Việt Nam chảy máu chất xám, du học sinh không về

Vào tuần rồi khi lướt xem TikTok, xuất hiện trên màn hình của mình là một bạn nữ với gương mặt thiên thần. Ở dưới là dòng chữ như miêu tả nỗi lòng, “Học giỏi để phát triển đất nước ư?”

1, 2, 3 – cũng màn hình và gương mặt đó, nhưng dòng chữ lại đổi thành “Học giỏi để đi khỏi đất nước”.

Đó là một trào lưu mới xuất hiện và bạn nữ kia chỉ là một trong vô số người bày tỏ quan điểm trên nền tảng nội dung ngắn.

Mình hoàn toàn thấu hiểu vì sao họ lại có tư duy như vậy. Nhưng việc thể hiện quan điểm cá nhân đó đã vô tình va chạm đến lòng yêu nước và hoài bão để góp sức cống hiến cho nơi mình sinh ra của một số người. Như thể ai đó đang xúc phạm hay vô ơn đến khái niệm tổ quốc.

Hay ít ra theo mình là vậy, vì nếu không thì tại sao lại có hàng ngàn người xa lạ bỗng dưng bình luận tiêu cực và đưa hình ảnh của các bạn kia lên diễn đàn để lên án?

Mình xin trích lại vài bình luận.

  • “Bạn muốn đi đâu thì tùy, nhưng đừng bao giờ vô ơn với nơi nuôi dưỡng mình.”
  • “Bạn đừng quên mình là ai nhé.”
  • “Mới ba lớn, học có chút thành tích mà đã vô ơn.”

Chắc không cần thêm ví dụ thì bạn đã hiểu vấn đề là gì rồi chứ.

Tuy đây chỉ là quan điểm cá nhân nhưng mình tin nhiều người cũng có chung suy nghĩ.

Đó là nếu chúng ta lên án việc các bạn trẻ cố gắng học tập để đi du học, làm việc ở ngoài nước, hay định cư ở nơi khác thì đó có lẽ là một nhận định cực đoan và thiếu tầm nhìn. Ai cũng có mưu cầu hạnh phúc và theo đuổi thành công cá nhân, dù là ở đây hay bất cứ một nơi nào khác.

Thậm chí, chúng ta có một thuật ngữ để miêu tả hiện tượng này – Chảy máu chất xám.

Nó được thể hiện rất õ khi trong 20 nhà vô địch Đường Lên Đỉnh Olympia, chỉ có 3 người quay trở về Việt Nam làm việc và sinh sống. Số còn lại đã lựa chọn xứ sở của Koala để làm quê hương thứ hai. Đến mức dân mạng đùa rằng nên đổi tên chương trình kia thành “Đường lên đỉnh Australia” hay “Chương trình tìm kiếm nhân tài cho nước Úc” vì tuy nó được tổ chức ở Việt Nam nhưng những người thắng cuộc đã chọn nơi khác để phát triển.

Nhìn rộng hơn, có vài con số sẽ khiến chúng ta suy ngẫm. Mỗi năm, Việt Nam có tầm:

  • 100,000 người đi định cư nước ngoài.
  • 100,000 người đi xuất khẩu lao động với Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia chính.
  • và trung bình 190,000 du học sinh đang theo đuổi chương trình ở các trường khắp nơi trên thế giới.

Nó chỉ chiếm chưa được 0.5% tổng dân số nhưng khi kéo dài theo năm tháng thì trở thành một lượng lao động và tri thức không nhỏ ở ngoài nước. Đối với nhiều người, đó là sự mất mát cho nền kinh tế đang khan hiếm nhân lực và nỗi đau lòng khi con người phải sống xa quê hương.

Nếu bạn là một người cởi mở, theo lý tưởng thế giới phẳng và coi mình là công dân toàn cầu thì suy nghĩ trên không những vô lý mà còn nghịch hiện đại.

Nếu chúng ta lên án việc du học sinh không trở về sau khi tốt nghiệp, hay ai đó chọn làm việc ở ngoài nước, thì có lẽ cần nhìn lại trong nước vì hiện tượng di chuyển của con người và chất xám cũng đang diễn ra.

Bao nhiêu sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội hay Sài Gòn học rồi trở về quê nhà, thay vì ở lại tìm việc? Chắc khỏi cần làm khảo sát hay tìm con số thống kê nào đó thì cũng biết chắc rằng phần lớn các bạn trẻ ở tỉnh chỉ muốn ở lại các thành phố lớn để phát triển sự nghiệp.

Bạn sẽ hỏi vì sao họ không về quê. Vì về thì cơ hội việc làm quá ít, thị trường kém cạnh tranh, môi trường quan liêu và hàng loạt lý do khác. Như một con cá từ ao bơi ra biển, nó sẽ không muốn quay về.

Vậy tỉnh Nam Định có nên lên án các con em mình sau khi tốt nghiệp ở Hà Nội lại không muốn về quê để cống hiến hay xây dựng thương hiệu phở bò không? Hay tỉnh Cà Mau phải ngăn chặn người trẻ lên Sài Gòn tìm cơ hội, thay vì ở lại bán cua?

Bạn sẽ cho rằng đó là điều vô lý vì mỗi cá nhân phải làm điều tốt nhất cho mình và ngăn cản không giải quyết gì mà chỉ làm tất cả nghèo hơn. Đất lành chim đậu. Chất xám cần phải đi đến nơi tận dụng nó tối ưu nhất.

Sinh viên tỉnh lẻ hay du học sinh cũng vậy. Họ rời nơi mình sinh ra để đến một môi trường khác. Mỗi người có một lợi thế, mục tiêu và lựa chọn riêng. Chúng ta không thể nào hoạch định cuộc sống của hàng triệu cá nhân khác vì chỉ họ mới biết được điều tốt nhất cho mình là gì.

Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi gia đình tốn hàng tỷ đồng cho bạn du học để lấy một tấm bằng quốc tế nhưng mức lương cho các tân cử nhân trong nước chỉ vài triệu đồng? Nếu bạn không có quan hệ, tiền và kinh nghiệm thì khả năng thành công vô cùng thấp. Nếu về thì không khác nào tự đưa bản thân vào tình huống khốn khổ.

Việt Nam đã không còn là nơi khép kín nữa mà đã trở thành một quốc gia hội nhập toàn cầu và sự linh động của con người là một điều không thể cản được. Thậm chí, nó là điều bắt buộc. Nhìn thoáng hơn, bạn không cần phải ở Việt Nam để giúp đất nước phát triển vì vốn và chất xám bây giờ có thể di chuyển xuyên biên giới.

Một người đi xuất khẩu lao động ở Nhật, mỗi tháng kiếm được $1,000. Một người đi làm ở một quốc gia phát triển, lương $100,000. Họ dùng số tiền đó để mang về đầu tư, giúp đỡ gia đình, tạo công ăn việc làm và từ đó, Việt Nam có lượng kiều hối $17 tỷ mỗi năm để phát triển. Bây giờ, đó có phải là chảy máu chất xám không hay là sự linh hoạt của con người. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng phải ở trong nước thì mới có thể góp sức.

Tác động của làn sóng trí thức, nhà đầu tư và du học sinh trở về có thể được nhìn thấy mỗi ngày. Nếu làm việc trong một công ty đa quốc gia ở Sài Gòn hay Hà Nội, không còn ai bất ngờ khi đồng nghiệp mình đã từng du học ở đâu đó. Nhìn thành viên trong ban lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu trong nước, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy không ít người là thành quả giáo dục toàn cầu. Còn nếu bạn theo dõi Shark Tank Việt Nam, hãy tìm hiểu thử xem và sẽ biết một phần ba các “Cá mập” đang sở hữu hộ chiếu ngoại.

Chúng ta không phải là nước duy nhất với mạng lưới sinh viên học tập trên toàn cầu đâu. Trung Quốc đang có hơn 1,000,000 sinh viên du học và Hàn Quốc thì có hơn 170,000. Nhưng không ai coi đó là chảy máu chất xám mà là cách nhanh nhất để bắt kịp kiến thức. Khi có đủ kinh nghiệm, vốn, địa vị và sự tự tin, họ sẽ về. Nhưng không phải vì lý tưởng cống hiến mà là vì tư lợi. Họ cảm thấy mình có thể phát triển sự nghiệp tốt hơn và có nhiều cơ hội hơn.

Cho nên, đừng lên án ai khi họ bày tỏ quan điểm, “Học giỏi để đi nước khác” hay “Về làm gì?” Hãy để họ tự quyết và vui lên khi thấy người Việt Nam thành công ở nơi khác. Trong tương lai, mình tin rằng những tiêu đề như “Chảy máu chất xám” hay “Du học sinh không về” sẽ không còn thu hút nhiều sự quan tâm như bây giờ nữa vì người ta đã bình thường hóa nó và làn sóng trở về khởi nghiệp.

Mỗi cá nhân xây dựng thành công cho riêng mình. Khi hàng triệu người cộng lại thì đó là thịnh vượng quốc gia.

Nguyễn Trọng Nhân, 22.8.2022