Giữa năm 2019, truyền thông Việt Nam nhiệt liệt quảng bá cho 2 mạng xã hội [MXH] nội địa.
- Gapo: vốn huy động 500 tỷ [21 triệu USD]
- Lotus: vốn huy động 1200 tỷ [52 triệu USD]
Với việc thuê hàng loạt người nổi tiếng và dùng bộ máy truyền thông để tạo nội dung, tham vọng là sẽ thay thế được Facebook.
Chỉ sau vài tháng khi cơn sốt không còn, cả 2 dần trôi vào quên lãng. Vài năm sau, gần như ít ai nhắc đến. Mục tiêu đạt 50 triệu người dùng, phân nửa dân số Việt Nam, giờ không khác gì sự hoang tưởng.
Nhưng tại sao MXH của Việt Nam lại thất bại?
Vì tính năng kém? Không hẳn. Reddit hay Quora chỉ là diễn đàn thông tin chữ và hình ảnh, nhưng vẫn thu hút người dùng. Việt Nam dư thừa đội ngũ nhân sự đủ giỏi để phát triển.
Vì thiếu vốn? Càng không. 1700 tỷ không phải là số ít. Khoan nói đến ai là đơn vị rót vốn.
Vì con người đã quá bận với Facebook, Instagram, YouTube và TikTok nên không có thời gian cho MXH khác? Đây là một lý do, tại sao người ta phải tham gia Lotus và Gapo khi nó không cung cấp gì đặc trưng.
Nguyên nhân chính ít được báo chí đề cập đến hoặc không dám.
Đó chính là người dùng không tin tưởng mạng xã hội Việt Nam về mặt an toàn thông tin và bảo mật riêng tư cá nhân.
Đây là vài tình huống giả định.
- Bạn và cô gái đang yêu nhau. Hai người gửi vài tấm ảnh gợi cảm qua tin nhắn. Điều gì bảo đảm là người khác, như nhân viên, sẽ không nhìn thấy nó và lạm dụng?
- Bạn chia sẻ vài quan điểm nhạy cảm về kinh tế, xã hội, hay chính trị. Điều gì bảo đảm là chỉ bạn và người nhận mới đọc được?
- Bạn và đồng nghiệp chia sẻ tài liệu riêng tư của công ty trị giá cao. Điều gì bảo đảm là sẽ không ai khác biết được?
Trong một môi trường nơi thông tin người dùng được bán công khai và lạm dụng bởi doanh nghiệp, sẽ vô cùng khó để thuyết phục điều ngược lại.
Đó là vì sao người ta tin tưởng những YouTube và Facebook. Bỏ qua tính năng của nó, người ta có niềm tin là thông tin của họ sẽ không bị bán và lạm dụng. Nếu có, bộ máy chính quyền Mỹ sẽ can thiệp và xử lý.
Nếu Facebook và YouTube là công ty Việt Nam, nó sẽ không bao giờ phát triển như hiện nay được, vì người dùng không có niềm tin về hệ thống pháp luật.
Các nhà tạo nội dung tự do cũng e ngại khi đầu tư thời gian và công sức vào một nền tảng như vậy. Không có sự tham gia của thiểu số ảnh hưởng lớn đó, đám đông cũng rời đi.
Quay lại sự thất bại của Lotus và Gapo. Vấn đề không phải là mạng xã hội của Việt Nam, mà chính là nơi quản lý và niềm tin.