Sở hữu nhà đất “lâu dài” và “vĩnh viễn” ở Việt Nam

Tiếng Việt là ngôn ngữ của văn thơ, cho nên luôn tràn đầy ẩn ý. Chỉ cần đổi một câu hay thay thế một chữ, ý nghĩa sẽ biến đổi hoàn toàn.

Luật nhà đất Việt Nam là một ví dụ.

Hiện tại, khi mua nhà đất, quyền hạn sẽ được ghi như sau:

  • Đất: được sử dụng kèm với thời hạn “lâu dài.”
  • Nhà [và chung cư] ở trên mảnh đất: được sở hữu “lâu dài.”

Nhiều người vô tình dùng từ “Vĩnh viễn,” nhưng trong các văn bản hành chính, thì không hề có từ đó. Bởi vì tuy trông giống nhau, nhưng định nghĩa thì không.

  • Vĩnh viễn: “Có sự tồn tại ngoài thời gian hoặc trong mọi thời gian, không có bắt đầu cũng không có kết thúc.”
  • Lâu dài: “Trong một khoảng thời gian dài, rất lâu, nhưng luôn có kết thúc, vì không phải là mãi mãi.”

Vậy định thời hạn của “Lâu dài” là bao nhiêu năm? 50, 70, 100 hay 1000 năm? Điều đó không ai rõ vì không hề có ý nghĩa chính xác.

Hiểu được khái niệm trên trong tiếng Việt, bạn có thể giải thích được những điều sau:

  • Bạn chỉ có thể sử dụng đất lâu dài, chứ không phải vô tận.
  • Bạn chỉ có thể sở hữu nhà lâu dài, chứ không phải mãi mãi.

Những cá nhân viết lên các quy định kia, không khác gì một nhà văn đại tài. Thay vì viết một kịch bản có đoạn kết, họ thích mở rộng để mỗi người tự định nghĩa. Nếu là “Vĩnh viễn” thì quá đơn giản. Cho nên “Lâu dài” được dùng.

Nghĩa là luôn luôn có một thời hạn tàng hình liên quan đến sự tư hữu nhà đất, chỉ là nó khó được định nghĩa chính xác thôi. Nếu cần thiết, người ta sẽ quyết định số năm, nhưng tới lúc đó thì mới biết.

Bóc Phốt Tài Chính, 11.4.2023

Leave a Comment