Mua chung cư chỉ được sở hữu 50 năm, rủi ro và nỗi lo
Khi nhắc đến thị trường bất động sản Việt Nam thì gần như nội dung luôn hướng đến mặt tích cực.. Nhưng nếu không có cái nhìn đa chiều thì sẽ là sai lầm. Với giá nhà mặt đất cao gấp vài lần đến chục lần giá chung cư như hiện nay, kèm với dân số ngày càng đông, thì đa số người dân không có quá nhiều lựa chọn. Chung cư vẫn là lựa chọn tốt nhất vì giá cả nằm trong tầm khả năng nhất.
Nếu bạn bắt đầu tìm hiểu về chung cư thì sẽ gặp câu hỏi này: “Mua chung cư thì chỉ được sở hữu 50 năm hay vĩnh viễn?”
Câu hỏi đó kéo theo hàng loạt lo âu về tính sở hữu và điều này ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý cũng như niềm tin của người mua. Vậy sự thật là gì. Lưu ý, đây không phải là lời tư vấn pháp lý mà chỉ là nội dung phân tích của một vấn đề. Các độc giả nên tham khảo và đưa ra nhận định riêng.
Để hiểu vì sao lại có nỗi lo này thì bạn phải hiểu nền tảng pháp lý nhà đất ở Việt Nam.
Điều 53 trong Hiến Pháp của Việt Nam quy định như sau: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”
Nghĩa là ở Việt Nam không có quyền sở hữu đất. Cuốn sổ màu đỏ kia là giấy chứng nhận Quyền Sử Dụng Đất.
Cũng chính điều này làm nhiều người hiểu sai dẫn đến hoang mang. Trên giấy thì ghi vậy, nhưng trên thực tế nếu bạn mua mảnh đất hay căn nhà có đầy đủ giấy tờ thì xem như bạn đã sở hữu nó rồi.
Quay lại vấn đề chung cư. Vì sao lại có tình trạng “Mua chung cư nhưng chỉ được sở hữu 50 năm?”
Khi bạn mua một căn nhà mặt đất thì sở hữu đất và căn nhà. Điều dễ hiểu.
Nhưng khi bạn mua chung cư thì đó là câu chuyện khác. Một dự án sẽ có hàng chục đến trăm căn hộ. Chủ đầu tư muốn xây thì có hai lựa chọn.
- Mua đất rồi xây dự án.
- Thuê đất dài hạn, thường là 50 năm, rồi xây dự án.
Nếu chủ đầu tư mua đất thì gần như không có vấn đề gì. Quyền sở hữu và chung cư được xây thuộc chủ đầu tư. Nếu bán lại cho bạn thì thuộc về bạn. Sẽ có ban quản lý đại diện dân cư quản lý.
Nhưng nếu chủ đầu tư thuê đất thì sẽ được cấp quyền sử dụng 50 năm. Sau 50 năm nếu không có vấn đề gì thì sẽ được cấp thêm thời hạn sử dụng. Nếu bạn là người mua chung cư được xây trên mảnh đất thuê đó thì sẽ được sở hữu chung cư nhưng miếng đất thì không.
Đó là sự khác biệt.
Chưa hết, chung cư còn nhiều vấn đề khác.
- Bất cứ tòa nhà nào cũng có tuổi thọ, chung cư cũng vậy. Sau một khoảng thời gian thì sẽ xuống cấp. Giả sử bạn mua chung cư, sau 50 hay 100 năm sau nó xuống cấp thì không thể tiếp tục sống ở đó nữa. Lúc này thì cần phải đập để xây lại. Tương tự như một căn nhà lâu năm cần sửa chữa. Ban quản lý lúc đó sẽ cùng với người dân đề xuất lựa chọn.
- Rất nhiều dự án chung cư ở Việt Nam mặc dù đã xây xong nhiều năm nhưng vẫn không cấp sổ cho người ở. Nguyên nhân là họ dính pháp lý, xây trái với giấy phép hoặc tiêu cực nào đó trong nội bộ. Đó là một nỗi ám ảnh khiến nhiều người bực tức.
Đừng để điều này cản trở bạn vì suy cho cùng, chung cư vẫn sẽ là xu hướng cho tương lai, khi thành phố ngày càng chật và người ngày càng đông thì chúng ta khó có lựa chọn nào khác.
Ngoài nhiều tiêu cực thì chung cư sẽ còn mang lại nhiều lợi ích. Như có bảo vệ, camera an ninh và những tiện ích xung quanh. Nếu sống ở những khu dân cư nghìn người thì không khác gì một thị trấn cả.
Cho nên lần sau khi mua chung cư thì bạn hãy tìm hiểu và hỏi nhân viên môi giới những câu sau.
- Mảnh đất này công ty mua hay thuê. Câu trả lời sẽ giải thích liệu chung cư này thuộc loại 50 năm hay không.
- Tuổi thọ của chung cư là bao nhiêu hoặc mấy năm sau sẽ xuống cấp.
- Mua thì chừng nào mới được cấp sổ đỏ.
Nếu họ không thể trả lời được những câu cơ bản đó thì có lẽ có điều gì đó mập mờ. Đa số chủ đầu tư là những doanh nghiệp có tên tuổi và uy tín. Nhưng một số nhỏ doanh nghiệp bất tín cũng đủ làm nhiều người mất niềm tin.
Nguyễn Trọng Nhân, biên tập bởi Lâm Trân, Bóc Phốt Tài Chính | 21.2.2022