Tại sao du lịch Tây Nguyên chưa phát triển?

Nếu phải chọn một nơi để làm điểm nghỉ mát lý tưởng ở trong nước, Tây Nguyên sẽ đứng đầu. Vùng đất này sở hữu tất cả để giữ chân bạn. Đồi thông, biển hồ, vườn cà phê, và sương mờ.

Nhưng nếu đã đến Tây Nguyên, bạn sẽ ít nhiều tò mò là tại sao một nơi có khí hậu mát mẻ và nhiều cảnh đẹp tự nhiên, lại ít được đề cập đến. Khi nghĩ đến du lịch trong nước, chúng ta thường nhắc tên Đà Lạt, Vũng Tàu, Đà Nẵng, hay Hạ Long. Còn những Pleiku, Măng Đen, Buôn Ma Thuột, hay Bảo Lộc ít được quan tâm bằng.

Nhận xét đó không phải là suy diễn cảm tính. Thống kê của nhà nước cũng cho thấy điều tương tự.

  • Trong năm 2022, 5 tỉnh Tây Nguyên đón gần 8 triệu lượt khách du lịch.
  • Trong đó 8 triệu đó, riêng Đà Lạt đã chiếm 5 triệu.
  • Nghĩa là 3 triệu còn lại chia đều thưa thớt cho những Lâm Đông, Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, và Gia Lai.
  • Để so sánh, chỉ riêng Đà Nẵng đã đón 3.7 triệu du khách. Nghĩa là trừ Đà Lạt ra, Tây Nguyên gần như bị lãng quên.

Vậy lý do là gì? Bạn không cần phải là chuyên gia để hiểu. Một chuyến xe liên tỉnh thôi sẽ cho bạn thấy vấn đề.

Mình xin chia ra 3 phần:

  1. Đường xấu, nên di chuyển tốn thời gian.
  2. Đường có nhiều “Bẫy Chim Mồi” nên người ta ngại lái xe.
  3. Sản phẩm du lịch chưa cuốn hút.

[1] Đường tỉnh ở Tây Nguyên quá nhỏ, chật, và xuống cấp.

Mặc dù chiếm 16% diện tích đất và sản xuất 90% cà phê nội địa, nhưng Tây Nguyên không có một km đường cao tốc nào, trừ 19 km ở Liên Khương. Hiện tại, có vài dự án cao tốc đang được triển khai nhưng phải chờ đến năm 2030 mới hoàn tất.

Việc thiếu hệ thống vận chuyển khiến kinh tế Tây Nguyên bị trì trệ. Từ góc nhìn du lịch, nó làm tăng thời gian di chuyển và khiến chi phí tăng vọt không cần thiết.

Nơi duy nhất du khách có thể tiếp cận Tây Nguyên dễ và nhanh nhất là Đà Lạt, một nơi đang bị chê là bị bê tông hóa quá nặng nề. Nhưng trừ nơi đó ra, di chuyển lên Tây Nguyên là một trở ngại.

Sau đây là vài ví dụ.

  • Sài Gòn đi Buôn Ma Thuột: 8-10 tiếng cho khoảng cách 330 km.
  • Sài Gòn đi Pleiku: 11 tiếng cho khoảng cách 500 km.
  • Sài Gòn đi Măng Đen: 13 tiếng cho khoảng cách 600 km.

Để so sánh, từ Sài Gòn đi Nha Trang bây giờ chỉ mất 7 tiếng cho 400 km. Giá vé máy bay đi Pleiku cao hơn đi Đà Lạt và tương đương với Đà Nẵng. Chỉ riêng về thời gian và chi phí, Tây Nguyên đã tốn kém hơn nên khách không có lý do gì để chọn.

Trong chuyến đi Tây Nguyên vừa rồi, mình đã vô cùng sốc khi xe phải di chuyển trên các đường tỉnh chật hẹp và vòng vèo. Không những vậy, nhiều đoạn có đầy ổ gà. Nếu không quen, bạn sẽ dễ say xe. Tuy hai bên đường đẹp như tranh vẽ, nhưng vì đường quá sốc nên có cảnh đồi núi trở nên vô nghĩa.

[2] Một đặc sản ở các đường liên tỉnh trên Tây Nguyên là tình trạng “Bẫy Xe Mồi”. Nghe như truyện cổ tích hài hước nhưng có thật. Đó là khi di chuyển trên các khu vực cấm lấn làn, đôi lúc sẽ có vài chiếc xe cố tình di chuyển chậm.

Nếu bạn mất kiên nhẫn và vượt, thì bảo đảm sẽ vi phạm và trả giá cho hành động đó. Còn không thì phải kiên nhẫn chạy đằng sau với tốc độ 10-20 km/h.

Ngoài ra, đường quá nhỏ nên nhiều tài xế vượt ẩu. Điều này là nỗi ám ảnh của du khách. Vì ngại nên nhiều người bỏ luôn ý định lái xe lên Tây Nguyên. Đâu ai muốn vừa đi du lịch mà phải tốn thêm tiền vì vi phạm lỗi giao thông.

Vì sao lại có vấn nạn này? Báo chí cũng đã nhắc đến nhưng vẫn không có gì thay đổi.

[3] Sản phẩm du lịch ở Tây Nguyên chưa có điểm nhấn và thu hút du khách. Thậm chí, nếu kêu bạn nêu một thứ gì đó đặc trưng của Tây Nguyên thì cũng sẽ ngập ngừng trả lời.

Cà phê? Nhưng ở đâu mà không có cà phê.

Phở khô? Cái đó ở Sài Gòn đâu có thiếu.

Nhà thờ? Các thành phố khác cũng thừa.

Lấy Bảo Tàng Thế Giới Cà Phê ở Buôn Ma Thuột làm ví dụ. Giá vé là 150k/người. Nhưng khi đi vào, bạn sẽ không hiểu tại sao nó lại có thể có giá đó được. Nhận xét công bằng, nó không khác gì bạn vào trang Wikipedia để đọc tài liệu, nhưng chất lượng kém hơn.

Nói ra không phải để chê, mà là góp ý. Nếu một du khách nội địa lại cảm thấy khó hiểu, thì việc thu hút khách quốc tế là điều quá khó. Người ta sẽ đến vì tò mò, nhưng sẽ không có lần thứ hai.

Một địa điểm khác được quan tâm là Măng Đen. Nổi lên như một Đà Lạt thứ hai sau khi được không ít bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội. Nhưng nếu đến, bạn sẽ cảm thấy chán nản vì ngoài rừng ra, nó không có gì khác. Nó chỉ là thị trấn nhỏ với những căn homestay, quán cà phê, và cơm gà nướng. Dịch vụ chưa phát triển, và cơ sở lưu trú đẳng cấp chưa nhiều.

Đây là một điều đáng tiếc vì đáng lẽ ra, với nét đẹp trời cho, Tây Nguyên phải là cục nam châm thu hút du khách nhiều hơn.

Kết luận

Nói như vậy, không có nghĩa là Tây Nguyên thua kém các nơi khác. Thế mạnh của vùng đất này là khí hậu mát mẻ, nhiều chỗ còn hoang sơ, sở hữu nét đẹp thiên nhiên, và chưa quá bị bê tông hóa như Đà Lạt.

Đến những Pleiku, bạn sẽ không đổ mồ hôi. Lên Măng Đen, bạn sẽ không cần máy lạnh. Ghé thăm Buôn Ma Thuột, bạn sẽ muốn đi bộ ngoài đường để tận hưởng thiên nhiên.

Du lịch không đồng nghĩa với việc là phải thay thế rừng với các dự án bất động sản, hay tăng sự nhộn nhịp ở các con đường không tiếng ồn.

Sản phẩm cốt lõi của du lịch Tây Nguyên không phải là những quán nhậu, vũ trường, khu giải trí, hay khách sạn cao tầng. Mà là sự yên bình của thiên nhiên. Nơi đây phù hợp cho những ai muốn trốn nóng, thư giãn, và sống chậm lại. Nhưng có lẽ cũng chính vì vậy nên nơi đây mới giữ được nét riêng. Còn sau này, có lẽ sẽ khác giống như sự phai tàn của Đà Lạt.

Xét tổng quát, mặc dù nơi này có tất cả để thành điểm đến lý tưởng, nhưng du lịch Tây Nguyên còn nhiều vấn đề và sẽ mất nhiều thời gian để bắt kịp các nơi khác. Nếu chưa đi, bạn nên. Còn mình sẽ tiếp tục quay lại nơi đây.

Nguyễn Trọng Nhân, 07.9.2023