Review phim A tourist’s guide to love, ngôn tình cổ tích giữa gái Mỹ và trai Việt

Hình ảnh đất nước Việt Nam được Netflix quảng bá đến hàng trăm triệu người trên thế giới qua bộ phim hài lãng mạn, A tourist’s guide to love. Dù bạn khen hay chê đi nữa, thì phải thừa nhận rằng nhờ nó mà nhiều người sẽ đến du lịch và đây là cơ hội để tái xây dựng thương hiệu.

Cảm ơn đoàn làm phim.

Giờ xin phân tích các tình huống và chi tiết vô lý nhưng mang chút hài hước. Đã là phim thì không thể nào đòi hỏi sự hoàn hảo. Đây không phải là lời phê bình, mà là sự phân tích để giúp bộ phim này lan tỏa.

Kịch bản:

  1. Amanda Riley là một giám đốc của công ty du lịch Mỹ muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Bà tổng giám đốc muốn thâu tóm công ty Saigon Silver Star cho nên cử Amanda đến thăm dò.
  2. Amanda đến Việt Nam và gặp Sinh, người làm hướng dẫn viên của đoàn.
  3. Amanda và Sinh có tình cảm. Hết.

Giờ xin chỉ ra những điểm hơi vô lý.

  1. Tại sao một công ty Mỹ lại muốn mua lại công ty du lịch ở Việt Nam. Trong khi thị trường du lịch nội địa đã được thống trị bởi Saigontourist và Vietravel?
  2. Amanda đến sân bay Tân Sơn Nhất và gặp Sinh, một chàng trai Việt Nam cao to và nói tiếng Anh lưu loát. Ở ngoài đời thì sẽ cực khó để có điều này. Bộ phim muốn tạo một hình ảnh Việt Nam hiện đại thông qua một chàng điển trai với học thức cao.
  3. Amanda bị lạc hành lý nên đến quầy để hỏi. Sinh nói là anh ta có quan hệ nên sẽ tìm hành lý hộ. Miêu tả chuẩn xác nền kinh tế của Việt Nam. Đó là muốn làm gì cũng phải có quan hệ.
  4. Cảnh nhóm người Mỹ uống bia trên sân thượng. Cái này không có lỗi gì hết. Nó cho thấy câu quan thuộc “Một hai ba dô” là nét đặc trưng của Việt Nam.
  5. Cảnh Amanda và Sing ngồi xích lô cầm điện thoại chụp. Ở ngoài đời mà làm vậy thì khả năng cao sẽ bay cái điện thoại.
  6. Sau đó đoàn đi xe từ Sài Gòn ra Hội An trong ngày là tới. Ở ngoài đời thì phải đi 24 tiếng. Nhưng đây là phim, tạm thông cảm.
  7. Cảnh Hội An. Cái này không có sai gì hết, cảnh đẹp nên mình chia sẻ thôi.
  8. Cảnh Amanda và Sinh ở Chùa Cầu. Tò mò là họ có mua vé không?
  9. Cảnh Amanda và Sinh đi bộ ở phố cổ. Sinh kể là sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ, anh ta về Việt Nam làm cho quán ăn gia đình ở Huế rồi làm hướng dẫn viên du lịch. Sinh phải là một thiếu gia nên tiền bạc không quan trọng nên mới làm vậy.
  10. Cảnh chèo thuyền thúng ở bãi Mỹ Khê. Ở ngoài đời, chỗ đó có nhiều ghe nên ít du khách tới tắm.
  11. Công ty du lịch đổi lịch trình để đến ngôi làng tại vùng quê. Ở ngoài đời thì công ty sẽ không bao giờ được làm vậy, trừ khi khách thực sự muốn. Họ có lộ trình và phải đi theo.
  12. Cảnh bà của Sinh. Ở vùng quê miền Trung mà lại nói giọng miền Nam. Không sao, đây là phim.
  13. Xe chạy từ Hội An ra Hà Nội trong ngày. Ở ngoài đời thì cần 24 tiếng.
  14. Bạn trai cũ của Amanda xuất hiện. Nói rằng anh ta gọi điện cho công ty du lịch nên biết Amanda đang ở đâu. Ở ngoài đời thì công ty có dám cung cấp thông tin vậy không?
  15. Cảnh cuối. Amanda và Sinh hôn nhau trước nhà hát. Còn ở ngoài đời thì một tuần liệu có đủ thời gian để hai người yêu nhau không? Hơi khó.

Nếu bạn chế nhạo là sao phim không nói về các vấn đề khiến du khách bực bội khi đến Việt Nam, thì đây là phim. Đâu ai muốn nói tiêu cực hay chỉ ra điểm xấu. Làm khách thì phải khen chứ. Đến đây xin hết.

Hãy coi để thấy Việt Nam sẽ xuất hiện ra sao trong mắt khán giả quốc tế. Còn nếu nói đây là tác phẩm để kích thích du lịch thì có lẽ là nhận xét quá lạc quan.

Một lần nữa, cảm ơn đoàn làm phim đã mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Nhưng riêng về kịch bản, nó là cổ tích. Nếu là một người đàn ông Mỹ và một cô gái Việt Nam thì sẽ thuyết phục hơn.