Sài Gòn và sự giàu có đến từ đâu

Nếu bạn muốn thấy nền kinh tế thị trường hoạt động ra sao, hãy đến Sài Gòn. Nếu bạn là một mọt sách thì có thể đã nghe Milton Friedman dùng Hong Kong. Nhưng đối với đa số độc giả Việt Nam, thành phố lớn nhất ở đất nước chúng ta cũng chứa vừa đủ để những kiến thức trong cuốn sách biến thành hiện thực. Còn nếu bạn là một người đang sống ở đô thị này hay đã từng đến đây thì mong nội dung sau sẽ khiến cảm thấy yêu mến nó hơn.

Trước tiên, tác giả chính của bài viết này là một người Vũng Tàu, tác giả phụ là một người Cà Mau, bạn thu âm là một người Đồng Nai và cuối cùng, bạn làm clip là một người Phú Quốc.

Bốn người, từ bốn nơi khác nhau, nhưng đều gặp và làm việc chung ở Sài Gòn. Điều này rất quan trọng, vì nếu thiếu đi sự kết nối ngẫu nhiên thì bạn sẽ không có cái kênh YouTube hay bài viết này.

Sau đây là vài con số về Sài Gòn.

  1. Sài Gòn có 9 triệu dân. Trong tổng dân số toàn nước 99 triệu, thì 1 trong 10 người Việt Nam đang sống ở nơi này.
  2. Sài Gòn có diện tích 2095 km2, chiếm 0.63% đất của Việt Nam. Nhưng lại góp đến 22% GDP và 25% tổng thu ngân sách cho trung ương.
  3. Sài Gòn là nơi đầu tiên tiếp đón du khách, xu hướng, văn hóa, công nghệ và các ý tưởng từ khắp nơi đến. Nếu bạn đọc một cuốn sách hay nghe một bài hát mới, thì khả năng cao là nó được thực hiện ở đây.

Nhiều lúc nghĩ lại, Sài Gòn như New York của Việt Nam. Mặc dù tên chính thức của nó là Thành Phố Hồ Chí Minh, nhưng Sài Gòn vẫn được dùng mỗi ngày. Nơi đây không có gì ngoài bê tông và con người. Số người Sài Gòn gốc bây giờ không còn nhiều, vì phần lớn người ở đây là dân tứ xứ đến lập nghiệp. Sài Gòn là một thành phố của người di cư tìm kiếm cơ hội mới.

Trừ khi bạn đã thừa kế đất từ gia đình thì tất cả phải bắt đầu với bàn tay trắng. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt giữa Sài Gòn và các nơi khác ở Việt Nam.

Năm 2016, khi lần đầu lên đây học, tiếng ồn của xe và con người đã bơm vào cơ thể mình nguồn năng lượng. Để rồi khi đã tốt nghiệp đại học, mình đã chọn ở lại để làm việc và sinh sống thay vì trở về quê nhà.

Lý do thì có rất nhiều, có thể bạn đã nghe qua rồi.

Ở tỉnh, quy luật “Nhất hậu duệ, nhìn quan hệ” được trông thấy rõ như ban ngày. Người dân có đất và tài nguyên để sống. Con người vì vậy nên thụ động, vì có chủ động thì sẽ gặp quá nhiều rào cản dễ làm nản chí. Càng đi lên phía bắc, điều này càng phổ biến.

Với Sài Gòn thì ngược lại. Chỉ cần bạn không đi làm, thì sẽ chết đói. Khi không có đất, quan hệ hay chỗ nương tựa thì con người sẽ tự động bị ép dùng công cụ duy nhất còn lại, trí óc.

Để tồn tại, bạn phải sử dụng cái não để tìm việc dù là trình độ cao hay thấp. Người ít học làm công nhân hay buôn bán vỉa hè. Nhưng chỉ vậy thôi thì không đủ. Để thuyết phục khách quay lại mua ổ bánh mì thì bạn phải làm cho thật ngon. Dĩa cơm sườn phải được kèm chén canh và ly trà đá. Đi ăn phở phải có bảo vệ giữ xe.

Chỉ cần phục vụ tệ một chút thôi thì sẽ mất khách vì khả năng cao là họ qua lại con đường đó mỗi ngày. Chỉ cần bạn ngừng tươi cười và sáng tạo, sẽ có người khác giành doanh thu. Đó là vì sao thị trường ẩm thực Sài Gòn luôn đa dạng và sôi động.

Trong lĩnh vực sáng tạo hay công nghiệp cũng vậy. Mục đích của con người ở đây là kiếm tiền chứ không phải ngồi không thư giãn. Vì như bà bán hàng rong, chỉ cần ngừng lại là sẽ có người khác lấy đi thị phần của bạn.

Bạn bị ép phải làm việc với những người mình ghét, chỉ để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Giống như bị thúc đẩy bởi bàn tay vô hình của Adam Smith để trở nên tử tế dù không muốn. Đó là vì sao tác phong làm việc nhanh và chuyên nghiệp hơn.

Ở công ty mình cũng vậy, lười là một tội ác cho chính bản thân, vì chỉ cần ngừng học hỏi thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Đó là vì sao khi trở về quê thăm nhà, mình cảm thấy tốc độ sống sao chậm và con người sao lại có dư thời gian quá. Không phải họ bị gì đâu, mà là mình đã quen với nhịp sống nhanh của Sài Gòn.

Các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ nếu muốn phát triển thì phải có con người chứ không thể chỉ dựa vào quan liêu. Cho nên khi tìm việc, người ta chỉ quan tâm đến tài năng của bạn. Còn ở quê mình thì như đã nói, “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ.” Những thứ mình không có. Nếu về quê làm thì khả năng phát triển và thăng tiến có lẽ sẽ là thấp hoặc gần không.

Sự thiếu vắng của tài nguyên và sự tập trung của con người biến Sài Gòn thành đô thị năng động. Quan liêu từ đó được giảm thiểu để chuyển sang thị trường cạnh tranh. Tuy những vấn đề đó vẫn tồn tại nhưng là ít nhất so với các địa phương khác. Phiên bản chế độ nhân tài không hoàn hảo nhưng đủ làm cục nam châm thu hút con người.

Vậy những điều mình nói trên liên quan gì đến chủ đề “Sự giàu có đến từ đâu?”

Không phải tài nguyên, vì trung tâm Sài Gòn chỉ có bê tông trên đất. Cũng không phải địa lý, vì xung quanh Sài Gòn có hàng tá khu vực thuận lợi hơn. Càng không phải khí hậu, vì Sài Gòn nóng quanh năm chứ không có mát như Đà Lạt.

Bí quyết nằm ở chất xám con người. Nó là chìa khóa của sự phát triển và giàu có.

Con người khi được thả lỏng để được tự so suy nghĩ, hành động, kết nối, làm việc và theo đuổi ước mơ – họ tự động làm ra của cải và sự giàu có.

Sài Gòn tuy không hoàn hảo, nhưng nó là phiên bản gần nhất với những ý tưởng của Mises và Hayek, về một môi trường sinh động. Nếu bạn có tài, nó sẽ được trọng dụng. Nếu bạn nấu ăn ngon, người ta sẽ tới quán ủng hộ. Nếu bạn có giải pháp cho một vấn đề, sẽ có người lắng nghe để góp vốn. Nếu bạn có ý tưởng sáng tạo, sẽ có người giúp biến nó thành tác phẩm. Bạn là ai hay từ đâu đến không quan trọng bằng việc bạn làm được gì.

Chính sự kết hợp của hơn chín triệu người xa lạ, nó tạo thành một cỗ máy kiến tạo thịnh vượng.

Sài Gòn bây giờ không còn là thành phố duy nhất tiếp thu bài học đó, hàng loạt đô thị khác đang nổi lên theo nguyên lý tương tự. Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang hay Vũng Tàu đều đi theo sau. Nhưng người tiên phong luôn được nhớ đến.

Trí óc con người chính là nguồn gốc của sự giàu có.

Nguyễn Trọng Nhân & Lê Mỹ Ngân, 18.10.2022