Tiếng Anh, từ chuyên ngành thành công cụ phổ thông

Tiếng Anh, từ chuyên ngành thành công cụ phổ thông | Mười hay hai mươi năm về trước nếu bạn giỏi tiếng Anh thì có thể làm việc ở bất cứ nơi nào, doanh nghiệp sẽ săn đón bạn và tương lai rộng mở. Thời đó nó được coi là chuyên ngành vì mức phổ cập vẫn tương đối thấp. Ai có nó sẽ được ưu tiên.

Nhưng bây giờ thì không. Khi một cái gì đó trở nên quá phổ biến thì nó không còn là chuyên môn chuyên ngành nữa, mà trở thành kỹ năng hoặc công cụ. Nó là điều kiện chứ không còn là lợi thế như thời mới phát triển.

Giống như ngành tài chính. Trước thì quá ít người hiểu biết nên những ai tốt nghiệp sẽ được chào mời. Nhưng từ từ thì các trường đã đưa nó vào chương trình dạy và bây giờ bất cứ sinh viên nào ra trường cũng biết ít nhiều về cách cỗ máy tài chính thế giới vận hành ra sao. Không cần sâu mà phải hiểu sơ sơ.

Kèm với sự phổ biến của các trang mạng xã hội và công cụ phân tích, một sinh viên tài chính hay MBA thời nay không còn có lợi thế khi đầu tư chứng khoán so với người bình thường nữa. Vì bất cứ ai cũng có thể học một khoá online rồi tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

Tiếng Anh cũng không khác gì. Ngày xưa khi cãi lộn thì những cá nhân thích thể hiện hay quăng cái link tiếng Anh kèm comment “Đọc đi, nếu biết tiếng Anh.” Còn bây giờ mà làm vậy thì đang tự xúc phạm bản thân vì nó quá bình thường rồi. Muốn tranh luận thì hãy tập trung vô luận điểm chứ không phải thể hiện trình độ ngoại ngữ vì bạn chẳng hơn ai cả.

Đối với những ai đang học tiếng Anh chuyên ngành thì rất tiếc phải nói rằng bạn không có lợi thế gì, nếu có thì sẽ rất ít, cực ít. Chỉ biết nó thôi thì không đủ để làm gì và cũng không ai tuyển chọn chỉ dựa trên tiêu chí đó. Bạn phải có một chuyên môn khác đi kèm với ngoại ngữ.

Cho nên trả lời bạn trong tấm ảnh là khó mà kiếm sống bằng tiếng Anh, nhất là khi Google Translate làm quá tốt và không ngừng cải tiến. Tại sao một ai đó phải cần bạn khi chỉ cần mất vài giây là cái máy sẽ làm được và thậm chí tốt hơn con người.

Ngành dịch thuật bây giờ đang gặp tình huống là giá thấp không phải vì họ kém mà vì yếu tố con người chỉ là phụ. Bạn không thể phát triển với tiếng Anh thôi mà phải làm cái gì khác.

Trước đây tôi cũng làm dịch thuật tự do và chỉ 3 ngành sau đây trả giá cao.

  1. Luật. Vì rất khó.
  2. Y khoa. Rất ít ai làm được.
  3. Nghiên cứu hàn lâm.

Còn nếu là báo chí hoặc nội dung online thì không có quá nhiều cơ hội. Bạn phải tự biến mình thành tác giả hoặc nhà biên tập vì không có cái máy nào có thể thay thế được cảm xúc con người. 

Phiên dịch không còn là cái ngành nữa mà là kỹ năng, vì tiếng Anh không còn là chuyên môn nữa mà là công cụ. Hãy tìm một lĩnh vực hoặc ngành nào đó để làm, đừng chỉ dựa vào tiếng Anh thôi vì nó quá bình thường rồi.

Bóc Phốt Tài Chính | 11.2.2021

Leave a Comment