Việt Nam lạm phát hoa hậu

Trong riêng năm 2022, Việt Nam đã tổ chức hơn 30 cuộc thi hoa hậu ở cấp quốc gia. Nếu tính thêm các cuộc thi tự phát ở địa phương và trường học thì con số sẽ lên đến cả trăm.

Có thể nói rằng so với các nước khác, Việt Nam là cường quốc hoa hậu.

Chỉ cần mở Facebook, TikTok hay bất cứ trang báo nào, bạn cũng sẽ đọc được các bài về hoa hậu.

Như:

  • Hoa hậu kia hát với anh rapper kia.
  • Hoa hậu nọ chia tay người yêu.
  • Hoa hậu đó đang quét đường.

Còn ở các trường đại học, cuộc thi hoa khôi trở thành cơ hội để được nổi tiếng.

Nhưng tại sao lại như vậy?

Nếu không suy nghĩ thì bạn sẽ cho rằng Việt Nam có quá nhiều cô gái đẹp. Cho nên số lượng cuộc thi sắc đẹp phản ảnh điều đó.

Nhưng nếu là người cảm thấy mệt mỏi với cơn sốt hoa hậu, bạn sẽ chán nản với vấn nạn này.

Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu về quá trình phát triển và mục đích.

  • Cuộc thi sắc đẹp hiện đại đầu tiên được tổ chức vào năm 1839 ở Scotland để quảng bá du lịch. Thời đó, phụ nữ chưa được bỏ phiếu, nên nhiều người coi đây là cơ hội để họ quảng bá ý tưởng về bình quyền.
  • Mỹ là nước đã thương mại hóa thành công khái niệm này với cuộc thi Miss America đầu tiên vào năm 1921.
  • Dần dần, các công ty mua lại bản quyền rồi tổ chức ở các nước khác.

Trong thời buổi hiện tại, các cuộc thi hoa hậu không còn tập trung cho sắc đẹp nữa. Thay vào đó, họ muốn dùng sức ảnh hưởng của các thí sinh để làm nền tảng nhằm quảng bá những mục tiêu như sau:

  • Bình quyền giữa nam và nữ.
  • An sinh xã hội.
  • Quyền lợi công nhân và công đoàn.
  • Bảo vệ môi trường.
  • Tự do và hòa bình.

Đó là vì sao từ năm 2018, cuộc thi Miss America không còn màn trình diễn áo tắm. Ban tổ chức muốn mọi người bớt để ý đến thân thể hay ngoại hình của thí sinh và tập trung vào lý tưởng họ đại diện.

Điều này một phần giải thích vì sao nhan sắc của các hoa hậu Mỹ Âu trong các năm qua, không có gì hấp dẫn đối với phần lớn người Việt Nam.

Nếu hoa hậu Đức thi ở Việt Nam, cô ta sẽ không đi qua xa. Hay nói theo cách bình dân, “Rớt từ vòng gửi xe.”

Không phải vì họ thiếu người đẹp, chỉ là họ không coi hoa hậu là nơi để phô trương nó. Nếu hỏi một người dân bình thường, họ cũng không biết ai là hoa hậu.

Vậy các cô gái đẹp ở Mỹ Âu đã đi đâu?

Tuy không có cuộc nghiên cứu nào, nhưng một người bình thường có thể khẳng định rằng, người đẹp ở các nước phát triển vẫn tồn tại và đang sử dụng mạng xã hội để xây dựng sự nghiệp.

Bạn có thể tìm thấy họ trên Instagram, YouTube hay TikTok – nơi họ có sự tự do sáng tạo và không bị kiềm chế bởi quy định nào. Đó là vì sao ngành công nghiệp Influencer Marketing ra đời.

Còn các cuộc thi hoa hậu không còn được quan tâm nữa. Miss America trong năm 2021 chỉ thu hút 3.6 triệu người xem, một mức thấp kỷ lục.

Quay lại Việt Nam, truyền thông bơm thổi hoa hậu như một cuộc thi đại diện cho phái nữ và phớt lờ những giá trị các nước phát triển đang theo đuổi. Hậu quả là nạn lạm phát sắc đẹp và chức danh vô nghĩa.

Nguy hiểm hơn, nó vô tình tạo hình tượng và tư duy thụ động cho các cô gái trẻ. Mượn lời của Nữ Hoàng Nội Y, “Không có tiền thì cạp đất mà ăn hả?” hay “Lợi thế của tôi là ngoan.”

Hoa hậu không có ý nghĩa gì trừ việc họ thắng một cuộc thi nào đó. Hoa hậu không phải đại diện cho xã hội hay đất nước.

Sở hữu nhiều hoa hậu không có nhiều giá trị gì. Nó chỉ cho thấy đất nước đó sáo rỗng về kinh tế, thua kém về công nghệ, và dân trí ở mức thấp.

Vậy có gì để tự hào khi Việt Nam lạm phát hoa hậu?