Sài Gòn thu phí kẹt xe, vai trò của Metro

Giới thiệu

Sài Gòn sẽ thu phí kẹt xe vào giờ cao điểm. Mục đích là để hạn chế số lượng xé cá nhân đi vào trung tâm thành phố. Hay ít ra nó là một đề xuất trong quy hoạch của thành phố đến năm 2040. Ngoài ra, các đề xuất khác là quản lý đậu xe theo giờ và hạn chế số chỗ đậu xe.

Kẹt xe là một vấn đề nhức nhối đối với bất cứ ai đang sống ở Sài Gòn. Trước đây khi ở Sài Gòn, kẹt xe là điều mình mệt mỏi nhất.

Đây là thành phố tuyệt vời. Mình đã gặp được nhiều người ở đây và hơn chục người trở thành bạn thân. Nhưng mình không thể chịu được cảnh phải chen lấn nửa tiếng đồng hồ chỉ để di chuyển một cây số. Đến mức mình quyết định bán chung cư để đi nơi khác và chỉ quay lại khi có công việc.

Tuy thu phí kẹt xe chỉ là đề xuất, nhưng nó khiến mình suy ngẫm và phải so sánh với các thành phố khác mình đã đến.

Hãy cùng suy luận về vấn nạn kẹt xe ở Sài Gòn hiện tại.

Vấn nạn kẹt xe ở Sài Gòn hiện tại

Để hiểu vấn đề, bạn cần biết các con số sau đây.

  • Sài Gòn có diện tích 2,095 km2.
  • Dân số là 9.3 triệu.
  • Mật độ dân số là 4,400 người/km2.
  • Số lượng xe lưu thông là tầm 9.2 triệu chiếc. Trong đó là 940,000 xe hơi và 8.3 triệu xe máy.

Để so sánh, mật độ dân số ở:

  • New York là 11,300 người/km2
  • Sydney là 8,660 người/km2
  • Singapore là 8,383 người/km2

Xét tổng quát, số lượng người ở Sài Gòn không có nhiều so với các đô thị lớn khác trên thế giới. Số lượng xe cũng vậy. Nếu đã qua Bangkok hay Đài Bắc thì bạn sẽ biết họ sử dụng xe máy nhiều như chúng ta.

Nhưng tại sao khi ra đường, bạn luôn có cảm giác là Sài Gòn chật chội hơn? Theo quan sát của mình, đó là vì thiếu hệ thống công cộng.

Thiếu hệ thống công cộng

Mặc dù là một đô thị với gần mười triệu người sinh sống, nhưng Sài Gòn lại thiếu một hệ thống xe điện. Xe buýt quá bất tiện và vỉa hè bị lấn chiếm, nên nếu bạn sống ở đây, bạn phải di chuyển bằng xe máy cá nhân. Trừ khi bạn sống ở các khu dân cư cao cấp và đi làm ở trung tâm thành phố, thì có thể đón xe buýt. Nhưng phần lớn người dân thì không. Chiếc xe máy như đôi chân của họ.

Trước đây khi mình sống ở Sài Gòn nên hiểu cảm giác. Để đi từ quận Bình Tân đến Quận 1, dù chỉ cách nhau 14km, nhưng phải mất ít nhất 30 phút. Vào giờ cao điểm, bét lắm là 1 tiếng. Đó là chưa tính thời gian tìm chỗ gửi xe.

Trong khi đó, khi mình đến những Hong Kong, Singapore, Đài Bắc, Kuala Lumpur, hay Melbourne, di chuyển vài chục km là chuyện dễ dàng với xe điện.

Ví dụ. Để đi từ Springvale đến Flinders Street, khoảng cách 30km nhưng chỉ mất 30 phút. Bạn có thể vừa đừng hay ngồi và vừa nghe nhạc. Không cần phải bóp thắng, chờ đèn đỏ, luồn lách, hay né chiếc xe nào đó lái ẩu. Tinh thần vì vậy nên thoải mái hơn.

Hệ thống vận chuyển công cộng là một điều phải có ở bất cứ thành phố lớn nào. Ngay cả Hà Nội bây giờ đã có Metro, nhưng Sài Gòn vẫn phải chờ.

Có câu nói vui nhiều người hay chia sẻ là: “Metro đã xây từ khi mình học cấp 1. Giờ đang ở đại học rồi mà nó vẫn chưa xong.”

Còn bây giờ khi không có lựa chọn nào khác, họ vẫn phải dùng xe máy.

Ai cũng phải dùng xe máy

Mình rất không thích xe máy hay đúng hơn là văn hóa xe máy. Khỏi phải hỏi thì bảo đảm là đa số chúng ta cũng vậy. Tuy nó tiện lợi, dễ đi lại, và dễ đậu, nhưng mặt trái là:

  • Xe máy rất nguy hiểm vì khi có va chạm, cơ thể bạn sẽ bị tương tác đầu tiên.
  • Đi xe máy lấy đi thời gian và thời gian là tiền bạc. Bạn phải mất sức canh chừng, thắng, né, và tìm chỗ gửi. Còn nếu đi xe điện, bạn có thể ngồi ngắm cảnh hay nghỉ mệt.
  • Khi chạy xe máy, bạn phải hít khói bụi từ hàng ngàn chiếc xe khác xung quanh.
  • Lúc mắc mưa hay trời quá nóng, cơ thể bạn phải gánh chịu.

Một trải nghiệm cá nhân khiến mình ám ảnh nữa là vào năm 2013, mình bị té xe khi ở Đà Lạt. Tuy không quá nặng, nhưng nó làm mình hơi sợ khi tham gia giao thông. Ai trong chúng ta cũng có một kỷ niệm té xe để kể và nó không vui chút nào.

Người Sài Gòn sử dụng xe máy như đôi chân. Đến mức nếu nó bị cấm, cuộc sống sẽ bị đảo lộn. Họ thực sự muốn dùng phương tiện khác nhưng không có giải pháp nào tốt hơn. Còn bây giờ khi không có lựa chọn nào khác, họ vẫn phải dùng xe máy cho đến khi có hệ thống công cộng.

Khi có hệ thống Metro

Nếu muốn biết đi xe điện ở Việt Nam, bạn hãy ra Hà Nội. Hồi tháng 9 năm rồi, bạn Hà Nội của mình đã dẫn mình đi tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Cảm nhận thật lòng là nó không thua kém gì ở các thành phố phát triển khác. Cảm giác nhìn thành phố Hà Nội từ trên cao, nó thoải mái hơn so với ở dưới mặt đường. Bỏ qua chi phí và thời gian xây dựng ra sao, mình thực sự ấn tượng với Metro Hà Nội.

Khi về lại Sài Gòn, mình nôn nóng. Không biết chừng cái của Sài Gòn mới xây xong.

Theo dự kiến sẽ là vào cuối 2024, Metro Sài Gòn sẽ bắt đầu vận hành, mình mong là như vậy. Lúc đó, nó sẽ giúp giảm ô nhiễm và số lượng xe trên đường phố. Người sẽ có thói quen dùng phương tiện công cộng để đi vào trung tâm.

Khi có hệ thống công cộng, con người sẽ tự động đổi mới hành vi di chuyển của mình vì họ được hưởng lợi từ nó.

  • Thay vì chạy xe 40 phút từ Quận Bình Tân vào Quận 1, mình sẽ đi xe buýt.
  • Thay vì tốn 30 phút đi từ Thủ Đức vào Bến Thành, người ta sẽ dùng Metro.
  • Thay vì cha mẹ rước con khi tan trường, học sinh sẽ tự đi xe về.

Lúc đó, đường phố Sài Gòn sẽ bớt tiếng ồn vì xe máy đã được cất ở nhà. Vỉa hè thay vì bị lấn chiếm, thì sẽ nhường cho người đi bộ.

Hiện tại, xu hướng đó đang diễn ra nhưng số lượng chưa nhiều. Trong tương lai sẽ khác. Số lượng xe cá nhân sẽ tự động giảm không phải vì áp thuế, mà từ lợi ích cá nhân.

Vậy, nếu Sài Gòn thu phí kẹt xe thì sao?

Nếu Sài Gòn thu phí kẹt xe thì sao?

Mình không phải là chuyên gia kinh tế, nên sẽ dùng nội dung từ các báo như Lao Động và Dân Trí.

  • Nếu hạn chế xe con, thì phải phát triển phương tiện công cộng như một giải pháp thay thế. Như nâng cấp hệ thống xe buýt để bao phủ thành phố và phát triển hệ thống Metro để thay đổi thói quen đi lại.
  • Nếu hệ thống giao thông công cộng phát triển và tiện lợi, phần lớn người dân sẽ chọn phương tiện công cộng. Giữa việc ngồi trên chiếc xe máy và chen lấn trên đường phố, so với việc ngồi trong xe buýt máy lạnh, đa số sẽ chọn ngồi máy lạnh.
  • Nếu thu phí xe hơi, người ta lại đổi qua xe máy, tình trạng giao thông cũng không cải thiện hơn bao nhiêu.
  • Nếu hạn chế phương tiện này thì phải phát triển phương tiện khác tốt hơn.

Bài viết trên báo Lao Động cũng đề cập.

  • Để chống kẹt xe, phải tạo ra không gian đô thị thông thoáng, và lưu thông thuận lợi.
  • Người đóng phí sẽ có tâm lý đang “mua dịch vụ”, nhưng đường vẫn kẹt xe. Có nghĩa là không có dịch vụ nào tốt hơn được cung cấp. Từ đó người đóng tiền sẽ sinh tâm lý bất mãn.
  • Đóng phí kẹt xe nhưng đường vẫn kẹt thì có được trả tiền lại?
  • Thu tiền thì phải nói rõ mục đích thu tiền: Để làm gì, cụ thể ra sao, hiệu quả như thế nào, bao nhiêu tiền, và bao lâu hoàn thành?

Cho nên theo nhận xét của các chuyên gia, giải pháp cho nạn kẹt xe ở Sài Gòn nên là vừa thu phí và vừa phát triển hệ thống công cộng. Chứ không thể chỉ là một.

Chúng ta có thể xem các thành phố khác.

Các thành phố khác thì sao?

Tuy so sánh hơi khập khiễng, nhưng đó là cách để học hỏi. Nhìn rộng hơn, trong tương lai, có thể Sài Gòn hay Hà Nội sẽ được như các đô thị sau đây.

  • Melbourne: Hệ thống xe điện của họ, Metro Trains, vận hành 239 chiếc với 15 tuyến và 998 km đường rầy. Ước tính, mỗi ngày có hơn 400,000 người sử dụng.
  • Singapore: Hệ thống MRT của họ vận hành 134 trạm, 6 tuyến, và 230 km đường rầy. Ước tính, mỗi ngày có hơn 3 triệu người sử dụng.
  • Paris: Hệ thống Metro của họ có 302 trạm, 16 tuyến, và 226 km đường rầy. Ước tính mỗi ngày có hơn 4 triệu người sử dụng.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo những Đài Bắc, Kong Kong, và London. Theo tìm hiểu, tuy họ không thu phí cố định khi xe vào trung tâm thành phố, nhưng họ giới hạn qua các hình thức sau đây:

  • Giới hạn thời gian đậu xe ngoài đường.
  • Thu phí đậu xe cao.

Nhưng trên hết, họ đều phát triển hệ thống xe điện quá tốt nên ai cũng muốn dùng. Nó khiến việc lái xe vào trung tâm là điều phiền hà và không đáng. Nếu phải đóng phí cao, họ cũng không phàn nàn vì đó là lựa chọn.

Kết luận

Sài Gòn và Hà Nội chỉ mới bắt đầu phát triển Metro, nên không thể so được với các thành phố khác. Hiện tại, chiếc xe máy vẫn là công cụ đi lại không thể thiếu. Việc thu phí xe khi chưa có hệ thống công cộng đủ tốt, sẽ không giải quyết vấn đề gì. Hay ít ra là các chuyên gia nói như vậy.

Mong là trong tương lai, chúng ta sẽ được nhìn Sài Gòn từ bên trong Metro. Lúc đó, cái nắng sẽ trở nên dịu dàng, và khói bụi sẽ dần biến mất. Sài Gòn sẽ tự nhiên mát và đẹp hơn.

Nguyễn Trọng Nhân, 11.6.2024