Tích cực độc hại, vấn đề với nội dung self-help

Nếu theo dõi những người nổi tiếng, các chương trình kinh doanh hay những trang kinh tế, thì những câu sau đây sẽ không quá xa lạ với bạn.

  • “Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được, bạn phải chịu được những cảm giác không ai chịu được.”
  • “Nếu bạn không tự xây dựng ước mơ của mình, thì người khác sẽ thuê bạn để xây dựng ước mơ của họ.”
  • “Nếu bạn sinh ra trong nghèo đói, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo đói, thì đó là lỗi của bạn.”
  • “Tôi làm việc ngày 12 tiếng, một tháng đọc 2 cuốn sách. Muốn vượt tôi thì các bạn trẻ phải làm việc 14 tiếng mỗi ngày và mỗi tháng đọc 6 cuốn sách.”

Nghe quen không. Trong đầu bạn bây giờ đang liên tưởng đến vài “Cá mập” nào đó đang chia sẻ bí quyết để làm giàu hay một diễn giả nào đó đang giúp đỡ người khác bằng cách truyền cho họ những năng lượng tích cực.

Bạn đọc xong thì cảm thấy vui, hay nghe xong rồi cảm giác như mình được khai sáng. Nhưng chỉ sau một hồi suy ngẫm, thì chợt nhận ra rằng không có gì thay đổi. Bản thân vẫn vậy, trái đất vẫn quay và ngày mai thức dậy vẫn phải đi làm. Đọc cũng được, biết cũng tốt, nhưng nếu không thì bạn vẫn sống. Bạn vẫn như cũ.

Đó chính là vấn đề với nội dung self-help, hay những thứ mang tên năng lượng tích cực hoặc cải thiện bản thân – và cũng là chủ đề chính.

Self-help là gì, năng lượng tích cực là gì?

Đó là những nội dung được tạo ra với mục đích giúp độc giả có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống, giúp họ cải thiện bản thân, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn và tinh thần luôn phấn khởi. Thay vì tìm vấn đề ở bên ngoài, nó hướng con người tự nhìn lại bản thân để tự khắc phục những khuyết điểm. Vì nếu không thể thay đổi thế giới, thì ít ra bạn có thể thay đổi chính mình.

Nó đã có từ rất lâu nhưng bước ngoặt có lẽ là vào thế kỷ mười chín và hai mươi, khi kinh tế Mỹ bùng nổ và tạo ra hàng loạt tài phiệt như Andrew Carnegie và John Rockefeller. Từ đó, hàng triệu người thèm khát ao ước để trở nên thành công như họ. Chính nhu cầu đó đã cho ra đời những tác giả self-help đời đầu như Dale Carnegie và Napoleon Hill.

Những cuốn sách kinh điển như “Cách kết bạn và gây ảnh hưởng đến người khác” hay có tên gọi khác là Đắc Nhân Tâm, “Suy nghĩ và làm giàu” và “Chiến thắng con quỷ trong bạn” đã trở thành biểu tượng của năng lượng tích cực.

Ngay cả Warren Buffett, một nhà đầu tư giá trị lừng danh, cũng đã nhắc đến cuốn của Carnegie là một trong những tác phẩm phải đọc nếu bạn muốn thành công trong thương trường.

Bạn có thể sẽ tự nói trong đầu: “Họ là những đại gia trong lĩnh vực của mình. Nếu họ nói đọc cuốn sách đó thì mình chỉ cần làm theo là sẽ thành công.”

Nhưng khó hiểu thay, gần một thế kỷ đã trôi qua, hàng trăm triệu người đã đọc, nhưng cho đến nay vẫn chỉ có một phiên bản của Buffett hay Carnegie. Vậy có nghĩa là cả nhân loại này thất bại hay có yếu tố nào khác giải thích hiện tượng đó?

Mục đích ban đầu của self-help là gì?

Khác với suy nghĩ của nhiều người, nội dung năng lượng tích cực không hề liên quan gì tới chuyện làm giàu hay giải thích sự thành công của một cá nhân. Điều đó hoàn toàn vô lý, vì nếu chỉ cần đọc sách là giàu thì có lẽ thế giới sẽ không còn nghèo đói.

Mục đích chính của self-help nằm trong chính cái tên của nó, self là bản thân và help là sự tự lực. Nghĩa là nó muốn cải thiện bạn trở thành phiên bản tốt hơn so với trước đây.

Nếu bạn là một người ngại phát biểu trước đám đông, thì hãy tập nói từ từ. Đừng tự khóa mình trong căn phòng cô lập nào đó, mà hãy tham gia các hội nhóm để giao lưu. Từ đó, bạn sẽ có áp lực để nói chuyện với người khác. Rồi từng bước một, sự nhút nhát sẽ biến thành tự tin.

Nếu trước đây bạn là một người kém duyên khi nói chuyện, thì hãy tập sử dụng những từ ngữ dễ đi vào lòng người. Nói là một kỹ năng và chọn lời là một nghệ thuật. Ví dụ như muốn phê bình bài của một đồng nghiệp, thay vì chê thẳng thì người tích cực sẽ góp ý để cải thiện, bằng lời lẽ mềm mại như: “Mình thích ý tưởng của bạn quá. Nhưng có mình góp ý này chút xíu nha.”

Đó là self-help. Nó giúp con người trở thành phiên bản tử tế hơn mà không cần phải tác động gì đến thế giới bên ngoài. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đang làm điều đó mỗi ngày.

Nhưng nếu chỉ vậy thì có lẽ không còn gì để bàn tán nữa.

Vấn đề với self-help ở Việt Nam là gì?

Khi nội dung tư duy tích cực nhập vào Việt Nam thông qua những cuốn sách chuyển ngữ và bây giờ nó đã trở thành một nhánh riêng trong ngành nội dung, nó đã bị biến dạng và lạm dụng. Để rồi bây giờ nếu những tác giả gốc như Carnegie đọc được thì có lẽ cũng phải lắc đầu.

Từ mục đích để cải thiện bản thân, những người làm self-help ở Việt Nam bỗng biến nó thành tư duy tích cực trong mọi tình huống, lạc quan bất chấp hoàn cảnh, và vui vẻ mặc kệ thực tế là gì.

Tồi tệ hơn, self-help lại biến thành lời lý giải cho sự thành công hay thất bại của mỗi cá nhân và sự thịnh vượng hay lâm nguy của nền kinh tế.

  • “Ở Việt Nam, bệnh đổ thừa nặng quá.”
  • “Bao giờ bán được một tỷ gói mè?”
  • “Các bạn trẻ không nên về trước 7 giờ, như vậy là quá sớm.”

Nếu đọc những nội dung đó mà bạn cảm thấy có vấn đề thì đúng là vậy, nó có vấn đề thật chứ không phải là suy nghĩ đơn độc đâu. Ngay lúc này, cái gọi là năng lượng tích cực kia bỗng trở thành “tích cực độc hại.”

Thay vì hướng con người tư duy độc lập, nó vô tình kéo họ vào vòng xoay không lối thoát. Thay vì thúc đẩy quan sát thực tế, nó vẽ ra những bức tranh ảo diệu.

Đó là ranh giới khi người sử dụng đã làm biến chất self-help. Mặc dù đó chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả, nhưng nó lại trở thành nội dung lan truyền trên mạng xã hội.

Self-help không thể và không nên dùng để giải thích những hiện tượng ngoài phạm vi cá nhân được. Ngoài nỗ lực của mỗi người thì sự thành công còn là kết quả của gia đình, chính sách điều hành, giai đoạn, lãi suất, thời điểm và quan hệ xã hội. Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả ở Mỹ cũng không thể áp dụng để giải thích được.

“Người giàu đọc sách nên họ giàu, còn người nghèo không đọc sách nên nghèo.” Có thể, nhưng thực tế là nếu bạn có dư tiền thì không đọc sách vẫn giàu như thường, còn khi nghèo có đọc trăm cuốn thì vẫn nghèo.

Rồi sao, không lẽ không đọc gì?

Mình nói vậy không phải là để lên án ai, mà muốn chỉ ra rằng không phải cái gì bạn đọc trên mạng xã hội cũng đúng. Những danh ngôn nào đó bạn tưởng chừng được nói bởi tỷ phú nào đó, đôi lúc chỉ là nội dung được phịa ra để câu view. Những phát ngôn của ai đó trông thành đạt chỉ là góc nhìn cá nhân, nếu được nói bởi người khác thì nó sẽ thuộc hạng thấp nhất của chất lượng.

Năng lượng tích cực, tư duy tích cực hay self-help cũng như rượu vậy. Uống vài ly thì bạn sẽ cảm thấy ấm người. Nhưng nếu cho vào cơ thể quá nhiều thì bạn sẽ xỉn nhưng nghĩ mình đang được giải thoát. Ranh giới giữa tích cực và tích cực độc hại chính là sự lạm dụng.

Hãy tiếp tục đọc để cải thiện bản thân và chỉ nên như vậy. Đừng dùng self-help để phân tích sự giàu có hay thất bại của con người vì có vô số yếu tố khác bên ngoài lấn át năng lượng bên trong. Đó là sự ảo giác. Đừng áp dụng self-help để giải thích thịnh vượng hay nghèo đói ở cấp vĩ mô, đó sẽ là trạng thái tư duy trái nghịch của minh mẫn.

Cảm ơn bạn đã đọc xong nội dung một ngàn năm trăm chữ này của mình. Không phải cái gì mình nói cũng đúng cho nên bạn không cần phải đồng ý.

Nguyễn Trọng Nhân | 07.6.2022