Phạm Chi Lan “Đừng ỷ lại đầu tư nước ngoài” | Tôi đã theo dõi Phạm Chi Lan từ lâu và rất ngưỡng mộ bà. Nhất là về quan điểm chính sách quản trị công. Người phụ nữ này có rất nhiều tâm tư và ý tốt nhưng bị giới hạn bởi rào cản ngôn từ. Không sao, tôi hoàn toàn hiểu.
Xin nói tiếp.
Để một quốc gia đi từ số không lên một thì phải trải qua quá trình phát triển.
- Lấy công làm lời và bán tài nguyên.
- Học hỏi tri thức, công nghệ và quy trình để nâng cao giá trị lao động.
- Tự phát triển và sáng chế.
Đó là công thức Hàn Quốc và Trung Quốc đã từng áp dụng, bây giờ Việt Nam cũng đi theo con đường tương tự. Không thể nào đi tắt được.
Việt Nam bắt đầu muộn. Nếu tính ra thì nên lấy năm 1995 để làm dấu vì đó là khi chúng ta bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Từ đó bắt đầu sự đổi mới thực sự về giao thương để đạt được ngày hôm nay.
Việc chào đón vốn đầu quốc tế không có gì sai, thậm chí đó là điều nên vui mừng. Chúng ta cần thu hút càng nhiều càng tốt chứ không nên giới hạn. Đương nhiên là phải đi đôi với việc thiết lập khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Nhưng đây có lẽ là ý chính, “Chọn bạn mà chơi.”
Tiền không phân biệt quốc gia nhưng nó đi kèm với mục đích của đối phương. Khi chúng ta nhận khoản đầu tư thì điều đầu tiên nên hỏi là “Họ muốn gì từ đất nước này.”
Nếu đó là đầu tư để mở doanh nghiệp sản xuất, tạo công ăn việc làm và trở thành thành viên của cộng đồng thì chẳng có gì phải e ngại. Dù đó là ai hay từ đâu đến. Thị trường Việt Nam luôn rộng mở.
Nhưng nếu đó là một đơn vị dùng tiền để sản xuất vật liệu độc hại, gây ô nhiễm môi trường và tạo xung đột thì có lẽ chúng ta nên cân nhắc. Vì không ai cho không ai điều gì.
Điều nên làm là thiết lập cơ chế để bảo vệ người lao động, tạo môi trường phẳng để các doanh nhân đến làm giàu cho bản thân họ và chúng ta. Vì khi lợi ích chỉ đơn phương thì đó là lúc người dân hoài nghi về lòng tốt của người quản lý.
Họ sẽ cảm thấy bức xúc khi có doanh nghiệp gây thảm hoạ nhưng không bị trừng phạt, xù lương công nhân nhưng không bị truy tố hoặc tạo sân chơi cho nhóm lợi ích riêng thay vì toàn thể xã hội.
Sự thịnh vượng của đất nước này phải do 100 triệu người Việt Nam quyết định và những người đại diện cho họ nên đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. “Ỷ lại đầu nước ngoài” có lẽ là thuật ngữ sai lầm. “Cân nhắc” là từ đúng hơn.
Bóc Phốt Tài Chính | 04.4.2021