Nhà đầu tư F0 đến F1, khác biệt ở tư duy | Nếu bạn mới tham gia thị trường chứng khoán, gặp nhiều bỡ ngỡ và không biết tiếp tục thế nào thì có lẽ không phải là người duy nhất. Không có một lĩnh vực nào thách thức con người bằng chứng khoán vì nó hoàn toàn đảo ngược mọi quy luật. Vì bạn có thể làm đúng nhưng vẫn lỗ, còn người kia có thể làm sai nhưng vẫn lời.
Thế giới nội dung tài chính chứa đầy từ ngữ. Nhưng riêng với thị trường Việt Nam trong một năm gần đây thì phổ biến nhất là từ “F0,” dùng để gọi những nhà đầu tư mới và “F1,” dùng để miêu tả những ai đã có kinh nghiệm và trưởng thành. Nguồn gốc thì có lẽ xuất phát từ COVID-19 rồi trở thành trào lưu. Mặc dù không thích thuật ngữ này vì dễ gây nhiểu lầm nhưng vì nó quá nổi tiếng nên cũng là cách tốt nhất để truyền tải.
Trải qua hơn một thập niên trong thị trường, từ thời đại học cho đến khi đi làm, từ một chàng trai cho đến người đàn ông, từ diễn đàn cho đến mạng xã hội, tôi đã chứng kiến đủ thành phần ôm mộng thăng hoa. Có người thành công nhưng đa số trở thành một phần của thống kê.
Gần như không có gì mới. Chu kỳ nào cũng có những cá nhân bỗng dưng trở nên nổi tiếng vì dự đoán trúng về giá cả của cổ phiếu nào đó hay một thanh niên biến thành ngôi sao qua đêm vì tài khoản nhân lên chục lần trên Reddit. Ngược lại, vô số người trở nên bất mãn và mất niềm tin và coi chứng khoán là một kênh cờ bạc vì họ đã mất quá nhiều tiền.
Trào lưu này bây giờ đã biến thành ngành công nghiệp với hàng loạt thiên tài dạy lướt sóng, khóa học dạy đầu tư và nhà tư vấn dạy làm giàu. Lạ lùng thay, những nội dung họ quảng bá lại không liên quan gì tới tài chính chuyên ngành mà mang vai trò giải trí nhiều hơn.
Mọi thứ không cần phải trở nên phức tạp như vậy.
Khoảng cách giữa F0 và F1 không phải là số năm tham gia, số tiền trong tài khoản, số sách đã đọc, số khóa học đã bỏ tiền mua, số lượng người theo dõi mình hay đơn thuần là số lượng tiền kiếm được.
Giả sử bây giờ có một người bỏ hàng tá giờ phân tích và chọn mua một cổ phiếu, cùng lúc thì có một con khỉ bịt mắt chọn ngẫu nhiên. Kết quả là cả hai đều có hiệu suất như nhau thì ai là người tài và ai là kẻ ngốc may mắn. Thật khó để phân biệt.
Để đơn giản hóa mọi thứ thì đây là những điểm khác biệt lớn nhất tôi có thể nêu ra giữa F0 và F1, nhà đầu tư mới và nhà đầu tư “trưởng thành.”
- F0 coi chứng khoán là kênh để làm giàu nhanh. F1 coi chứng khoán là công cụ để phát triển tài sản lâu dài, nhất là cho hưu trí hoặc mục tiêu trong tương lai.
- F0 thích các mã biến động mạnh. F1 thích các mã an toàn và các quỹ ETF Index.
- F0 bị thu hút bởi forex và phái sinh vì nghe nói là dễ kiếm tiền. F1 nghe ai quảng bá forex hay phái sinh là né vì không muốn mất thời gian.
- F0 có tầm nhìn ngắn hạn, tầm vài ngày đến tuần. F1 có tầm nhìn dài hạn, ít nhất là vài năm đến thập niên.
- F0 muốn lời 10-20% mỗi tháng. F1 muốn lời hơn hiệu suất index, tầm 10-15% mỗi năm là quá hài lòng, còn không thì ăn theo index là tốt nhất.
- F0 tìm mã nào có thể biến họ thành triệu phú trong thời gian ngắn. F1 thiết lập kế hoạch đầu tư để xây dựng tài chính cá nhân vững chắc.
- F0 thích theo dõi bảng giá mỗi ngày không khác gì kẻ nghiện. F1 mua rồi thoát app, họ ít coi bảng giá vì cho rằng nó không giúp ích gì.
- F0 thích tham gia các diễn đàn về chứng khoán. F1 né xa những chỗ đó vì biết bằng nó vô ích.
- F0 đọc Market Wizards [Phù thùy chứng khoán] và muốn trở thành một nhân vật trong đó. F1 đọc “Bước đi ngẫu nhiên trên phố Wall” và muốn trở thành nhà đầu tư dài hạn.
- F0 gọi mình là trader. F1 gọi mình là nhà đầu tư giá trị, nhà đầu tư thụ động, nhà đầu tư dài hạn hoặc nhà đầu tư index.
- F0 thần tượng Soros, ấn tượng với lần ông ta đánh sập Ngân Hàng Nhà Nước Anh. F1 thần tượng Buffett, Malkiel và Bogle, ấn tượng với tính kiên nhẫn và tầm nhìn của những người đàn ông đó.
- F0 dùng technical analysis [phân tích kỹ thuật] để tìm ra hệ thống nào đó dự đoán được xu hướng. F1 dùng nó để so sánh giá cả chứ không áp dụng trong đầu tư vì nó gần như vô nghĩa.
- F0 thích nghiên cứu biểu đồ vì cho rằng nó ẩn chứa trật tự nào đó. F1 khi còn là F0 thì là vậy, giờ thì không, vì biết rằng thị trường di chuyển gần như ngẫu nhiên.
- F0 dùng fundamental analysis [phân tích cơ bản] để tìm kiếm giá trị tàng hình. F1 biết rằng giá cả đã ít nhiều phản ánh tình hình rồi, không quan trọng báo cáo tài chính có gì mà quan trọng thị trường nghĩ gì.
- F0 tham gia các nhóm Zalo chat của các môi giới để được tư vấn chiến lược và không ngại trả tiền. F1 gọi nhóm người bỏ phí kia tham gia nhóm Zalo là kẻ ngốc.
- F0 lời 20% thì sướng điên cả người. F1 lời 20% thì cảm thấy vui rồi thôi.
- F0 khoái dùng đòn bẩy để nhân đôi lợi nhuận. F1 né xa đòn bầy vì biết nó sẽ đốt cháy tài khoản khi thị trường giảm.
- F0 mua bán thường xuyên và liên tục. F1 mua đều mỗi tháng và bán sau vài năm.
- F0 cho rằng phải canh điểm mua bán thì mới giàu được. F1 muốn gia tăng tài sản bằng lãi suất kép và thời gian.
- F0 theo dõi các kênh dạy về chứng khoán trên YouTube và Tiktok. F1 thích đọc sách vì thừa biết nội dung kia là tầm phào.
- F0 thích nói về mã nào tăng hay giảm. F1 thích nói về tâm lý vì đó là yếu tố quyết định.
- F0 thích chế nhạo lãi suất ngân hàng và trái phiếu vì quá thấp, chứng khoán cao hơn. F1 biết rằng lợi nhuận phản ánh rủi ro, càng lời thì khả năng lỗ càng cao, đó là vì sao ngân hàng và trái phiếu tồn tại.
- F0 ôm mộng làm trader chuyên nghiệp hay lập quỹ đầu cơ. F1 bận đi làm, có dư tiền thì mới đầu tư được và họ không mạn mà lắm với các quỹ đầu cơ mà thích các quỹ ETF Index hơn.
- F0 không phân biệt được sự khác biệt giữa đánh bạc, đầu cơ và đầu tư vì “Miễn sao có tiền là được.” F1 phân biệt rất rõ, đánh bạc là dự cá cược sự xảy ra của sự kiện, đầu cơ là mua đi bán lại ăn chênh lệch giá cả và đầu tư là mua để sở hữu lâu dài.
- F0 đọc mấy điều trên thì ghét thầm tác giả vì biết anh ta đang chửi xéo mình. F1 đọc xong thì cười vì hiểu tác giả muốn nói gì.
Những điều trên không hoàn toàn đúng. Thậm chí, bạn nên coi nó là giải trí nhiều hơn là thông tin vì chỉ là quan sát của một cá nhân. Tôi chỉ là một người đi làm bình thường, có tiền nhàn rỗi thì rót vào thị trường với mục đích là phát triển tài sản. So với những giám đốc, nhà đầu tư lừng danh hay nhân vật tiêu biểu nào đó thì quá nhỏ bé.
Quay lại câu hỏi chính. “Sự khác biệt giữa F0 và F1, nhà đầu tư mới và nhà đầu tư trưởng thành là gì?” Đó chính là tư duy. Cách bạn nhìn nhận, tiếp cận, suy nghĩ, xử lý và áp dụng chứng khoán trong cuộc sống sẽ quyết định bạn gặt hái được gì. Chính các bạn là người sẽ chọn mình là F0 hay F1.
Bóc Phốt Tài Chính | 08.6.2021