Shipper bị bom hàng, vấn đề với tiền mặt

Shipper bị bom hàng, vấn đề với tiền mặt

Việc shipper bị bom hàng đã xảy ra từ lâu. Đó là khi một shipper giao hàng hay đồ ăn đến mà khách không nhận. Kết quả là họ tốn tiền, thời gian và công sức.

Vậy tại sao vấn đề này lại tiếp tục diễn ra. Để hiểu thì chúng ta hãy nhìn lại cách hoạt động mua bán online của Việt Nam.

Nếu phải tóm gọn thì nguyên nhân chính là văn hóa tiền mặt và giải pháp là thanh toán bằng thẻ.

Trước tiên, để so sánh thì chúng ta hãy nhìn sang nước khác. Lấy Mỹ làm ví dụ, nơi có thị trường thương mại điện tử lớn nhất.

1. Khi bạn mua hàng trên Amazon thì phải trả bằng thẻ.

2. Công ty sẽ giao cho nhân viên vận chuyển. Nhiệm vụ của người đó là chỉ chở hàng tới giao theo hướng dẫn.

3. Nếu không có ai ở nhà thì sẽ để lại trong xe rồi giao tiếp đơn tiếp theo, còn không thì sẽ để trước cửa nhà.

4. Shipper ở Mỹ chỉ có việc là giao hàng chứ không liên quan gì tới nhận tiền thanh toán vì người đặt đã trả rồi.

Tương tự như khi đặt đồ ăn trên DoorDash, nền tảng đặt đồ ăn như Grab Food ở Mỹ. Nếu bạn muốn đặt thì phải có thẻ Visa hoặc Mastercard. Công ty sẽ thanh toán khi xác nhận đơn hàng. Công việc của shipper chỉ là tới quán ăn, nhận đồ ăn và giao đến nhà của khách. Anh ta không cần phải giao tận tay mà có thể đặt trước cửa nhà và chụp tấm ảnh xác nhận. Công việc rất đơn giản.

Nhưng ở Việt Nam thì mọi chuyện không suôn sẻ như vậy. Tất cả là vì văn hóa tiền mặt. Nó làm đảo lộn sự tinh gọn của thương mại điện tử và buôn bán online.

Đây là cách vận hành khi đặt hàng online hiện nay ở Việt Nam. Vì chúng ta đang nói về shipper bị bom hàng nên mình sẽ dùng Grab Food.

1. Bạn vào app để đặt món ăn. Khi thanh toán thì có hai lựa chọn, dùng thẻ hoặc tiền mặt.

2. Dựa theo Grab, hiện nay 55% người chọn tiền mặt và 45% chọn trả bằng thẻ.

3. Shipper nhận đơn hàng và chạy đến quán ăn. Nếu người đặt chọn trả bằng thẻ thì không vấn đề gì. Nhưng nếu khách trả bằng tiền mặt thì anh ta phải dùng tiền túi trả phần đồ ăn trước, gọi là tạm ứng rồi khi đến giao thì khách trả lại số tiền đó.

4. Vấn đề xảy ra khi shipper tới giao và khách không có mặt hoặc không nhận. Shipper thì đã tốn tiền mua đồ ăn nhưng bây giờ không được nhận lại. Còn người mua thì không liên lạc được. Chính lúc này gọi là bị bom hàng.

5. Anh shipper có thể liên hệ với Grab để báo cáo vụ việc và nhận lại tiền. Nhưng mất rất nhiều thời gian và chi phí cơ hội. Nếu chạy xe lên văn phòng để báo cáo thì họ coi như mất thu nhập cho vài tiếng làm việc.

Bom hàng có phổ biến và nghiêm trọng không? Không có thống kê nào xác minh nhưng chỉ là thiểu số. Nhưng mỗi lần nó xảy ra thì dẫn đến nhiều phiền hà. Như shipper phải ăn đồ ăn đã mua cho khách, tốn tiền, tốn thời gian và cảm thấy mệt mỏi.

Điều này không chỉ diễn ra với shipper giao đồ ăn mà còn với shipper giao hàng hóa nữa. Vì để nhận hàng thì họ phải trả tiền cọc. Về phía cửa hàng thì nó đẩy chi phí lên vì mỗi lần hàng bị trả về là phải tốn thêm tiền.

Người bán gánh thêm chi phí, shipper tốn thêm thời gian và khách phải trả mua với giá cao hơn. Không ai cảm thấy vui. Tất cả vì văn hóa tiền mặt.

Để xét công bằng thì những ai bom hàng đều bị để ý vì bạn cần xác nhận danh tính nếu muốn đặt. Nếu làm vậy thì khả năng cao là họ sẽ bị khóa tài khoản. Các công ty như Tiki, Shopee và Lazada cũng không thể bỏ thanh toán tiền mặt vì nguy cơ cao sẽ mất một số lượng lớn khách hàng vì văn hóa tiền mặt vẫn còn phổ biến ở Việt Nam.

Vậy chúng ta có thể làm gì. Chỉ có thể là gia tăng ý thức và thanh toán bằng thẻ. Không thể để shipper kiêm luôn việc thu ngân trong khi chở hàng dưới cái nắng đã quá mệt rồi. Chỉ shipper ở Việt Nam mới gánh chịu sự rườm rà này, ở Mỹ Âu thì điều này gần như không tồn tại.

Cho nên lần sau bạn có đặt hàng thì hãy là người văn minh và dùng thẻ. Nếu buộc phải trả tiền mặt thì nhớ đừng bom hàng. Vì nếu không có những anh shipper thì có lẽ nền kinh tế online của chúng ta sẽ chết ngay lập tức khi hàng hóa không được vận chuyển.

Nguyễn Trọng Nhân | Bóc Phốt Tài Chính, 25.2.2022