Grab tăng thuế, lỗi tại ai | Có lẽ quan điểm phân tích của tôi sẽ không đồng thuận với đa số ý kiến ở đây. Trong trường hợp này thì Grab đang làm đúng nghĩa vụ và tuân thủ pháp luật theo chỉ định chứ không thể nào làm khác được. Khi Bộ Tài Chính đưa công văn thì không thể cãi được. Nhưng vì lý do nào đó, Grab lại là bên bị lên án.
Mô hình của Grab là sử dụng lao động nhàn rỗi để tối ưu hóa hoạt động. Nhưng khi về Việt Nam thì nó lại trở thành công việc toàn thời gian đối với nhiều người. Đây là xu hướng hơi nguy hiểm vì họ không được bảo hiểm hay quyền lợi gì vì chỉ là “Đối tác.”
Nếu chuyển qua mô hình “Nhân viên” thì họ sẽ phải đóng thuế đầy đủ như bao người khác. Mức BHXH hiện tại là 32% [chủ 21.5% và người lao động 10.5%]. Vậy họ có chấp nhận điều đó không.
Đây là mâu thuẫn. Các tài xế muốn coi mình là “Đối Tác” để không bị đánh thuế thu nhập và BHXH nhưng đồng thời muốn hưởng quyền lợi tương tự. Đây là điều không thể mà chỉ có thể chọn một trong hai.
Tôi ủng hộ các tài xế vì thường xuyên dùng Grab. Chúng ta cần phải coi lại chính sách để hướng đến sự cân đối hơn. Có thể làm như sau.
- Tăng giá cước. Tôi sẵn lòng đóng thêm để tài xế có bảo hiểm, y tế và hưu trí. Nhưng làm vậy thì bao nhiêu người sẽ đi?
- Giảm số lượng tài xế vì bây giờ có quá nhiều. Rào cản quá thấp nên ai cũng đua nhau chạy và quên rằng đây là công việc bán thời gian thôi.
- Cố định hóa giờ làm cho những tài xế nào làm lâu năm. Ví dụ mỗi tuần chạy 40 giờ hoặc đủ 7 triệu tiền mỗi tháng. Đây là phương án khó. Nếu làm thì họ có chịu đóng thuế đầy đủ không.
Mọi người nên bình tĩnh. Grab không làm gì sai mà chỉ tuân thủ pháp luật thôi. Đừng đổ lỗi cho họ mà nên lên án người ra chỉ thị. Tôi muốn có chính sách thỏa đáng hơn cho đôi bên để các tài xế được bảo vệ và hệ sinh thái này được phát triển lâu dài.
Bóc Phốt Tài Chính | 23.3.2021