Phồn vinh giả tạo là gì, sốt đất Phú Quốc

Nếu bạn muốn thấy một ví dụ điển hình của khái niệm “Phồn vinh giả tạo,” hãy đến Phú Quốc. Chính xác hơn là hãy ghé thăm một khu du lịch được xây theo mô hình Địa Trung Hải. Họ sao chép gần như tất cả, từ kiến trúc, con sông Venice, cho đến màu sắc. Nhưng tiếc thay, tất cả đều là phiên bản lỗi.

Ở đây không phải chê Phú Quốc. Đây là một hòn đảo tuyệt đỉnh và được tạo hóa ban tặng hàng trăm km bờ biển cát vàng, đủ để làm bất cứ thành phố du lịch nào khác ghen tị. Nhưng vì lý do nào đó, sự phát triển của nơi đây lại đi theo chiều hướng sốt đất.

Công thức là như sau:

  1. Quy hoạch đất.
  2. Lập dự án và phân lô bán nền.
  3. Thuê truyền thông để tạo hình ảnh.
  4. Bơm thổi giá đất.
  5. Hốt tiền rồi đi nơi khác.

Bạn không cần phải là một chuyên gia về kiến trúc hay quy hoạch đô thị để thấy các dự án đó không hề khớp với phong cảnh tự nhiên của Phú Quốc. Nếu nói nhẹ, thì là lập dị. Còn nếu dùng lời nặng, thì là “Không thể hiểu nổi mấy người đó suy nghĩ gì.”

Người ta đến Phú Quốc không phải vì những khu giải trí, mà là để nghỉ dưỡng, đó mới là lợi thế cạnh tranh. Nếu muốn vui chơi, họ đã chọn Sài Gòn. Nếu muốn mua sắm, họ đã đi Thái Lan.

Nhưng thay vì tận dụng của trời cho, người ta lại chiếm các bãi biển để khai thác triệt để, và ai muốn tắm thì phải đi chỗ khác. Đó có phải là tư duy du lịch ổn để phát triển lâu dài. Du khách sẽ đến vì tò mò, vì coi các clip trên TikTok, hay đã nghe lời quảng cáo của các bạn làm review.

Để rồi thất vọng với sự phồn vinh giả tạo đắt đỏ này.

Tấm ảnh không rõ nguồn, cho nên xin mượn để dùng.