Thế giới quan và tư duy ở Việt Nam

Sau một thời gian quan sát và tự hỏi vì sao các chính sách ở Việt Nam luôn trái nghịch với lợi ích của người lao động, mình chợt nhận ra nguyên nhân nằm ở thế giới quan.

Đó là sự nhận thức của một cá nhân bị ảnh hưởng bởi môi trường sinh sống và điều kiện kinh tế. Mỗi người sẽ khác nhau từ gia đình, địa vị, chức vụ và tài sản.

Vấn đề là 80% dân Việt Nam là lao động phổ thông với tay nghề trung bình thấp, lương bình quân 10 triệu, và ở trong căn nhà cấp 4 trở xuống.

Cuộc sống của họ là sáng đi làm, chiều về ăn, tối nghỉ mệt, và đi ngủ để bắt đầu lại một ngày mới. Thế giới quan của họ là làm sao để không đói và có đủ tiền nuôi con.

Còn thiểu số có ảnh hưởng toàn quốc ở mặt tri thức, hàn lâm, truyền thông, và chính sách thì có cuộc sống khá giả hơn nên thế giới quan cũng vậy.

Họ ở chung cư cao cấp, nhà mặt đất, và tài khoản ngân hàng luôn dư tiền. Họ không phải đối mặt với gánh nặng tiền bạc như phần lớn dân chúng. Cuộc nói chuyện thường xoay quanh việc nên mua đất ở đâu, hộ chiếu nào dễ mua, cuối tháng du lịch ở nước nào, và nên đi ăn quán Michelin lúc mấy giờ.

Như bao nơi khác, giới tinh hoa nắm chức năng định hướng và điều hành, ở cơ quan tư nhân và công. Nhưng cũng chính vì họ có thế giới quan trái nghịch với phần lớn người dân, nên dẫn đến nhiều xung đột như hiện nay.

Đây là vài ví dụ, có thể bạn đã trải qua rồi.

  • Khi ngồi trong phòng máy lạnh làm việc, bạn không hiểu vì sao người ở quê lại muốn đi xuất khẩu lao động thay vì làm công nhân ở khu công nghiệp.
  • Khi có dư tiền và tài sản, bạn không thể nào hiểu nổi tại sao người lao động lại rút tiền Bảo Hiểm Xã Hội. “Họ không hiểu lãi kép là gì sao? Buffett đã dạy rồi mà? Chẳng có tư duy dài hạn chút nào cả.”
  • Khi sống trong khu dân cư cao cấp, bạn khó giải thích vì sao người khác lại than phiền về giá nhà ngày càng tăng.
  • Khi ngồi trên chiếc 4 bánh, bạn không thể chấp nhận được phần lớn dân chúng chỉ bám theo chiếc xe máy lạc hậu.
  • Khi ăn ở nhà hàng, gánh hàng rong chiếm vỉa hè trở thành một thứ cần dẹp bỏ để giữ gìn nét đẹp đô thị.
  • Khi học ở trường quốc tế và du học, bạn gãi đầu khi nghe ai đó phàn nàn về giáo dục hiện tại.
  • Khi chạy ở cao tốc quanh thủ đô, bạn cứ trách vì sao người ở phía miền Nam cứ cay cú.

Đơn giản, bạn đâu phải gánh chịu những gì người khác phải đối mặt mỗi ngày. Cho nên mới có nạn phân cực về tư duy sống.

Một bên đầy năng lượng tích cực, còn một bên thì thiên về bi quan, rồi hai bên không thể hiểu nhau.

Chỉ khi nào những nhà báo, diễn viên, hay giới thượng lâu sống như những người dân thường, họ sẽ có thế giới quan tương đồng và có cái nhìn thực tế hơn.

Còn khi nhốt mình trong lâu dài, những gì bên ngoài sẽ trở nên xa lạ.