Sự bất công công bằng về chênh lệch thu nhập

Sự bất công công bằng về chênh lệch thu nhập | Kể từ khi ra đời đi làm, tôi luôn cảm thấy khó chịu với một sự bất công này. Đó là sự chênh lệch về thu nhập. Nếu bạn đã tốt nghiệp và va chạm đủ nhiều thì có lẽ cũng sẽ có suy nghĩ tương tự.

Một người bỏ bao công sức để có tấm bằng đại học, nhưng sau khi ra trường thì chỉ có công việc lương mười triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, một cô gái xinh với ngoại hình thu hút nói nhảm nhí hay nhảy nhót thì lại có thu nhập trăm triệu.

Một công nhân làm đầu tắt mặt tối vẫn chỉ đủ sống qua ngày. Trong khi đó, một diễn viên điện ảnh lại kiếm được số tiền gấp trăm lần thu nhập của công nhân sau một bộ phim.

Một giáo viên dù cố gắng cật lực gấp mấy thì lương vẫn tăng chậm. Còn một ngôi sao bóng đá chỉ cần ghi bàn là được thưởng triệu đô.

Thật khó hiểu.

Bây giờ nếu được hỏi thì có lẽ đa số sẽ nói rằng bác sĩ đóng góp nhiều hơn ngôi sao bóng đá, vì một bên giúp người khác hết bệnh còn một bên chỉ mua vui. Một giáo viên cũng được coi là đáng quý hơn một cô gái nói nhảm nhảy nhót hay một cử nhân đáng trân trọng hơn một người không học hành.

Nhìn sự bất công này, sẽ có nhiều người cảm thấy khó chịu và chạnh lòng, trong đó có luôn cả tôi. Vì hãy thử nghĩ đi, bạn đầu tư nhiều năm trời ăn học nhưng cuối cùng thu nhập lại thua một người nào đó có tài năng phi học vấn. Có tức không chứ?

Nhưng đó có lẽ là một cái nhìn sai lầm. Đúng là bất công thật nhưng nó rất công bằng.

Vấn đề nằm ở chỗ không phải diễn viên kia hay cô gái nọ có thể tự quyết định giá trị mà chính là thị trường, tức hàng triệu người khác trong nền kinh tế, bao gồm cả bạn và tôi.

Khi chúng ta xem trận bóng, lướt qua lại cái clip nhảy nhót hay mua vé xem phim thì đã trực tiếp và gián tiếp góp phần tạo ra sự bất công về thu nhập đó. Nó nằm ở bản chất công việc.

Một công nhân dù cố gắng nhưng chỉ có thể làm ra sản phẩm cho một công ty, công việc gần như cố định và dễ thay thế. Còn một diễn viên thì tạo ra sản phẩm có thể được tiêu thụ bởi hàng triệu người. Tương tự như những cô gái nhảy múa trên Tiktok, dù bạn cho là nó nhảm nhí nhưng hàng vạn người khác vẫn xem vì họ cho rằng cô gái đó mang lại giá trị cho mình dù nó là cái gì khó định nghĩa đi nữa. Tất cả đều là hành vi tự nguyện tự nhiên chứ không ai ép buộc.

Một yếu tố nữa đó là khan hiếm. Ai cũng có thể làm công nhân, nhưng sẽ rất khó để trở thành một cầu thủ bóng đá, hiếm hơn nữa là thành siêu sao như Messi hoặc Ronaldo. Để làm một nhân viên văn phòng thì bạn chỉ cần học xong rồi tham gia tuyển dụng, nhưng để trở thành một cô gái xinh nhảy tưng tưng có triệu view thì cần yếu tố trời cho như nhan sắc, cái đó mới khan hiếm.

Thật bất công khi thị trường quyết định thu nhập không dựa trên trí tuệ mà theo cung cầu và phán quyết của đám đông. Nhưng hãy suy nghĩ lại, đó thực chất là sự công bằng dù bất công. Nó công bằng vì phản ánh đúng giá trị mỗi người mang lại cho người khác dù bạn đồng ý hay không. Vì nếu không làm vậy thì không còn là thị trường nữa.

Cho nên điều này sẽ tiếp tục diễn ra giống như hơi thở hay cơn gió vậy. Chúng ta không thể làm được gì ngoài thừa nhận. Hãy vui vẻ chấp nhận. Đó là sự bất công công bằng.

Bóc Phốt Tài Chính | 26.8.2021