Trái phiếu là gì, có nên mua trái phiếu không

Nếu mua cổ phiếu, bạn dùng tiền để góp vốn để đổi lấy cổ phần trong một doanh nghiệp. Còn với trái phiếu, thì bạn trở thành người cho họ vay tiền trong khoảng thời gian nhất định. Nghĩa là bạn là chủ nợ, họ là con nợ.

Xin giải thích như sau.

  • Đây là John. Bây giờ anh ta cần $1000 để mua cái iPhone. Nhưng vì ngân hàng không cho anh ta vay và cũng không thể mua trả góp nên đành phải dùng cách khác.
  • Anh ta gọi điện thoại cho người bạn của mình và nói, “John nè. Bây giờ bạn cho mình vay $1000 để mua cái iPhone đi. Mình sẽ trả bạn 10% lãi sau một năm. Mình sẽ viết luôn cái giấy nợ.”
  • Anh bạn kia đồng ý. Vậy là John viết tờ giấy nợ và ký tên.
  • Sau đó người bạn chuyển $1000, John dùng để mua iPhone và đi làm trả lại tiền không thiếu một xu.

Đó là một ví dụ của trái phiếu. Nói ngắn gọn, trái phiếu là tờ giấy nợ, là một lời cam kết vay tiền và trả lại giữa người vay và cho vay.

Để hiểu trái phiếu thì chúng ta cần nhớ 4 con số sau.

  1. Face value | Mệnh giá. Mỗi tờ trái phiếu có giá bao nhiêu. Ví dụ $1000.
  2. Coupon rate | Lãi suất trái phiếu. Số tiền lãi người vay sẽ trả. Ví dụ 10% hoặc $100 mỗi năm.
  3. Coupon period | Thời hạn trả lãi. Ví dụ mỗi 6 tháng. Với lãi 10%, tiền trả $100 mỗi năm thì mỗi 6 tháng sẽ là $50.
  4. Maturity date | Thời điểm đáo hạn. Đó là thời hạn vay hay trái phiếu sẽ kéo dài bao lâu.
  5. Yield | Lợi tức trái phiếu. Chỉ số cho thấy nhà đầu tư sẽ thu được bao nhiêu từ số tiền mình bỏ ra. Ví dụ mệnh giá $1000, lãi 10% nhưng bạn mua được với giá $900 thì lợi tức là 11%.

DOANH NGHIỆP – Nhưng đó là ví dụ ở cấp cá nhân. Còn doanh nghiệp thì sao. Bây giờ xin lấy Tesla làm ví dụ.

Elon Musk là một người đầy tham vọng và muốn biến Tesla trở thành đế chế xe điện toàn cầu. Muốn đạt được điều đó thì phải xây dựng nhà máy, hệ thống sạc điện và đầu tư vào nghiên cứu phát triển.

Để làm vậy thì Tesla cần rất nhiều tiền. Bây giờ có 3 lựa chọn chính. Đó là vay ngân hàng, bán cổ phiếu hoặc bán trái phiếu.

  1. Vay ngân hàng thì cũng được nhưng hạn chế về số lượng vốn vì ngân hàng không muốn nắm giữa quá nhiều khoản nợ tập trung. Chưa kể phải có tài sản thế chấp và phải làm theo điều lệ do ngân hàng đặt ra. Cho nên cách này không thuận lợi lắm đối với Tesla.
  2. Bán cổ phiếu thì cũng không sao. Nhưng Musk không muốn mất thêm cổ phần và giảm tỷ lệ sở hữu xuống. Chưa kể ông ta tin rằng giá cổ phiếu Tesla có thể sẽ tăng thêm nữa cho nên bán bây giờ thì quá phí.
  3. Chỉ còn lại một cách, đó là bán trái phiếu. Nó cho phép Tesla vay tiền từ những cổ đông và thị trường với thời hạn thuận lợi.

Với suy nghĩ đó, vào năm 2020 Tesla quyết định bán $1.8 tỷ trái phiếu, với mệnh giá mỗi cái là $1000, lãi suất 5.3%, mỗi năm trả lãi 2 lần và thời hạn là 5 năm.

Bây giờ bạn là một người hay tổ chức có tiền nhàn rỗi nên muốn mua trái phiếu Tesla.

  1. Bạn liên hệ công ty chứng khoán để mua ví dụ $1000. Bây giờ bạn đang là chủ nợ của Tesla. Lợi ích là trong trường hợp công ty phá sản, bạn sẽ được ưu tiên trả tiền. Mặt trái là bạn chỉ được trả lãi cố định dù giá cổ phiếu có tăng 100 lần.
  2. Mỗi năm, Tesla sẽ trả lãi 5.3% của $1000 là $53.
  3. Và sau 5 năm, Tesla trả lại bạn số tiền đã vay là $1000.
  4. Nhờ số tiền vay của bạn mà Tesla mới có thể mở rộng quy mô, xây dựng hàng ngàn điểm sạc điện trên toàn thế giới và làm thay đổi thị trường xe hơi.

CHÍNH PHỦ – Ngoài doanh nghiệp thì chính phủ là đơn vị vay tiền bằng cách bán trái phiếu lớn nhất.

  1. Bây giờ chính phủ cần $100 tỷ để xây dựng cơ sở hạ tầng.
  2. Thế là họ quyết định bán trái phiếu với lãi suất 4% thời hạn từ 5, 10 cho đến 30 năm.
  3. Vì sao lãi suất lại thấp đến vậy. Vì người ta cho rằng trái phiếu chính phủ luôn an toàn vì khả năng xù nợ là gần không.
  4. Người mua có thể là bạn, ngân hàng, quỹ hưu trí hay doanh nghiệp.
  5. Chính phủ dùng tiền đó để trả lương, xây trường học và bệnh viện. Sau đó thu thuế để trả lại.

Nếu bạn đi làm và tham gia Bảo Hiểm Xã Hội thì 90% số tiền sẽ được dùng để mua trái phiếu chính phủ.

RỦI RO VỚI TRÁI PHIẾU – Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy. Trong tài chính, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Nếu mua cổ phiếu, bạn phải chấp nhận khả năng mất trắng khi công ty phá sản. Còn khi mua trái phiếu thì bạn phải chấp nhận những rủi ro sau.

  1. Rủi ro lãi suất. Đó là lãi suất có thể tăng và bạn có thể thiệt thòi vì nắm lãi thấp hơn. Ví dụ bạn mua trái phiếu với lãi suất 5% nhưng sau đó, lãi suất tiết kiệm ngân hàng tăng lên 7%. Lúc này thì bạn phải chịu thiệt vì bỏ lỡ lãi suất cao hơn vì đã mua trái phiếu. Còn không thì có thể bán lại trái phiếu cho người khác.
  2. Rủi ro vỡ nợ. Đó là doanh nghiệp hay tổ chức vay mượn phá sản và không có khả năng trả lại tiền. Khác với cổ phiếu, người nắm trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước nhưng sẽ rất thiệt thòi.
  3. Rủi ro lạm phát. Đó chính là sự mất giá của đồng tiền. Ví dụ lãi suất trái phiếu là 5% nhưng lạm phát đã là 4% thì bạn thực chất chỉ nhận lại 1% giá trị vì tiền mất giá.

Để giải quyết vấn đề trên thì thị trường trái phiếu được lập ra để người mua và bán có thể trao đổi với nhau. Y chang như cổ phiếu, giá cả được quyết định bởi cung cầu.

  1. Công ty nào có mức rủi ro thấp và được người khác tin tưởng thì có thể bán trái phiếu với lãi suất thấp. Công ty nào có mức rủi ro cao thì phải bù đắp bằng việc trả lãi suất cao hơn. Rủi ro càng cao, lãi suất càng cao để phản ánh giá trị thật.
  2. Nếu nhà đầu tư mất niềm tin, họ có thể bán trái phiếu trên thị trường. Điều này sẽ làm giảm giá trái phiếu. Lấy ví dụ Tesla. Vì cho rằng công ty sẽ phá sản nên nhà đầu tư bán lại trái phiếu với giá $900, trong khi lãi vẫn là 5.3% của $1000. Điều này đẩy Bond Yield [Lợi tức trái phiếu] lên 5.89%.
  3. Ngược lại, lợi tức cũng có thể giảm. Điều này đang xảy ra với trái phiếu chính phủ. Lý do là thị trường có quá nhiều tiền và họ cho rằng trái phiếu chính như Mỹ và Đức là an toàn nhất nên đua nhau mua. Điều này đẩy giá trái phiếu lên và làm giảm lợi tức. Nhưng người ta vẫn sẵn lòng vì cho rằng đó là nơi an toàn nhất.

Giá cả trái phiếu lên xuống theo cung cầu và theo thời gian. Nó được giao dịch như hàng hóa vậy.

  1. Nó giúp kết nối vốn nhàn rỗi với doanh nghiệp.
  2. Nó cho phép nhà đầu tư tham gia mua bán mà không cần phải nắm giữ lâu dài vì họ có thể bán lại cho người khác.
  3. Nó phân chia rủi ro ra nhiều phần và là một điều không thể thiếu của nền kinh tế hiện đại.

Còn rất nhiều loại trái phiếu. Như trái phiếu bảo đảm, không bảo đảm và chuyển đổi. Nhưng không thể nói hết trong clip này.

TRÁI PHIẾU Ở VIỆT NAM – Vậy bây giờ bạn có thể mua trái phiếu bằng cách nào. Vì rủi ro đi kèm quá lớn nên kênh này sẽ không quảng bá cho bất cứ nền tảng mua bán trái phiếu nào. Nhưng nếu muốn, bạn có thể mua ở những nơi sau đây:

  1. Các công ty chứng khoán. Có trái phiếu doanh nghiệp và quỹ trái phiếu.
  2. Ngân hàng.
  3. Bảo hiểm nhân thọ.

Nhưng như nói trên, thị trường Việt Nam còn non trẻ và chứa nhiều rủi ro. Tốt nhất là đừng mua những gì mình không hiểu. Khác với cổ phiếu, trái phiếu khó định giá và kiểm soát hơn nên khi có vấn đề, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đòi đền bù. Hãy cẩn thận.

Bóc Phốt Tài Chính, 10.10.2022