Vào đầu năm 2024, chị Ốc Thanh Vân, một diễn viên có tên tuổi ở Việt Nam, đã dọn qua nước Úc sống. Nội dung này không nói về đời sống cá nhân của cô ấy, mà là về thành phố cô ấy chọn cho gia đình, Melbourne.
Được mệnh danh là một trong những thành phố lý tưởng nhất thế giới và luôn nằm trong tốp 10 trong chục năm trở lại đây, dựa theo Chỉ Số Đáng Sống Toàn Cầu. Nếu lướt mạng xã hội hay coi tin tức, có lẽ bạn đã nghe qua khái niệm này rồi.
Vậy, thế nào là một thành phố đáng sống. Những Melbourne, Sydney, Vancouver, và Vienna có gì mà nằm trong tốp đầu? Còn những Hà Nội hay TPHCM thì sao?
Hãy cùng tìm hiểu.
Chỉ Số Đáng Sống Toàn Cầu
Chỉ Số Đáng Sống Toàn Cầu hay “Chỉ số thành phố đáng sống” là một bảng xếp hạng của EIU, “Economist Intelligence,” thuộc The Economist Group. Nếu cái tên nghe giống một tạp chí nào đó, thì đúng là vậy. Đây là công ty mẹ của tạp chí The Economist, một tổ chức truyền thông về kinh tế hàng đầu ở nước Anh. Họ không phải là một cơ quan có thẩm quyền, nhưng sức ảnh hưởng thì có thể nói là ngang tầm. Những bài viết của họ luôn chú ý và trở thành chủ đề bàn tán trên toàn cầu.
Mỗi năm, The Economist xuất bản hàng loạt bảng xếp hạng nhằm đo lường và so sánh. Từ sức mua, thành phố đáng sống, rủi ro, giáo dục, cho đến ổn định chính trị. Nó không mang tính tuyệt đối, nhưng người ta vẫn dùng để đánh giá tổng quát.
Một trong các chỉ số được độc giả quan tâm nhất là “Chỉ số thành phố đáng sống.” Nó so sánh 173 thành phố trên thế giới.
Đây là bảng xếp hạng của năm 2024:
- Vienna, Áo.
- Copenhagen, Đan Mạch.
- Zurich, Thụy Sĩ.
- Melbourne, Úc.
- Calgary, Canada.
- Geneva, Thụy Sĩ.
- Sydney, Úc.
- Vancouver, Canada.
- Osaka, Nhật Bản.
- Auckland, New Zealand.
Xếp chót ở hạng 173 là Damascus, Syria. Trong khi đó, thành phố Sài Gòn xếp hạng 133, còn Hà Nội xếp hạng 129.
Chỉ số được tính thế nào?
Nhưng chỉ số đó được tính thế nào? Nếu bạn tò mò, đây là công thức The Economist sử dụng để đánh giá. Nó dựa theo 5 tiêu chí như sau.
- Tính ổn định, chiếm 25%. Đó là những thứ như tệ nạn, khủng bố, chiến tranh, và bất ổn xã hội.
- Y tế, chiếm 20%. Đó là cơ chế y tế công và tư nhân tốt thế nào. Người dân có được chăm sóc và mua thuốc khi bị bệnh hay không.
- Văn hóa và môi trường, chiếm 25%. Nó bao gồm sự đa dạng của ẩm thực, mức độ quan liêu, mức độ kiểm duyệt, và tự do diễn đạt.
- Giáo dục, chiếm 10%. Thành phố đó có chất lượng trường học ở cấp phổ thông và đại học thế nào.
- Cơ sở hạ tầng, chiếm 20%. Bao gồm đường xá, phương tiện công cộng, nhà ở, viễn thông, năng lượng, và nước.
Còn nhiều yếu tố nữa, nhưng ở đây, họ chỉ dùng một số tiêu chuẩn nhất định.
Tại sao Melbourne là thành phố đáng sống?
Melbourne luôn nằm trong tốp 10. Chính quyền thành phố luôn lấy điều này làm điểm nhấn trong các chương trình quảng bá du học và du lịch. Trong chục năm gần đây, Melbourne nhu cục nam châm thu hút các du học sinh đến học tập và giới doanh nhân đến sinh sống. Một trong số đó là người Việt Nam. Đến năm 2024, bang Victoria có hơn 121,000 người gốc Việt và tầm 10,000 du học sinh người Việt.
Nhưng, Melbourne có gì?
- Khí hậu mát mẻ quanh năm, trung bình 14 đến 26 độ. Nếu bạn ở Sài Gòn thì hãy tưởng tượng Melbourne như Đà Lạt, nhưng mát từ đầu đến cuối năm.
- Hệ thống di chuyển công cộng phát triển và đa dạng. Bao gồm metro, buýt, và tram.
- Hệ thống y tế công và tư nhân tiên tiến. Như các nước Mỹ Âu khác, người Úc có hệ thống y tế công tên Medicare. Mỗi người dân khi đi làm sẽ đóng 2% thu nhập và được bảo vệ toàn phần ở hệ thống bệnh viện công. Ngoài ra, còn có y tế tư nhân cho những ai có nhu cầu.
- Hệ thống giáo dục hàng đầu. Tiêu biểu nhất có lẽ đại học Melbourne và đại học Monash, xếp hạng 13 và 37 theo QS Ranking. Nhưng đối với độc giả Việt Nam, nổi tiếng nhất có lẽ là đại học RMIT vì họ có chi nhánh ở Sài Gòn và Hà Nội.
- Việc làm và nhà ở. Theo cục thống kê Úc, lương bình quân ở Melbourne là $78,000 và giá nhà bình quân là $900,000. Nó không quá thấp, không quá cao. Vừa đủ để một người bình thường có cuộc sống ổn định.
Còn nhiều yếu tố khác như văn hóa, ẩm thực, cà phê, và thiên nhiên. Cộng tất cả lại, nó trở thành một thành phố đáng sống. Cho nên không khó hiểu vì sao Melbourne luôn nằm trong tốp đầu và được nhiều người lựa chọn để đến sinh sống.
Thành phố đáng sống của Việt Nam?
Còn Việt Nam thì sao, tại sao chúng ta chưa có một thành phố nào nằm trong tốp 10? Nói ra thì có lẽ sẽ gây tranh cãi. Đây không phải là để chê hay khen. Xét toàn diện, gần như chưa có một thành phố nào ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn tương tự như Melbourne hay Vienna. Đây có lẽ là vì sao.
- Khí hậu: Việt Nam là xứ nhiệt đới nên nóng quanh năm, trừ một số thành phố ở trên núi như Đà Lạt và Pleiku ra. Nếu bạn để ý, trong tốp 10 thành phố đáng sống, không có chỗ nào ở xứ nhiệt đới. Chưa kể, vì là một nước đang phát triển, cho nên chất lượng không khí là một vấn đề cần được giải quyết. Cụ thể là Hà Nội và Sài Gòn, chỉ cần chạy xe ra đường là hiểu vấn đề.
- Hệ thống di chuyển công cộng: Hà Nội tuy đã có metro nhưng nó chưa phát triển toàn thành phố. Đa số người dân vẫn phải dùng xe máy. Vào giờ cao điểm, chạy xe ngoài đường là một nỗi ám ảnh. Trong tương lai, có thể sẽ khác.
- An ninh: Rất khó để đánh giá thế nào là an toàn và không an toàn. Nhưng ở các nước phát triển, bạn có thể để xe bên ngoài mà không sợ gì. Còn ở Hà Nội hay Sài Gòn, để xe bên ngoài mà không có bảo vệ là điều không khuyến khích.
- Hệ thống y tế: Tuy chất lượng y tế, nhất là bệnh viện, đã được cải thiện trong thời gian qua. Nhưng nếu chúng ta lấy Mỹ Âu để làm tiêu chuẩn, thì phải thừa nhận rằng vẫn còn một khoảng cách quá lớn.
- Hệ thống giáo dục: Đây sẽ là điểm gây tranh cãi bởi vì thế nào là hệ thống giáo dục tốt? Trong thời gian quan, Việt Nam luôn nằm trong tốp các nước đạt huy chương Olympiad, điều này cho thấy tiềm năng. Nhưng đối với The Economist, họ chỉ xét toàn diện. Nghĩa là tính cởi mở, sự khai phóng, cơ chế học tập, và cơ hội phát triển. Không hiểu vì sao, Việt Nam lại nằm trong tốp 10 nước đi du học nhiều nhất. Chưa kể, số lượng trường quốc tế, song ngữ ngày càng nhiều, và học phí không hề thấp.
- Việc làm và nhà ở: Ở Hà Nội và Sài Gòn, lương bình quân là 10 triệu mỗi tháng hoặc 120 triệu mỗi năm. Trong khi đó, giá chung cư bình quân lại là 2 tỷ và giá nhà bình quân là 5 tỷ. Nghĩa là gấp 20 đến 40 lần thu nhập. Một người lao động bình thường rất khó cơ cơ hội mua nhà. Đó là một lý do vì sao nhiều người chọn đi xuất khẩu lao động, du học, và định cư nước ngoài.
Nhưng chúng ta không nên bi quan. Mình tin là theo thời gian, mọi thứ sẽ tốt lên. Nhiều bạn trẻ bây giờ có thu nhập cao nên dễ dàng mua trả góp một chung cư và ổn định cuộc sống. Nhưng, số lượng có lẽ không nhiều.
Riêng mình, nếu phải chọn một thành phố đáng sống nhất Việt Nam, mình sẽ chọn Đà Nẵng. Nếu bạn đã đến đây thì sẽ hiểu vì sao. Khí hậu ôn hòa, có biển, có núi, có sông, có sân bay gần trung tâm, và có văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, trở ngại có lẽ là số lượng việc làm không nhiều, thu nhập bình quân thấp hơn Sài Gòn và Hà Nội, và giá nhà ngày càng tăng. Chưa kể, hệ thống công cộng vẫn chưa phát triển.
Đến đây là hết. Đó là định nghĩa của thành phố đáng sống. Đúng là nó không tuyệt đối, chúng ta chỉ nên dùng để tham khảo. Hà Nội hay Sài Gòn dù có bất cập gì đi nữa, hai thành phố này vẫn thu hút con người đến sinh sống. Mong là trong tương lai, chúng ta sẽ có một phiên bản của Melbourne hay Vienna ở trong nước.
Nguyễn trọng Nhân, 08.10.2024