốc quán cà phê. Đến mức, đi đâu bạn cũng thấy. Đợt trước khi mình ở Sài Gòn, cứ tầm một trăm mét là một quán cà phê. Trong bán kính 1 km², phải có ít nhất vài chục quán.

Ở các thành phố khác cũng vậy. Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Huế, hay Hà Nội. Quán cà phê có lẽ còn nhiều hơn số cửa hàng tiện lợi. Nhiều lúc mình tự hỏi, người ta làm gì mà tối ngày mở quán cà phê.

Vì cảm thấy thú vị, nên clip này nhằm giải thích hiện tượng. Nó được chia thành các phần như sau:

  1. Vương quốc cà phê Việt Nam.
  2. Tại sao người Việt vẫn đi cà phê, dù kinh tế khó khăn.
  3. Tại sao khi khởi nghiệp, nhiều bạn nghĩ đến mở quán cà phê?
  4. Vấn nạn quy hoạch.
  5. Kinh tế Trạng Quỳnh.
  6. Bạn không nhất thiết phải khởi nghiệp.

Mình thích cách trình bày này. Nó giống như làm một bài luận. Thậm chí, mình đã áp dụng rất nhiều kiến thức về marketing và kinh tế. Tuy mệt, nhưng vẫn vui, vì nó kích thích tư duy và sự tò mò bên trong mình. Xin bắt đầu.

Vương Quốc cà phê Việt Nam

Trong một khảo sát gần đây bởi iPOS Việt Nam, Việt Nam có hơn 500,000 hoặc nửa triệu quán cà phê, bao gồm những chuỗi lớn cho đến các quán nhỏ lẻ. Tính trên đầu người, cứ 200 người Việt Nam là có một quán cà phê. Đây là một con số khổng lồ. Để hình dung, chúng ta có thể so sánh với vài nước khác.

  • Hàn Quốc: có khoảng 100,000 quán cà phê. Trong khi dân số là 51 triệu. Tỷ lệ quán trên đầu người là 511.
  • Nhật: có khoảng 69,000 quán cà phê. Trong khi dân số là 142 triệu. Tỷ lệ quán trên đầu người là 2,000.
  • Mỹ: có khoảng 38,400 quán cà phê. Trong khi dân số là 333 triệu. Tỷ lệ quán trên đầu người là 8,600.

Thống kê này có vài vấn đề. Mình tìm không ra định nghĩa thế nào là một quán cà phê. Việt Nam có 500,000 quán cà phê, nhưng đó là quán hay là địa điểm bán? Nếu là địa điểm bán thì sẽ hợp lý hơn. Bây giờ, bạn chỉ cần chạy ra đường lấy một địa điểm bán cà phê, dù là Highlands, Phúc Long, Circle K, hay một cái xe đẩy trên vỉa hè.

Còn ở Mỹ, Úc, Nhật, hay Hàn Quốc, một quán cà phê đúng nghĩa là một cơ sở kinh doanh có mặt bằng, giấy phép đăng ký kinh doanh, và nhân viên pha chế chuyên nghiệp như Starbucks. Ngoài ra, còn nhiều chỗ vẫn bán cà phê nhưng không được coi là quán, như trạm xăng, cửa hàng tiện lợi, và khách sạn.

Dù con số thật là gì đi nữa, thì không ai có thể chối cãi rằng, Việt Nam là một vương quốc cà phê. Điều này dễ hiểu vì Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil, và chiếm 20% thị phần toàn cầu. Không những vậy, chúng ta sản xuất mỗi năm hơn 1.84 triệu tấn cà phê. Rộng hơn, cà phê đã mang lại thu nhập cho hơn 600,000 hộ nông dân và hơn 2 triệu người lao động trên toàn nước.

Hiện tại, 5 chuỗi cà phê có số lượng cửa hàng nhiều nhất là:

  • Highlands: 721 cửa hàng.
  • Trung Nguyên e-Coffee: 542 cửa hàng.
  • Phúc Long: 167 cửa hàng.
  • The Coffee House: 150 cửa hàng.
  • Aha: 130 cửa hàng.

Được giới thiệu bởi người Pháp từ thời thuộc địa, cho đến nay, cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Theo thời gian, chúng ta bắt đầu tạo thương hiệu và văn hóa cà phê riêng. Trong khi các nước Mỹ và Châu Âu uống Arabica, người Việt uống Robusta. Đó là vì sao nhiều người lại chê Starbucks nhạt và không đậm bằng ly cà phê sữa đá truyền thống.

Về mặt văn hóa, cà phê là một nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ và nhạc sĩ. Có thể bạn đã biết đến các bài này:

  • “Suốt đêm không ngủ, bên tách cà phê đen, chúng ta ôn chuyện đời. Ngày mình còn thơ, in như hình với bóng, phút giây chưa hề rời.” Đó là bài “Mười Năm Tái Ngộ” của Thanh Sơn.
  • “Sáng nay cà phê một mình, Sài Gòn chợt mưa chợt mưa, nhớ em bao nhiêu cho vừa, em ơi em ơi.” Đó là bài “Cà Phê Một Mình” của Ngọc Lễ và Phương Thảo.
  • “Trời đang nắng tự dưng lại mưa, mùa đông liệu đã về chưa, hay là anh đã mang mặt trời đi mất. Cà phê đắng thật đắng, mà em vẫn khen rằng ngon thật ngon.” Đó là bài “Đen Đá Không Đường” của Lyly.

Ba bài hát, của ba nhạc sĩ, thuộc ba thế hệ khác nhau, với cà phê là cảm hứng. Cà phê đã gắn liền với chúng ta từ bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta có thể bỏ ăn nhà hàng, không ăn mặc sang trọng, nhưng không thể không uống cà phê.

Tại Sao Người Việt Vẫn Đi Cà Phê, Dù Kinh Tế Khó Khăn

Điều đó giải thích vì sao bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, người Việt vẫn đi cà phê. Chúng ta không ngại bỏ ra 50,000đ để uống một ly Highlands hay 100,000đ để uống một ly Starbucks. Trong khi đó, một gói G7 ở siêu thị chỉ tốn tầm 4,000đ.

Cửa hàng quần áo có thể ế, chợ có thể vắng, nhưng các quán cà phê, nhất là các quán lớn, thì luôn đông.

Tại sao?

Có nhiều lý do, nhưng theo mình, đây là các yếu tố chính. Đó là quán cà phê là nơi để mọi người gặp gỡ, giao lưu, và trốn nóng. Họ tới quán cà phê không phải để uống cà phê, mà vì có hẹn với ai đó. Một câu xã giao bạn thường xuyên được nghe là: “Bữa nào đi cà phê.” Ý của họ là, “Bữa nào rảnh thì gặp nói chuyện.”

Việt Nam là một xứ nhiệt đới nên nắng nóng quanh năm. Trong khi đó, phần lớn người dân ở các thành phố lớn sống trong căn phòng nhỏ. Khả năng cao là họ ở chung với vài người và điều này lấy đi sự riêng tư. Khi cần làm việc, làm bài tập, hay nói chuyện với bạn bè, quán cà phê được coi là lựa chọn hợp lý nhất.

Tuy quán không có quy định cụ thể, nhưng luật bất thành văn là khách chỉ cần mua một ly nước thì có thể ngồi vô thời hạn. Với giá một ly nước chỉ tầm 50,000đ, nhiều người sẵn sàng đến quán, mua một ly nước rồi ngồi cả buổi trời. Vừa được hưởng máy lạnh, vừa có chỗ thư giãn, và vừa có nước uống. Nếu bạn là một bạn trẻ làm việc tự do, quán cà phê là nơi để gặp gỡ khách. Nó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Khác với ở các nước phát triển của Mỹ Âu, nơi có khí hậu mát mẻ, quán cà phê là nơi để họ tới thưởng thức cà phê rồi đi. Cà phê là thứ họ uống để tỉnh táo, chứ ít ai có nhu cầu ngồi cả buổi trời trong quán. Họ có thể làm vậy ở nhà hay thư viện. Cái này chỉ là nhận xét cá nhân chứ không có nghiên cứu cụ thể nào.

Tại sao khi khởi nghiệp, nhiều bạn nghĩ đến mở quán cà phê?

Với nhu cầu tự nhiên đó, hàng loạt quán được mở. Có một câu hỏi vui trên mạng, “Tại sao khi khởi nghiệp, nhiều bạn nghĩ đến mở quán cà phê?”

Đây chỉ là góc nhìn của một người ngoài cuộc. Bạn bè của mình cũng có nhiều người thử rồi. Từ Vũng Tàu, Sài Gòn, Đà Nẵng, cho tới Huế. Có người thành công và có người phải sang lại quán. Đây là lý do.

“AI cũng nghĩ bán cà phê dễ và siêu lời. Nhưng người ta chỉ nhìn bề ngoài chứ không thấy chi phí ngầm.”

Đây là một cách tính nháp phổ biến.

  • Một ly cà phê bình quân 20,000 đồng.
  • Một tiếng bán được 20 ly, là 400,000 đồng.
  • Một ngày bán 10 tiếng là được 4 triệu.
  • Một tháng bán 30 ngày là được 120 triệu.

Kiếm tiền không hề khó. Nhưng đó là vì chúng ta chỉ lấy giá bán rồi nhân lên chứ không suy nghĩ xa hơn về chi phí vận hành và chi phí thời gian.

Nếu doanh thu là 100 đồng, một quán cà phê phải tốn các chi phí sau:

  • 10 đồng nguyên liệu.
  • 10 đồng phí hao mòn.
  • 25 đồng tiền mặt bằng.
  • 30 đồng lương nhân viên, chưa tính tiền công của người chủ.
  • 1 đến 3 đồng phí “Cúng cô hồn” tùy quán và khu vực.

Lưu ý là số liệu không hoàn toàn chính xác. Nó tùy thuộc vào địa điểm và quy mô.

Những quán nhỏ thì lấy công làm lời. Còn nếu muốn phát triển thương hiệu thì phải chi thêm tiền cho quảng cáo. Nghĩa là quán thu 100 đồng thì lời tầm 5 đến 20 đồng. Đó là mức lợi nhuận bình quân.

Trong thực tế, rất ít quán nào có doanh thu ổn định. Đa số phải dẹp sau một thời gian. Cà phê và trà sữa là ngành có ít rào cản, gần như bất cứ ai cũng có thể làm, cho nên luôn có sự cạnh tranh. Điều này dẫn đến việc có quá nhiều quán cà phê. Bạn đầu tư vài trăm triệu, nhưng sau vài tháng thì có quán khác được mở. Rồi sau đó có một thương hiệu lớn đầu tư vài tỷ đồng. Rồi một chuỗi khác cũng làm y chang. Vòng lặp này cứ tiếp tục cho đến khi có người bỏ cuộc.

Tuy không có thống kê chính xác, nhưng theo báo cáo, tầm 80% cửa hàng kinh doanh trong lĩnh vực F&B đóng cửa sau một năm. Người duy nhất hưởng lợi là những khách hàng ngồi ké máy lạnh và chủ mặt bằng. Có một câu nói vui là, mở quán cà phê và đốt tiền có cùng một kết quả, chỉ khác hình thức và thời gian.

Vậy nếu tỷ lệ thất bại cao như vậy, tại sao nhiều người trẻ vẫn chọn cà phê và trà sữa để kinh doanh? Vì nói như trên, nó dễ và chi phí đầu tư không quá cao.

Nếu muốn mở công ty phần mềm hay một agency, bạn ít nhất phải là người có kinh nghiệm trong ngành và các mối quan hệ với khách hàng. Để mở một khách sạn, bạn cần nhiều vốn.

Còn để mở một quán cà phê, bạn chỉ cần học một khóa pha chế. Bây giờ có quá nhiều khóa dạy ở trên mạng. Nếu không có nhiều tiền, bạn có thể mua một chiếc xe để làm cà phê mang đi. Tổng chi phí sẽ tầm 10 đến 20 triệu đồng. Bạn có thể bán ở bất cứ đâu, miễn sao là hiểu quy luật “đầu tiên.”

Khi hỏi, nhiều người hay lấy các ví dụ của Highlands, Urban Station, The Coffee House, hay gần đây là cà phê muối chú Long. Suy nghĩ là bạn có thể bắt đầu với một cửa hàng rồi nhân rộng lên vài chục. Nếu gặp may mắn, có một câu chuyện hay, và bắt đúng xu hướng mạng xã hội, bạn có thể trở thành ngôi sao.

Điều này ít nhiều giải thích vì sao không ít các ngôi sao khi đang ở đỉnh lại quyết định mở quán cà phê hay hợp tác với ai đó để dùng thương hiệu cá nhân của mình. Họ đã có một lượng người hâm mộ, cho nên bán cái gì cũng có người mua.

Cho nên không khó hiểu vì sao bạn thấy quán cà phê mọc lên khắp nơi. Người cũ sang quán, người mới tiếp quản, và chu kỳ mới bắt đầu.

Vấn Nạn Quy Hoạch

Nhưng nói vậy thì chưa đủ. Ở đâu cũng có kinh doanh và quán cà phê, chứ không riêng gì Việt Nam. Vậy tại sao bạn lại thấy quán cà phê ở khắp nơi? Theo phân tích cá nhân, điều này là kết quả của quy hoạch đô thị.

Ở những nước phát triển, quy hoạch đô thị được phân chia rõ ràng. Khu dân cư dùng để ở, khu công nghiệp dùng để sản xuất, và khu thương mại dùng để mua bán. Bạn không thể bán ở khu dân cư hay sản xuất ở khu thương mại.

Tuy mỗi nước mỗi khác, nhưng quy hoạch cơ bản của một khu vực là sau.

  • Thị trấn A rộng 100 km².
  • Trong bán kính 100 km², Ủy Ban Thị Trấn Quy Hoạch sẽ có 2 khu thương mại. Đó là nơi bạn có thể mở cửa hàng buôn bán.
  • Trong khu thương mại đó sẽ có các dãy cửa hàng hoặc trung tâm mua sắm.
  • Trong trung tâm đó sẽ có giới hạn về số lượng siêu thị, quán ăn, quán nhậu, tiệm nails, và quán cà phê. Bạn không thể tùy tiện mở nếu không có giấy phép.

Từ bên ngoài, bạn sẽ nghĩ rằng đây là thị trường tự do, nơi mọi người có thể vô tư mua bán. Nhưng không, họ có quy định và giới hạn cụ thể.

Có vài lý do.

  • Nó giúp bảo vệ lợi ích của người đầu tư. Bạn sẽ an tâm kinh doanh hơn khi biết rõ dòng tiền trong tương lai. Ví dụ mở quán cà phê, bạn sẽ an tâm là trong khu vực đó, sẽ chỉ có một số quán nhất định. Chứ không có chuyện cả chục quán thấy bạn kinh doanh tốt rồi mở theo.
  • Nó tạo sự cạnh tranh lạnh mạnh. Người này mở quán ăn, người kia mở tiệm bánh mì, người nọ mở tiệm nails, và người khác nữa mở quán cà phê. Nó tạo sự cộng sinh, thay vì triệt hạ nhau.
  • Nó khuyến khích suy nghĩ dài hạn. Nếu bạn muốn mở một quán cà phê, bạn hãy đi một nơi khác chưa có, thay vì có tình trạng cả chục quán mở cùng một nơi rồi dẹp tiệm.

Ngoài ra, chi phí và giấy phép để mở một quán là một thách thức. Nó dài và mệt, chứ không nhanh gọn như mở một quán vỉa hè. Nếu thực sự nghiêm túc, bạn phải đầu tư số tiền không nhỏ và dấn thân lâu dài. Gần như không có cơ hội cho tư duy Trạng Quỳnh. Bạn không thể đánh nhanh rút gọn.

Kinh Tế Trạng Quỳnh

Còn ở Việt Nam, vì là một nước đang phát triển nên quy hoạch chưa hoàn chỉnh. Khu dân cư và thương mại không tách biệt mà được gom chung. Đó là vì sao các nhà mặt tiền được tận dụng làm địa điểm kinh doanh. Dẫn đến tình trạng hai bên là quán xá và vỉa hè là nơi để gửi xe.

Bởi vì không có quy hoạch cụ thể, nên ai thích mở thì mở. Trong bán kính 1 km² có cả chục quán cà phê là điều bình thường. Nó dẫn đến kinh tế Trạng Quỳnh. Một quy luật hài hước diễn ra như sau:

  • Ông A mở quán cà phê và đông khách.
  • Cô B thấy vậy thì cũng mở quán cà phê kế bên quán A.
  • Chị C thấy A và B bán thì cũng mở quán y chang gần đó.

Áp dụng tư duy này sang các mảng khác. Xe đẩy bánh mì, cà phê muối, trà sữa, hay trà chanh giã tay. Bây giờ, ai còn nhớ tới trà chanh giã tay nữa, mặc dù nó là xu hướng hồi cuối năm 2023. Một người bán được, cả chục người hùa theo, rồi sau đó biến mất.

Nói tích cực, đây là kinh tế thị trường ở giai đoạn sơ khai, nơi mọi người tự do mua bán. Còn nói tiêu cực, đây là tư duy chụp giật.

Vài ví dụ khác có lẽ bạn đã biết là xu hướng lên Đà Lạt mở homestay, đầu cơ đất vùng ven, và livestream trên TikTok bán hàng sập sàn.

Nếu ở những Mỹ, Úc, hay Châu Âu, cho dù bạn muốn thì cũng không thể làm được. Sẽ không có ai cho phép bạn mở quán lộn xộn hay bán phá giá. Cho nên có thể nói, môi trường ảnh hưởng đến con người, và môi trường lộn xộn tạo ra Trạng Quỳnh.

Nói vậy không phải là chê bai. Trong thị trường, sẽ luôn có người nghiêm túc theo đuổi cà phê và ẩm thực. Họ là người chịu thiệt nhất bởi các trào lưu.

Mình tin là sau này, chúng ta sẽ quy hoạch đô thị tốt hơn. Lấy Sài Gòn làm ví dụ, khu thương mại sẽ ra khu thương mại, và dân cư sẽ ra dân cư. Nhưng chừng nào thì hãy để tương lai trả lời.

Bạn Không Nhất Thiết Phải Khởi Nghiệp

Cuối cùng, ý kiến cá nhân, bạn không nhất thiết phải khởi nghiệp hay kinh doanh. Thay vào đó, bạn có thể đi làm và mở quán vào buổi chiều. Thay vì đánh cược thì sao không đi làm quán thử coi mình có hợp không. Việt Nam có quá nhiều quán cà phê rồi, chúng ta có cần thêm hay không?

Mình hơi quan ngại vì thấy có nhiều điều vô lý. Khách phàn nàn về giá cả cà phê, chủ quán phàn nàn vì không có lời, còn mình thì ngồi phân tích. Sau tất cả, chỉ chủ đất là người thắng. Có gì đó sai sai.

Mở quán rất cực. Bạn phải thức từ sáng tới tối và gần như không có ngày nghỉ. Chưa kể, rất khó để một quán nhỏ có thể cạnh tranh với một chuỗi lớn. Việc làm cái gì đó theo xu hướng không chỉ gây lãng phí mà còn không giúp ích gì. Nếu bạn làm vì đam mê thì là lựa chọn cá nhân. Còn làm để kiếm lời thì chưa bao giờ dễ.

Mình chưa bao giờ kinh doanh, đây là chỉ quan điểm cá nhân. Mình rất ngưỡng mộ những bạn nào mở quán. Nếu là mình thì chắc xỉu sau một tuần. Chúc bạn thành công.

Nguyễn Trọng Nhân, 18.10.2024