Để giải quyết vấn nạn tỷ lệ sinh đẻ thấp, đang có đề xuất đánh thuế người độc thân. Lý do rất đơn giản:
- Người độc thân đang tận hưởng thành quả của xã hội, nhưng ích kỷ không muốn đóng góp lại.
- Người độc thân đang đẩy mạnh xu hướng giảm dân số, điều này sẽ khiến quỹ an sinh xã hội mất cân bằng và tài chính hưu trí sụp đổ.
- Người độc thân không có trách nhiệm con cái nên đóng thuế thêm để trợ cấp gián tiếp cho người có gia đình.
Nếu tham gia mạng xã hội trong thời gian gần đây, có thể bạn đã đọc các nội dung với suy nghĩ tương tự.
Một trong những phát ngôn của cơ quan chức năng được trích dẫn phổ biến là: “Từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn”.
Nghĩa là giải pháp cho vấn nạn sinh đẻ thấp là tăng thuế lên người độc thân. Từ từ, họ sẽ mất kiên nhẫn. Ngay lập tức, nó tạo sự phẫn nộ đối với giới trẻ. Họ mệt mỏi vì chi phí nhà cửa và lương không đủ sống.
Nhưng, sự thật là gì? Người độc thân sẽ đóng thêm thuế? Hãy cùng tìm hiểu.
Thuế độc thân là gì và có tồn tại?
Không. Đây là một điều bị hiểu sai vì truyền thông. Hoàn toàn không có loại thuế nào tên là “Thuế độc thân”.
Đây là một khái niệm nhằm miêu tả những gánh nặng về mặt tinh thần, cơ hội, và tiền bạc mà người độc thân phải chịu. Nó bao gồm chi phí sinh hoạt, lãi suất vay ngân hàng, mức thuế thu nhập cá nhân và phúc lợi xã hội. Sau đây là vài ví dụ.
- Một căn hộ có giá thuê 10 triệu đồng. Nếu một người độc thân thuê thì phải tự trả 10 triệu. Nhưng nếu là cặp tình nhân, số tiền thuê vẫn là 10 triệu, nhưng gánh nặng được chia đôi, thành mỗi người gánh 5 triệu.
- Đi đi tour du lịch, nếu chọn ở một mình, bạn phải trả thêm phí phòng đơn. Còn nếu đi một cặp, số tiền đó được chia đôi.
- Khi mua nhà trả góp, nếu là người độc thân thì sẽ chịu lãi suất cao hơn vì ngân hàng cho rằng bạn thiếu ổn định. Còn nếu là một cặp vợ chồng với hai đầu lương, lãi suất sẽ giảm vì tổng thu nhập tăng.
- Khi bị bệnh, người độc thân sẽ tự lo, nếu nghiêm trọng thì sẽ tốn tiền thuốc nhiều hơn. Còn nếu là cặp vợ chồng, người vợ sẽ chăm sóc chồng hoặc ngược lại.
Những cái đó không phải thuế, tức là khoản tiền nhà nước thu, mà là các chi phí người độc thân phải trả nhiều hơn so với cặp vợ chồng.
Còn thuế thu nhập của người độc thân so với vợ chồng?
Ngược với các bình luận trên diễn đàn, thuế độc thân không phải là đề xuất từ Việt Nam, mà là ý tưởng đã được thực hiện ở các nước phát triển. Đó là khi mức thuế thu nhập cá nhân người độc thân phải đóng sẽ cao hơn cặp vợ chồng. Nhìn ngược lại, người kết hôn có mức thuế thu nhập thấp hơn. Sau đây là vài ví dụ. Xin lưu ý, thông tin có thể không chính xác.
Thuế thu nhập cá nhân ở Mỹ:
- Người độc thân: Chịu mức thuế 12% từ thu nhập $11,001 đến $44,725. Cao nhất là 37% cho thu nhập từ $578,126 trở lên.
- Còn nếu người đã kết hôn khai thuế chung: Chịu mức thuế 12% từ thu nhập $22,001 đến $89,450. Cao nhất là 37% cho thu nhập từ $$693,751 trở lên.
Thuế thu nhập cá nhân ở Đức:
- Người độc thân: Chịu thuế 14% từ €11,604. Cao nhất là 45% từ €277,825 trở lên.
- Còn người kết hôn: Chịu thuế 14% từ €23,208. Cao nhất là 45% từ €555,650 trở lên.
Về cơ bản, người kết hôn sẽ chịu thuế thu nhập thấp hơn người độc thân. Nhưng đây cũng là một điều dễ bị hiểu sai.
Sở dĩ cặp vợ chồng chịu mức thuế thấp hơn là vì trong nhiều trường hợp người chồng đi làm, còn người vợ ở nhà nuôi con. Nên tuy là một cặp, nhưng chỉ có một nguồn lương. Đó là chưa tính chi phí nuôi con và cơ hội nghề nghiệp của người vợ bị mất đi khi làm mẹ.
Còn các phúc lợi của người độc thân so với người kết hôn?
Ở nhiều nước phát triển, nhà nước có các chương trình phúc lợi nhằm khuyến khích sinh đẻ và lập gia đình. Trong khi đó, người độc thân vì không đáp ứng yêu cầu nên không được hưởng gì. Sau đây là vài ví dụ. Lưu ý, vì chính sách này đa dạng và mỗi nước mỗi khác nên không thể gom chung được.
Bây giờ có hai người, một người độc thân và một người kết hôn. Cả hai đều có thu nhập $100,000.
Người độc thân:
- Thu nhập $100,000.
- Thuế 30%, là $30,000.
Người kết hôn có con:
- Thu nhập $100,000.
- Thuế 30% là $30,000.
- Nhưng nhà nước thưởng tiền sinh đẻ $2,000
- Nhận trợ cấp nuôi con $1,000/tháng, mỗi năm $12,000.
- Nhận mức ưu đãi thuế, mỗi năm $5,000.
- Từ gánh nặng thuế $30,000, trừ các khoản phúc lợi, người kết hôn có con thực chất chỉ đóng $11,000. Bằng một phần ba so với người độc thân.
Ví dụ trên không chính xác hoàn toàn, nhưng nó miêu tả mô hình thuế hoạt động ở các nước phát triển như Úc va Châu Âu. Nhà nước luôn tạo những phúc lợi để khuyến khích người dân sinh đẻ. Số tiền lấy từ ngân sách, tức tất cả người đồng thuế. Vì người độc thân không có con nên không được nhận số tiền trợ cấp. Cho nên trong mắt nhiều kinh tế gia, nó được gọi là “Thuế độc thân” vì người độc thân phải trả nhiều hơn người kết hôn.
Nếu bạn nghĩ đó là bất công thì hãy suy ngẫm? Nếu kết hôn và sinh con thực sự được hưởng nhiều như vậy thì tại sao tỷ lệ sinh đẻ ở các nước phát triển lại thấp. Như ở Pháp, một nơi có phúc lợi gia đình tốt nhất thế giới, chỉ có tỷ lệ sinh đẻ 1.68 đứa con cho mỗi người phụ nữ?
Đó là vì số tiền trợ cấp đó không đủ so với thu nhập tiềm năng của một người nữ có học thức. Còn vô số khoản tiền khác phải trả như sữa, tả, đồ ăn, và quần áo mà người độc thân không nghĩ đến. Đó là chưa kể thiệt hại về cơ thể, tinh thần, và cơ hội.
Thuế độc thân có khả thi ở Việt Nam?
Như đã nói, nó không phải là một khoản thuế nhà nước thu mà chỉ là khái niệm kinh tế. Dù muốn hay không, người độc thân ở Việt Nam cũng đang gánh chi phí đó hằng ngày. Từ việc ở thuê, mua nhà trả góp, cho đến đi du lịch.
Còn nếu hỏi liệu sau này, chúng ta sẽ có mô hình thuế và phúc lợi như Mỹ Âu hay không, thì là chủ đề vĩ mô.
Những Mỹ, Úc, và Pháp có thể thực hiện mô hình thuế đó vì họ đã có nền kinh tế phát triển. Còn các nước ở Đông Nam Á thì chưa và phải mất rất lâu để bắt kịp.
Hiện nay, xét đúng nghĩa, chúng ta không có thuế độc thân mà có thuế kết hôn và thuế làm mẹ. Những cha mẹ vừa phải đóng thuế và gánh thêm chi phí nuôi con. Đó là tiền học, tiền sữa, tiền khám bệnh, và tiền ăn. Nghĩa là người kết hôn đang có chi phí gấp đôi người độc thân. Cho nên sẽ là vô lý nếu người độc thân lo lắng trong khi gánh nặng đang đè lên những ai đang làm cha mẹ.
Cuối cùng, đây chỉ là quan điểm cá nhân. Xin cảm ơn những ai đang làm cha mẹ.
Nguyễn Trọng Nhân, 21.8.2024