Việt Nam có thể trở thành trung tâm tài chính không?

Đó không phải là một ý tưởng nhảm nhí, mà là một đề xuất và kế hoạch phát triển kinh tế. Kèm theo là hàng loạt tiêu đề trong các tờ báo chính thống như:

  • “Điều kiện gì để TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế?” – VNEconomy
  • “Đưa Hà Nội trở thành trung tâm tài chính.” – Báo Thanh Niên
  • “Cần cơ chế vượt trội để TPHCM thành trung tâm tài chính.” – VNExpress

Trên đời này thì không gì là không thể. Nhưng để trở thành một trung tâm tài chính thì chỉ phát triển kinh tế và xây nhiều tòa nhà cao tầng thì chưa đủ. Bạn không thể quy hoạch một khu đất, lập dự án, bơm nhiều vốn, và nơi đó sẽ tự động trở thành cục nam châm. Nếu dễ thì có lẽ các thành phố khác phát triển trước đã đạt được rồi. Nhưng vinh dự này chỉ thuộc về một thiểu số đặc biệt.

Dựa theo chỉ số GFC [Global Financial Centres Index], sau đây là top 10 trung tâm tài chính trên thế giới:

  1. New York, Mỹ.
  2. London, Anh Quốc.
  3. Hong Kong.
  4. Thượng Hải, Trung Quốc.
  5. Los Angeles, Mỹ.
  6. Mumbai, Ấn Độ.
  7. Singapore.
  8. Bắc Kinh, Trung Quốc.
  9. Tokyo, Nhật Bản.
  10. Thẩm Quyến, Trung Quốc.

Tuy đây là 10 nơi lớn nhất, nhưng chỉ riêng New York và London thôi đã chiếm 19% và 38% khối lượng giao dịch ngoại hối. Nghĩa là hơn phân nửa giao dịch ngoại tệ chỉ diễn ra ở hai nơi.

Nếu tìm hiểu, những điều sau đây sẽ cho thấy sự chênh lệch rõ rệt hơn.

  • Đồng Dollar Mỹ chiếm 59% tỷ lệ tiền dự trữ trên thế giới.
  • Thị trường chứng khoán Mỹ trị giá $51 nghỉn tỷ giá trị vốn hóa, chiếm 46% của $111 nghìn tỷ giá trị toàn cầu.
  • 5 trong top 10 trung tâm tài chính nằm ở các nước nói tiếng Anh. Đó là di sản đế chế Anh để lại từ thời thuộc địa cho đến sau thế chiến thứ 2.
  • Nếu nhìn vào top 20 hay 30 thì sẽ thấy phần lớn đều nằm ở các quốc gia Mỹ Âu, nơi có nền chính trị đa nguyên và kinh tế thị trường mở rộng.

Vậy chúng ta có thể tự hỏi, “Tại sao người ta lại chọn gửi tiền ở những nước như Mỹ hay Anh?”

  • Những nơi này có cơ chế phân quyền chính trị, tự do ngôn luận và tòa án độc lập. Dù ai điều hành đi nữa thì quyền lợi của bạn vẫn được bảo vệ.
  • Hệ thống pháp lý minh bạch hạn chế tham nhũng. Điều này làm người ta an tâm và có niềm tin để đầu tư dài hạn. Việc bạn nghĩ gì về người ngồi trong Nhà Trắng không ảnh hưởng đến tài sản của mình. Hay việc bạn lên án người ở trong căn nhà số 10 Downing Street sẽ không dẫn đến việc tiền bạc bị tịch thu. Vì tổng thống không phải là một hoàng đế và thủ tướng không phải là một lãnh tụ.
  • Thủ tục hành chính không rườm rà, hay ít ra là không chồng chéo. Doanh nghiệp biết mình phải làm gì. Khi xin giấy phép thì không có văn hóa hối lộ hoặc cực ít. Nếu muốn thay đổi hay thúc đẩy điều gì đó, họ có thể vận động chính sách thay vì dùng quan hệ để trục lợi.
  • Khi có xung đột, nó sẽ được giải quyết bằng luật pháp chứ không phải dựa theo cảm tính của quan chức. Sự công bằng này là điều hiếm thấy trên thế giới. Không có nơi nào hoàn hảo, nhưng ít ra họ cho người ta tin tưởng.
  • Không có sự kiểm soát về nguồn vốn, giao dịch và lựa chọn cá nhân. Đây là điều trái nghịch với các nước đang phát triển, nơi chính phủ luôn can thiệp quá sâu vào nền kinh tế và dẫn đến nạn quan liêu.

Dựa theo những đặc điểm trên, những London và New York luôn cuốn hút người khác. Từ một du học sinh mơ ước đến Anh để học tập, cho đến một nhà thiết kế phấn đấu để ghi tên mình ở Mỹ. Họ bị quyến rũ không chỉ bởi sự giàu có, mà còn bởi thương hiệu quốc gia. Không phải vì địa lý, mà vì hệ thống và niềm tin. Rất ít quốc gia trên thế giới có thể thiết lập được điều đó.

Hiện tại, có vài thành phố đã thành công trong việc sao chép công thức của Phương Tây. Đi đầu có lẽ là Dubai và Qatar. Mặc dù không phải là thể chế dân chủ, nhưng vì thiết lập nền kinh tế thị trường và cho phép con người đến làm giàu, họ đã trở thành trung tâm tài chính của riêng mình ở Trung Đông.

Tuy dân số của Dubai là 3.5 triệu, nhưng chỉ 11% là người bàn xứ, còn lại là người nước ngoài. Qatar cũng tương tự, trong tổng 2.6 triệu người, chỉ 313,000 hoặc 12% là người bản địa.

Những điều trên chỉ xét về tính thị trường cạnh tranh. Để trở thành trung tâm tài chính, ngoài tiền ra thì nơi đó cần phải thu hút con người đến lập nghiệp lâu dài. Để làm được điều đó thì phải có trường học cho con cái các doanh nhân học hành và bệnh viện để chữa trị khi cần thiết.

Một điều nữa ít được đề cập đến, hay ngại nói công khai, đó là nơi đó có quá trình để nhập quốc tịch hay không, và điều kiện là gì.

Những London và New York luôn đứng đầu vì Anh và Mỹ có khuôn khổ để bạn trở thành công dân. Đó là một phần trong chính sách thu hút và giữ chân nhân tài, nhằm duy trì trạng thái siêu cường quốc. Bạn là ai, từ đâu đến, và quá khứ là gì, không quan trọng bằng việc bạn có thể làm được gì.

Làn sóng nhập cư này chỉ chảy một chiều và bạn không cần là chuyên gia để hiểu. Đến đường Lê Duẩn ở Sài Gòn vào bất cứ ngày nào, bạn cũng thấy một dãy người xếp hàng trước Lãnh Sự Quán Mỹ để chờ phỏng vấn xin visa. Google từ khóa “Đầu tư quốc tịch,” bạn sẽ thấy hơn 37 triệu kết quả. Lướt Facebook hay đọc báo, bạn sẽ thấy hàng loạt các công ty quảng cáo dịch vụ tư vấn đầu tư hộ chiếu của mình.

Ngược lại thì sao. Đố bạn tìm ra cảnh người xếp hàng trước lãnh sự quán Trung Quốc, Indonesia hay Iraq để chờ xin định cư hay du học.

Khi hiểu rằng một trung tâm tài chính không được xây dựng bằng xi măng và giấy in số, chúng ta có thể suy ngẫm.

“Đất nước chúng ta có những yếu tố trên không? Việt Nam có thể bảo đảm quyền lợi và tài sản cá nhân gần như tuyệt đối không?”

Nếu thiếu những yếu tố như đa nguyên, thị trường mở và niềm tin thì khả năng để Việt Nam trở thành trung tâm tài chính là gần không.

Ngay cả Vinfast khi lên kế hoạch niêm yết ở Mỹ, họ cũng đăng ký lập công ty bên Singapore vì không thể làm điều tương tự tại quê nhà. Nó cho thấy sự khác biệt giữa hai môi trường.

Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và góp phần quan trọng trong kinh tế toàn cầu. Nhưng để trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu thì cần hơn những con số tăng trưởng GDP cao hay những kế hoạch vĩ đại.

Bóc Phốt Tài Chính, 30.1.2023