Mượn ý tưởng và ăn cắp | Đúng là trong sáng tạo thì không có cái nào bắt đầu từ hư vô. Mọi thứ đều có nguồn gốc và phải xuất phát từ một điểm nào đó. Cho nên mượn ý tưởng và cảm hứng là điều bình thường như quy luật tự nhiên.
Không tin thì bạn hãy tìm ra một cốt truyện nào chưa được biến thành tiểu thuyết hay một đoạn văn nào chưa được viết ra. Sáng tạo gốc là ngộ nhận và unique là suy nghĩ sai lầm.
Tuy nhiên, đừng hiểu nhầm ý của tác giả của Steal Like An Artist.
Khi bạn mượn ý tưởng thì bạn chỉ lấy ý chính và thay đổi theo tính cách của mình. Ví dụ một tấm minh họa thông tin, bạn mượn bố cục và đối tượng để thiết kế lại. Đó là sáng tạo vì bạn làm ra nó. Ngay cả tác giả gốc cũng lấy cảm hứng từ đâu đó.
Còn “ăn cắp” là khi bạn đem nguyên tác phẩm hoặc một phần rồi nói là của mình. Lấy Sơn Tùng làm ví dụ. Bài “Nắng Ấm Xa Dần” chôm nguyên beat của As One, một ban nhạc Hàn Quốc. Không dẫn nguồn, không trả bản quyền và coi đó là sản phẩm của mình.
Đó là sự ô nhục cho âm nhạc Việt chứ không có gì là tự hào nên đừng lấy làm biện hộ.
Nếu ai làm trong ngành sáng tạo, dù là chữ hay âm thanh, thì sẽ biết rằng khả năng trùng ý và kết quả là gần không. Bây giờ tôi trả tiền thuê một ngàn người viết bình luận về Sơn Tùng thì sẽ có một ngàn cái khác nhau. Vì con người không ai giống ai. Cùng ý tưởng và cảm hứng nhưng khác kết quả.
Hãy mượn cảm hứng rồi biến đổi bằng chất riêng của bản thân. Sáng tạo không phải là làm mới hoàn toàn mà là 90% hiện tại cộng 10% đổi mới.
Nhưng đừng bao giờ ăn cắp và tự hào như Sơn Tùng rồi coi là thành công. Bạn chỉ nhận lại sự khinh bỉ từ người khác.
Bóc Phốt Tài Chính | 15.3.2021