Việt Nam có phải là một nơi đáng sống?

Bạn có bao giờ tò mò người nước ngoài nghĩ gì về Việt Nam không.

Dựa theo trang Expat Insider, vào năm 2022, Việt Nam xếp hạng 7 trong các nước đáng sống nhất. Với 84% độc giả phản hồi cho rằng họ hài lòng với cuộc sống và công việc hiện tại ở đây.

Theo đánh giá của đài CNBC, thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng 6 trong danh sách các nơi lý tưởng để làm việc. Với 89% độc giả cho rằng chi phí sinh hoạt thấp, sự đa dạng về văn hóa và cộng đồng khởi nghiệp sôi động là lý do thu hút họ đến đây.

Không những vậy, Việt Nam còn là nơi phù hợp để về hưu. Dựa theo tạp chí Time + Pleasure, với chi phí nhà cửa và y tế thấp hơn bên Mỹ 49%, đây là nơi khó bỏ qua cho những ai muốn về hưu và tiết kiệm chi phí.

Khác với ngộ nhận của nhiều người, Việt Nam luôn nằm trong top các nước đáng đến. Với dân số trẻ trung, nền kinh tế không ngừng phát triển và tràn đầy cơ hội, gần như không có lý do gì để suy nghĩ tiêu cực.

Sài Gòn và Hà Nội có cả khu đô thị được gọi là “Phố Hàn Quốc.” Với khoảng 156,000 người từ xứ kim chi đang sinh sống ở đây. Nếu đến Phú Mỹ Hưng hay Mỹ Đình, bạn sẽ tưởng mình đang một con phố ở Seoul.

Nhưng nếu hỏi người Việt Nam, thì câu trả lời sẽ gần như ngược lại. Người nước ngoài thì muốn đến Việt Nam tìm cơ hội, còn người Việt Nam thì muốn ra nước ngoài làm điều tương tự.

Tại sao lại có sự mâu thuẫn này?

Để trả lời vấn đề này, bạn cần hiểu về cấu trúc nền kinh tế và quy luật của dòng tiền. Điều này áp dụng cho tất cả quốc gia chứ không riêng gì ở Việt Nam. Là một người đã sống trong và ngoài nước, mình tự tin là có góc nhìn công bằng nhất cho câu hỏi này, thay vì cực đoan hóa.

Xin bắt đầu với nhận định sau:

  1. Nếu là một người làm chủ, có vốn để đầu tư, thì ở Việt Nam dễ làm giàu nhanh hơn.
  2. Còn nếu là một người làm công, có ít tiền, thì các nước Mỹ Âu sẽ là nơi để dễ phát triển hơn.

Để hiểu vì sao thì bạn cần nhìn giai đoạn tăng trưởng của một quốc gia.

Tiềm năng của Việt Nam

Việt Nam là một nước chỉ mới tái mở cửa nền kinh tế từ năm 1986 và bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995. Cho nên còn nhiều thứ chưa được khai thác. Vì là một nước đang phát triển nên tốc độ và mức độ tăng trưởng cũng cao hơn nhiều so với nơi khác.

Nếu GDP của các nước Mỹ Âu chỉ tăng trung bình 3%, thì ở Việt Nam sẽ là 7% và hơn nữa. Điều này tác động nhiều đến phần lợi nhuận bạn có thể đạt được.

Ví dụ bạn có 10 tỷ để mua đất hay nhà cho thuê. Mỗi năm sẽ tăng trưởng bình quân 15-20%, nhất là ở các thành phố lớn. Nghĩa là chỉ sau 4 năm, bạn đã tăng gấp đôi số vốn. Còn ở Mỹ Âu, bạn sẽ mất gấp đôi khoảng thời gian.

Chính sự tăng trưởng chóng mặt này, đã tạo cơ hội làm giàu cho những ai có tiền và muốn mạo hiểm. Nếu là một người đầu tư bất động sản trong 10 đến 20 năm vừa qua ở Việt Nam, bạn sẽ tin vào thuyết “Tiền mọc trên cây.”

Một triệu đô đầu tư ở thị trường đã bão hòa như Mỹ Âu thì chỉ mang lại lợi tức 3-5%. Còn một triệu đô đầu tư ở thị trường tăng trưởng nhanh như Việt Nam, thì sẽ được nhân lên gấp vài lần. Ai lại không thèm muốn điều này chứ.

Nếu để ý, phần lớn người nước ngoài đến Việt Nam là làm chủ hoặc nhà đầu tư. Động lực là lợi nhuận. Có tiền thì Việt Nam sẽ đẻ thêm nhiều tiền và nhanh hơn.

Nhưng đó cũng là điều khiến người dân địa phương cảm thấy phẫn nộ.

Mặt trái của kinh tế Việt Nam

Chính vì Việt Nam là nước đang phát triển nên rủi ro cũng nhiều hơn. Giá bất động sản tăng hai con số liên tục là dấu hiệu cho thấy thị trường đang bị thao túng và sốt đầu cơ. Cái tăng ở đây là giá, còn về cơ sở hạ tầng thì cải tiến rất chậm.

Nếu lên tòa nhà Landmark 81 hay Bitexco và nhìn xuống, bạn thấy nghịch lý. Xung quanh những cao ốc trọc trời là những căn nhà cấp bốn quá xuống cấp, những cô chú bán vé số già, và những con đường đầy ổ gà.

Y tế, giáo dục, hành chính và môi trường cũng là trở ngại. Một người Việt Nam lạc quan nhất cũng bị ám ảnh khi nhắc đến bệnh viện công, chán nản khi bàn về nạn quan liêu và bực bội về ô nhiễm.

Những người Hàn Quốc, Nhật và Mỹ đến đây để kiếm tiền. Nhưng bao nhiêu sẽ định cư lâu dài, nhất là khi có con và muốn nó lớn lên ở một nơi an toàn hơn.

Có tiền thì sống ở đâu cũng được, nhưng nếu chọn Việt Nam, thì bạn sẽ đánh đổi những cái trên cho sự tăng trưởng tài chính cá nhân. Bạn không thể đòi hỏi Việt Nam có đường phố sạch như Nhật, pháp lý như Mỹ và tiêu chuẩn cao như Mỹ Âu.

Bạn có thể sống ở các khu đô thị biệt lập với cộng đồng riêng, nhưng chỉ cần va chạm với xã hội bên ngoài thì khó mà thoát được những bất cập nêu trên.

Đó là nếu bạn làm chủ và có tiền. Còn nếu nghèo thì sao?

Cơ hội cho người làm công

Nếu bạn là một người không tiền, không tài sản và làm công thì ở nước ngoài sẽ dễ kiếm tiền cũng như làm giàu hơn. Lương của một công nhân ở Việt Nam chỉ tầm 7 triệu một tháng. Bạn phải mất cả trăm năm mới để dành đủ tiền để mua một căn nhà. Đó là nếu nó không tiếp tục tăng giá, một điều không tưởng.

Tiền lương ở các nước Mỹ Âu cao gấp chục lần. Ngay cả ở Đài Loan hay Mã Lai cũng cao hơn vài lần. Nghĩa là làm một năm ở nước ngoài bằng bạn làm ở Việt Nam 5-10 năm. Chính vì điều đó, nên bạn sẽ dễ kiếm tiền hơn. Cho nên không trách sao xuất khẩu lao động là trào lưu làm giàu phổ biến nhất ở các vùng quê.

Nếu là người không có trình độ và chỉ có thể làm công việc thấp nhất ở các nước phát triển, bạn sẽ không bị đói. Con cái sẽ được đi học miễn phí, bị bệnh thì không quá lo về phí và không phải lo sợ về nạn quan liêu.

Đó là vì sao những người Việt, Ấn, Phi hay Trung lại thành công hơn ở các nước Mỹ Âu so với ở quê nhà. Vì họ được nền tảng nâng đỡ và cơ chế an sinh xã hội hỗ trợ từ số không để vươn lên.

Mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ kéo dài bao lâu? Không rõ. Nhưng hiện tại vẫn hút vốn quốc tế. Nếu có tiền, ý tưởng hay làm chủ, thì đây là nơi lý tưởng. Còn nếu làm công thì cả đời cũng không mua nổi căn nhà.

Vậy tại Việt Nam có phải là nước đáng sống không?

Khi đã hiểu cách nền kinh tế vận hành và vai trò của cơ chế an sinh xã hội trong cuộc sống, mỗi người trong chúng ta có thể tự đưa ra kết luận riêng. Nên nhớ là không ai có thể có được lựa chọn giống nhau. Bạn không thể bắt một công nhân suy nghĩ như một triệu phú, và sẽ là vô lý nếu áp dụng tư duy của một nhân viên ở Sài Gòn vào một doanh nhân ở Seoul.

Việt Nam không phải là một nước quá tệ, vì có nhiều nơi còn tệ hơn. Về mặt tích cực, Việt Nam là một nơi đáng sống, nếu bạn có một hoặc các thứ sau đây:

  1. Bạn có hộ chiếu của một nước phát triển, nhất là trong khối G7. Vì một người Pháp già sẽ không bị đói vì có lương hưu, một người Mỹ quá tuổi lao động đã có sẵn lượng tài sản tích lũy, và một người Hàn Quốc luôn có thu nhập cao gấp chục lần một người Việt Nam. Khi có sự cố gì, bạn sẽ được bảo trợ và nơi an toàn để quay về. Nếu vậy thì đâu còn gì phải lo sợ nữa.
  2. Bạn được hưởng lương bằng Dollar hay Euro. Với sức mua gấp chục lần nhưng chi phí sống thấp, Việt Nam đúng là một thiên đường. Gói lương 100 triệu trông thật bình thường ở những Paris hay New York, nhưng ở Sài Gòn hay Hà Nội, nó là khoản tiền đủ để có cuộc sống trên trung lưu. Còn nếu là một chuyên gia hưởng gói lương trên $100,000 và được công ty cử đến Việt Nam làm việc, thì còn gì bằng. Bạn có thể sống ở khu cao cấp, thuê người giúp việc và đi du lịch mỗi tuần.
  3. Bạn là một người da trắng. Nói vậy không phải là đề cao chủng tộc mà đây là thực tế. Ở Việt Nam nếu bạn là một người da trắng thì sẽ được dân địa phương nồng nhiệt chào đón. Một người Việt Nam nói tiếng Anh thì là chuyện thường, còn một người Mỹ Âu nói tiếng Việt thì sẽ trở thành hiện tượng. Truyền hình sẽ săn đón bạn, báo chí sẽ viết bài về bạn, và các trung tâm tiếng Anh sẽ gọi điện liên tục để mời về làm việc với mức lương siêu hấp dẫn.

Cho nên không khó hiểu vì sao cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam ngày càng đông. Ngược lại, khu phố người Việt ở Nhật, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Đài Loan và Anh ngày càng nhiều.

Tư duy Thế Giới Phẳng

Nếu bạn là một người có tư duy hiện đại và theo trường phái thế giới phẳng, như tác giả, thì sẽ coi trái đất này là nơi không có biên giới. Con người sẽ đến nơi nào họ tìm được cơ hội, miễn sao là hợp pháp và không gây thiệt hại đến ai.

Cũng như hiện tượng “Chảy máu chất xám” trước đây, Việt Nam không phải là nơi duy nhất chứng kiến sự di chuyển của con người ở hai chiều hướng. Người trong nước muốn ra ngoài, người bên ngoài thì muốn quay lại. Chiếc xe máy Honda và Mercedes tuy là phương tiện đi lại, nhưng giá trị của nó chênh lệch gấp trăm lần, tư duy của người chủ sở hữu nó cũng vậy.

Ngay cả ở trong nước cũng không khác. Thanh niên quê Nghệ An đi xuất khẩu lao động, bạn Hà Nội tìm việc ở Sài Gòn, bạn Vũng Tàu ra Đà Nẵng đầu tư, và một anh người Mỹ đến Việt Nam làm ca sĩ.

Chúng ta hãy bình thường hóa điều đó. Như câu, “Đất lành chim đậu.”

Bóc Phốt Tài Chính, 05.2.2023