TikTok bị Mỹ cấm vì an ninh quốc gia, tự hỏi tự trả lời

Mới đây, Hạ Viện Mỹ đã thông qua bộ luật nhằm cấm TikTok. Tuy chỉ là bước đầu, nhưng nếu được Thượng Viện và Tổng Thống duyệt, Bytedance sẽ có 6 tháng để bán cổ phần hoặc bị cấm.

Hãy cùng tìm hiểu.

Q. TikTok là gì và tại sao Quốc Hội Mỹ muốn cấm nó?

  • TikTok là một nền tảng mạng xã hội, chuyên về chia sẻ video ngắn.
  • Được thành lập vào năm 2016 bởi Bytedance, một công ty Trung Quốc có trụ sở chính ở Bắc Kinh.
  • Theo luật An Ninh Mạng của Trung Quốc, tất cả các công ty phải giao dữ liệu người dùng cho chính quyền khi yêu cầu và không có ngoại lệ. Khái niệm công ty tư nhân là điều khá mơ hồ vì ranh giới mong manh.
  • TikTok là phiên bản quốc tế của Douyin và có trụ sở chính ở Singapore. Nhưng chủ sở hữu vẫn là Bytedance.
  • Trên giấy tờ, TikTok và Douyin là hai công ty riêng biệt. CEO của TikTok đã nhiều lần bảo đảm rằng họ chưa bao giờ hợp tác hay giao dữ liệu cho chính quyền Bắc Kinh. Nhưng các nhà lập pháp ở khối Mỹ Âu vẫn không tin tưởng.
  • Vì lo sợ TikTok sẽ trở thành mối đe dọa đến an ninh quốc gia, nên một số quốc gia đã có chính sách cấm. Nổi tiếng nhất là Ấn Độ, vốn đã cấm 59 app của Trung Quốc, trong đó có TikTok vào năm 2020. Ở Mỹ và các nước Châu Âu, một số cơ quan công quyền đã cấm nhân viên cài TikTok trên thiết bị công vụ.
  • Nhìn rộng hơn, quốc hội Mỹ lo sợ nếu một công ty trực thuộc Trung Quốc khi nắm quá nhiều dữ liệu của người dân, họ sẽ lợi dụng và thao túng thông tin và bầu cử.
  • Sau vài năm cân nhắc, vào ngày 13.3.2024, Hạ Viện Mỹ đã thông qua bộ luật nhằm cấm TikTok với số phiếu là 352 thuận và 65 chống. Đây được coi là một nỗ lực lưỡng đảng. Chỉ cần Thượng Viện thông qua và Tổng Thống Ký, nó sẽ có hiệu lực.

Q. Bộ luật có gì và sẽ cấm TikTok bằng cách nào?

Nói chính xác hơn, bộ luật không nhắc đến tên riêng của bất cứ nền tảng nào. Mang tên HR7521, nội dung như sau:

  • Cấm sử dụng và phân phối những ứng dụng nào được sở hữu bởi địch thủ ngoại trong biên giới nước Mỹ.
  • Ứng dụng liên quan có 180 ngày để giải quyết vấn đề.

Nói theo cách bình dân:

  • TikTok là công ty của Trung Quốc, đe dọa đến an ninh quốc gia.
  • Nếu muốn tiếp tục hoạt động thì phải bán cổ phần cho một công ty không phải của Trung Quốc. Nhưng với mức trị giá tầm $50 tỷ, chỉ có một công ty Mỹ mới đủ vốn để mua lại.

Các công ty Mỹ sẽ bị cấm hợp tác với TikTok. Trong đó có Apple và Google, chủ sở hữu của iOS và Android. Nếu không được chạy trên hai hệ điều hành đó, TikTok coi như bị biến mất.

Q. TikTok có bao giờ giao dữ liệu cho chính quyền Bắc Kinh chưa?

Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng công khai nào để xác nhận TikTok giao dữ liệu cho Bắc Kinh. Máy chủ của họ nằm ở Mỹ, Singapore và Mã Lai.

Trong một đơn kiện TikTok ở Mỹ vào năm 2023, một cựu nhân viên bao cấp tên Yintao Yu, đã cáo buộc rằng chính quyền Bắc Kinh đã theo dõi một số người hoạt động dân sự ở Hồng Kông thông qua TikTok. Tuy không đưa ra bằng chứng, nhưng ông ấy đã tuyên thề là mình nói sự thật.

Có thể đó chỉ là bịa đặt. Nhưng, vấn đề lớn nhất là niềm tin. Sẽ khó thuyết phục khi công ty sở hữu TikTok vẫn thuộc sự kiểm soát của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ khó mà tin rằng Trung Quốc không tận dụng công cụ này để theo dõi người dùng vì mục đích chính trị.

Q. TikTok có thể lợi dụng dữ liệu thế nào để đe dọa đến an ninh quốc gia?

Đây là lý luận của các nhà lập pháp Mỹ khi muốn cấm TikTok. TikTok hiện tại có hơn 150 triệu người dùng ở Mỹ. Đa dạng về tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa vị, và địa lý. Trong trường hợp một chính quyền nào đó muốn lợi dụng dữ liệu để thao túng dư luận và chính trị Mỹ, họ có thể làm như sau.

  • Tạo nội dung nhắm chính xác vào đối tượng. Ví dụ, trong một cuộc bầu cử vị trí Thượng Viện, ứng cử viên A có quan điểm bất đồng với Bắc Kinh. Họ muốn ứng cử viên B thắng. Để làm vậy, họ sẽ tạo nội dung liên quan để quảng bá cho A và triệt hạ B.
  • Đề xuất nội dung tuyền truyền và cấm ngần nội dung phản tuyên truyền. Ví dụ, Bắc Kinh thích ăn chuối, họ sẽ yêu cầu TikTok đẩy mạnh đề xuất nội dung về ăn chuối. Ngược lại, họ sẽ ngầm hạn chế đề xuất về nội dung phản bác chuối.
  • Đề xuất nội dung nhảm để làm giảm dân trí. Cái này không thuyết phục cho lắm vì nội dung được người dùng tạo ra. TikTok đề xuất dựa theo lựa chọn của mỗi người.
  • Lợi dụng thông tin cá nhân để trục lợi. Ví dụ, A gửi một tấm ảnh nhạy cảm cho B trên tin nhắn của TikTok. TikTok sở hữu tấm ảnh đó, nếu một chính quyền nào đó muốn trục lợi, họ có thể dùng để tống tiền và điều khiển A. Nhất là nhân viên trong bộ máy công quyền.

Sự việc không nghiêm trọng đến mức đó, nhưng đây là vấn đề về niềm tin.

Q. Facebook và Google cũng thu thập dữ liệu người dùng thì sao?

Tất cả ứng dụng đều thu nhập dữ liệu người dùng. Nhưng Facebook và Google nằm dưới sự quản lý của Mỹ, một nhà nước đa nguyên với cơ quan độc lập và đối lập. Người dùng tin tưởng rằng nếu Facebook lợi dụng thông tin, họ sẽ bị trừng phạt.

Facebook và Google dùng thông tin chủ yếu để phân phối quảng cáo, đề xuất nội dung, và kiếm lợi nhuận. Giống như chính quyền Mỹ nắm được rất nhiều thông tin của công dân, nhưng người dân họ vẫn không hoang mang.

Sẽ rất khó để nói điều tương tự với TikTok vì Trung Quốc là phiên bản đối nghịch của Mỹ. Nơi nào cũng thu thập thông tin, nhưng quan trọng là họ dùng để làm gì.

Q. TikTok đang làm gì để giải quyết vấn đề trên?

Kể từ khi hoạt động ở Mỹ, TikTok đã chạy chiến dịch truyền thông để tạo hình ảnh thân thiện và chinh phục người tiêu dùng toàn cầu.

  • Họ đặt trụ sở chính ở Singapore, một lãnh thổ có mức độ tự do kinh tế cao.
  • Họ chọn một CEO điển trai để tạo hình ảnh chuyên nghiệp.
  • Họ biến nền tảng mình thành một nền kinh tế thu nhỏ. Nơi các nhà sáng tạo nội dung có thể phát triển sự nghiệp. Từ đó ra đời hàng loạt KOL, KOC, và ngôi sao TikTok với hàng triệu người theo dõi.
  • Để phản bác nỗ lực của quốc hội Mỹ, họ đã chi tiền để đưa các nhà sáng tạo nội dung đến Washington D.C để lên tiếng. Vì quá nhiều người phụ thuộc và TikTok nên họ có động cơ để không muốn nó bị cấm.
  • Riêng ở Việt Nam, với hơn 50 triệu người dùng, TikTok đã trở thành một thứ không thể thiếu. Hàng loạt nhà sáng tạo nội dung đã xây dựng sự nghiệp của mình trên nền tảng này. Kéo theo đó là các nhãn hàng và công ty dịch vụ marketing được mọc ra chỉ để phát triển trên TikTok. Tuy chưa có khảo sát nào, nhưng chỉ cần quan sát dư luận, bạn cũng có thể tạm kết luận là người dùng TikTok ở Việt Nam không muốn Mỹ cấm TikTok chút nào.

Q. Các nhà sáng tạo nội dung nên làm gì để phòng hờ việc TikTok bị Mỹ cấm?

TikTok là một mô hình đột phá. Trước đây, để nhiều người biết đến bạn, thì phải mất một khoảng thời gian dài. Nhưng với TikTok, chỉ cần làm bạn nội dung hay, nó sẽ được đề xuất đến nhiều người. Một clip triệu view là điều cực khó bên YouTube, nhưng với TikTok, nó là điều bình thường.

Nhưng theo quan điểm cá nhân, họ nên bớt phụ thuộc vào một nền tảng. Họ nên chia thời gian và công sức để phát triển trên Facebook, Instagram, và YouTube. Để khi mất một, nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công việc.

Q. Nếu bộ luật thông qua, TikTok phải làm gì để không bị cấm?

Đơn giản, Bytedance phải bán cổ phần TikTok cho một công ty nước ngoài, chủ yếu là Mỹ. Chỉ khi các nhà lập pháp Mỹ tin rằng Trung Quốc không còn kiểm soát TikTok, họ mới chấp nhận.

Q. Mỹ là nước tự do đa nguyên, vậy sao lại cấm TikTok?

Như nói trên, lý luận ở đây là nó đe dọa đến an ninh quốc gia. Chúng ta cũng có thể hỏi ngược lại. Trung Quốc đã cấm những Facebook, Google, và YouTube vì lý do tương tự. Quốc hội Mỹ cũng đang làm điều tương tự. Họ không muốn cấm TikTok, họ chỉ muốn bảo vệ dữ liệu người dùng khỏi bàn tay của một chính quyền không thân thiện.

Q. Người Mỹ nghĩ gì về việc cấm TikTok?

Tuy không có số liệu chính thức nào ở cấp quốc gia, nhưng chúng ta có thể dùng khảo sát của Pew Research vào tháng 20/2023.

  • 38% người lớn ở Mỹ ủng hộ cấm
  • 27% người lớn ở Mỹ không đồng ý

Các nhà lập pháp cũng đã thăm dò dư luận trước khi đưa ra quyết định. Thành phần không đồng ý lớn nhất là giới trẻ, với tỷ lệ 50% không ủng hộ và 18% ủng hộ.

Q. Nêu vài lý do để cấm TikTok.

  • TikTok thuộc Bytedance, một công ty nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh. Chúng ta có muốn đánh cược với điều đó không?
  • TikTok kiểm duyệt nội dung và tạo sân chơi không công bằng đối với một số người.
  • Nếu tiếp tục phát triển, TikTok có thể soán ngôi YouTube và Mỹ sẽ mất vị trí đứng đầu ở mảng này.

Q. Nêu vài lý do để không cấm TikTok?

  • Cách tốt nhất để cạnh tranh với TikTok là tạo một nền tảng tốt hơn. YouTube và Facebook đang làm điều đó. Nhưng vì đi sau nên mất lợi thế. Nhưng tương lai có thể khác.
  • Cấm TikTok sẽ khiến hàng vạn người mất việc, nhất là những ai đã phát triển dựa trên nền tảng này.

Kết luận: Mình cũng là một người xuất bản nội dung và sử dụng TikTok. Nếu bị cấm, nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng may mắn, mình đã có YouTube. TikTok là nền tảng quá tốt nếu bạn muốn phát triển thương hiệu. Mô hình đề xuất nội dung của họ đã mang lại sự sáng tạo và ép YouTube phải cải thiện. Mình thực sự không muốn TikTok bị cấm và mong là sẽ có giải quyết phù hợp cho đôi bên.

Kết quả lý tưởng và tối ưu nhất là Bytedance bán 51% cổ phần TikTok cho một công ty khác như Microsoft. Mỹ sẽ nắm quyền kiểm soát, TikTok sẽ tiếp tục phát triển, Bytedance tiếp tục thu lời, người sẽ an tâm, và chúng ta sẽ không có lý do gì để đả kích TikTok nữa.

Nội dung trên chỉ là góc nhìn cá nhân. Cảm ơn mọi người đã theo dõi.

Nguyễn Trọng Nhân, 14.3.2024