Từ bao giờ thống kê nhảm lại trở thành nguồn cảm hứng cho niềm tự hào dân tộc?
Một trong những lý do khiến bạn bè quốc tế có cái nhìn không tích cực về chúng ta là thái độ phản ứng khi họ đưa ra quan điểm. Gần như có quy luật:
- Nếu nhắc đến Việt Nam, bạn chỉ được phép khen.
- Nếu bạn chê, bạn sẽ trở thành mục tiêu công kích.
Các bảng xếp hạng của tạp chí mạng Taste Atlas là một ví dụ tiêu biểu của Thống Kê Nhảm. Nó là một tên gọi mỉa mai dành cho các thống kê với dữ liệu tối nghĩa, dễ dàng bị thao túng, và có thể được lập ra bởi bất cứ ai.
Khi nó được dùng để xếp hạng những thứ liên quan đến cảm tính cá nhân, giá trị của nó gần như vô nghĩa và chỉ nên được dùng với mục đích giải trí hoặc tham khảo.
Đây là vài ví dụ:
- Tốp 10 quốc gia có ẩm thực ngon nhất
- Tốp 100 món ăn ngon nhất
- Tốp 40 món ăn tệ nhất
- 10 món ăn Việt Nam ngon nhất
- 45 món ăn Việt Nam tệ nhất
Đây là những thứ không thể nào định lượng được. Bạn càng không thể nào coi đây là thống kê dựa theo khoa học. Vì thế nào là ngon và dở là gì?
- Bạn thích ăn bún, tôi thì không. Vậy ai đúng và ai sai?
- Người Ý nghĩa rằng nước họ có ẩm thực ngon nhất. Vậy họ sai?
- Người Việt cho rằng chả giò là biểu tượng ẩm thực. Vậy điều đó đúng?
- Người Hà Nội cho rằng phở Hà Nội ngon nhất. Người Sài Gòn nghĩ phở Sài Gòn ngon nhất. Vậy ai nên chiếm ưu thế?
Nếu hỏi ngẫu nhiên 100 người trên thế giới, chúng ta sẽ có 100 danh sách khác nhau. Ngay cả bạn cũng có thể tự tạo cho mình vài bảng xếp hạng.
Sau đây là vài điều thú vị về Taste Atlas.
- Họ là một tạp chí về ẩm thực và du lịch được thành lập vào năm 2018.
- Văn phòng nằm ở Zagreb, Croatia.
- Theo LinkedIn, tổng số lượng nhân viên là 30 người sống ở khắp nơi.
- Họ dựa vào đóng góp của độc giả để làm các bảng xếp hạng. Số lượng không rõ là bao nhiêu.
- Mô hình phát triển của họ là một vài người định hướng nội dung, thuê người biên tập ở Anh Quốc, các nhân viên khác được thuê ở nước thứ ba để tiết kiệm tiền, và cộng thêm mạng lưới cộng tác viên.
- Với tầm 2.8 triệu lượt truy cập mỗi tháng, họ được coi là tạp chí tầm nhỏ đến vừa.
Ngay từ đầu, Taste Atlas chưa bao giờ coi họ là tạp chí khoa học và ngay cả giới khoa học cũng không bao giờ có chuyện thống nhất về quan điểm. Người có học thức chỉ coi họ là nhà xuất bản nội dung về đời sống, không khác gì các blog nhưng ở quy mô lớn hơn. Mục đích là để chia sẻ thông tin chứ không phải hơn thua về vị trí.
Đây không phải là lần đầu họ bị phê bình khi xuất bản nội dung. Vào năm 2022, độc giả Mã Lai đã phàn nàn về vị thế ẩm thực của họ bị xếp quá thấp so với kỳ vọng. Taste Atlas đã phải giải thích rằng họ dùng đóng góp của độc giả. Tất cả bảng xếp hạng chỉ được nên coi là mục chia sẻ ẩm thực, chứ không phải là công cụ để tranh giành vị thế quốc gia.
Thật thiếu nhận thức nếu bạn dựa vào các danh sách đó để tự hào dân tộc. Hơn nữa, sẽ càng khôi hài khi thấy họ đưa ra nhận xét không thuận lợi, bạn cho rằng họ đang chế nhạo chúng ta. Trong khi người biên tập còn chưa chắc có thể chỉ ra Việt Nam nằm đâu trên bản đồ và bánh đậu xanh có vị ra sao.
Trong ẩm thực, việc khen chê là điều bình thường vì khác khẩu vị. Bạn đi du lịch đến Pháp và thấy đồ ăn của họ lạt, bạn có thể nêu quan điểm. Ngược lại, một người Pháp đến Việt Nam cảm thấy món bún chả không hợp, họ có thể chọn món khác.
Từ bao giờ, thống kê nhảm lại trở thành tiêu chuẩn để thể hiện lòng yêu nước? Không rõ. Nhưng nếu bạn dựa vào thống kê nhảm để cực đoan hóa quan điểm, nó chỉ cho thấy bạn thiếu nhận thức đến mức để cho cái nhảm định hướng tư duy.
Nguyễn Trọng Nhân, 23.3.2024