Trẻ học ngoại ngữ dễ hơn người lớn?

Trẻ học ngoại ngữ dễ hơn người lớn? | Đúng vậy, là một người đang học một ngoại ngữ khi tuổi đã trên ba thập niên, tôi hoàn toàn thừa nhận. Nhưng suy ngẫm thì nguyên nhân không phải là vì tuổi tác mà là yếu tố khác.

Trong đời tôi đã học tiếng Việt, Anh, Pháp, Nhật, Đức và bây giờ là Trung [Hoa]. Nhưng ngoài Việt và Anh thì tất cả còn lại đều thất bại. Ngay cả khi học gia sư thì cũng không tiến bộ cho lắm. Cô gia sư dạy tôi chắc cũng đang nản và nôn đến buổi học cuối cùng vì anh học trò này dạy hoài không vô.

Khi tôi tâm sự điều này thì nhiều bạn bè bằng tuổi cũng đồng ý. So với đám trẻ thì người lớn tiếp thu quá chậm. Những học sinh 7 tuổi học trường quốc tế thì có thể nói tiếng Anh như mẹ đẻ. Hoặc một học sinh trung học sau một năm học tiếng Nhật thì có thể đọc Hiragana và Katakana cơ bản. Nhưng một người lớn dù học dồn mấy năm liên tục thì vẫn dậm chân tại chỗ.

Nhưng bạn đừng buồn, không phải bạn ngu ngốc gì đâu. Theo phân tích của tôi thì là vì như sau.

  1. Học ngôn ngữ mới rất khó và cần đầu tư nhiều thời gian. Sở dĩ bạn cho rằng tiếng Anh dễ là vì đã được học từ cấp 1, tính đến bây giờ thì cũng ít nhất 10 năm rồi. Nhưng có ai dám chắc tự nhận mình giỏi không. Nếu nỗ lực một thập niên chưa là gì thì vài tháng làm sao có thể thành thạo một ngôn ngữ được. Không thể, trừ khi bạn là một thiên tài hoặc cá nhân có năng khiếu ngoại ngữ bẩm sinh.
  2. Bọn trẻ chỉ lo học và không cần lo lắng về điều gì. Còn bạn là người lớn nên bận với hàng tá việc. Suy nghĩ xem, một học sinh thì chẳng cần làm gì cả trừ việc học. Cho nên họ có nhiều thời gian và đầu tư nhiều công sức hơn, nên tiếp thu dễ hơn. Còn bạn thì đi làm về mệt, phải học thêm nhiều cái khác vì công việc cho nên ngôn ngữ chỉ là “học cho vui” chứ ít ai chịu đầu tư thời gian nghiêm túc.

Sau 3 tháng tự học tiếng Trung online và gia sư thì tôi chỉ đọc được Pinyin và vài câu giao tiếp cơ bản. Kết quả là có hứng coi phim Hong Kong, Trung Quốc hoặc Đài Loan hơn. Còn kêu tôi làm thông dịch thì chắc sẽ làm thảm hoạ. 

Cho nên đừng quá buồn. Hãy coi ngôn ngữ là niềm vui. Trừ khi bạn phải sống chết với nó thì đừng quan trọng vấn đề.

Bóc Phốt Tài Chính | 03.1.2021

Leave a Comment